Công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn gặp nhiều khó khăn

Thứ Ba, 28/02/2023 10:02 AM (GMT+7)

Sàng lọc trước sinh và sơ sinh sẽ giúp phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi và sơ sinh để những trẻ em được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện sàng lọc vẫn còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Nghiên cứu "Những rào cản trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam" do Viện nghiên cứu Phát triển Mekong và Trung tâm nghiên cứu (Trường Đại học Toronto, Canada) được Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc phối hợp với Bộ Y tế hỗ trợ cho thấy, tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trước sinh (khám thai ít nhất 4 lần) thấp hơn 58 điểm phần trăm so với tỷ lệ chung toàn quốc (16% so với 74%), họ cũng ít quan tâm đến sàng lọc sơ sinh.

Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Phạm Hồng Quân cho biết, tuy các hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã được triển khai trên toàn quốc, nhưng để duy trì, phát huy kết quả đã đạt được là thử thách không nhỏ. Bộ máy công tác dân số của địa phương thay đổi, nhất là tuyến huyện đã sáp nhập với Trung tâm y tế, các cán bộ làm dân số được phân công làm công việc khác, hoặc chuyển công tác; cán bộ mới chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đối với các mặt bệnh mở rộng cần phải đào tạo tập huấn về tư vấn, kỹ thuật cho cán bộ chuyên khoa khác (khoa tim mạch, tai mũi họng) trong sàng lọc sơ sinh.

Từ năm 2021, sau khi chương trình Mục tiêu Y tế Dân số giai đoạn 2016 - 2020 kết thúc, các nhiệm vụ của chương trình được chuyển sang nhiệm vụ chi thường xuyên. Vì vậy nguồn kinh phí chi trả cho việc thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho các đối tượng được miễn phí (đối tượng chính sách tại các địa bàn miền núi, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa) sẽ dùng nguồn kinh phí của các địa phương. Tuy nhiên, công tác này đang gặp khó khăn do nhiều địa phương vẫn chưa trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục bệnh để cấp kinh phí; mất thời gian hoàn tất các thủ tục để các trung tâm sàng lọc khu vực miễn phí tiền công xét nghiệm và gửi trả kết quả cho địa phương; công tác thống kê cũng chưa được đầy đủ…

Bên cạnh đó, đầu tư của nhà nước còn hạn chế, chưa có cơ chế để thực hiện xã hội hóa và huy động được các nguồn lực cho việc thực hiện các hoạt động của Chương trình và phát triển những kỹ thuật tiên tiến trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị các bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Mạng lưới cơ sở y tế vừa thiếu và yếu về năng lực chuyên môn để đáp ứng nhu cầu của người dân.

IMG_2286-scaled

Công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Phạm Hồng Quân, để nâng cao, mở rộng các dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh, đặc biệt tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi, góp phần nâng cao chất lượng dân số cần ban hành danh mục mở rộng các bệnh tật ngoài gói dịch vụ cơ bản phù hợp với trình độ phát triển của khoa học công nghệ, chuyên môn kỹ thuật; rà soát, bổ sung, ban hành quy trình chuyên môn kỹ thuật; quy chuẩn, tiêu chuẩn của cơ sở cung cấp dịch vụ về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh, sơ sinh…

Trong quá trình tuyên truyền vận động và huy động xã hội, cần chú trọng đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, thay đổi hành vi của người dân. Bên cạnh đó, biên soạn, cung cấp tài liệu, sản phẩm truyền thông; tài liệu tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân, gia đình, đặc biệt trong vùng dân tộc thiểu số. Lồng ghép việc tuyên truyền cấm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong các hoạt động, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa, lễ hội.

Ngoài ra, vai trò của các tổ chức, đoàn thể, Già làng, Trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng cần được phát huy bằng việc tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đẩy mạnh tư vấn cộng đồng, vận động thanh niên thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; phụ nữ mang thai thực hiện sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh; trẻ sơ sinh được thực hiện sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh bẩm sinh.

Hiện tại, các dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh chưa được Bảo hiểm Y tế cũng như các dịch vụ bảo hiểm khác chi trả, chỉ có một số đối tượng chính sách tại các địa bàn miền núi, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được sử dụng miễn phí gói dịch vụ cơ bản của Chương trình. Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu trẻ chào đời, theo tính toán, số lượng đối tượng được miễn phí chỉ chiếm 10 -15% tổng số đối tượng cần được sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Danh mục bệnh được miễn phí sàng lọc theo quy định chỉ có 9 bệnh (4 bệnh sàng lọc trước sinh và 5 bệnh sàng lọc sơ sinh) trong khi, dịch vụ tại các Trung tâm sàng lọc có thể đáp ứng sàng lọc hơn 50 bệnh.

Chính vì thế ông Phạm Hồng Quân cho rằng, cần có sự tham gia tự chi trả của đối tượng sử dụng dịch vụ hoặc các tổ chức hỗ trợ đối tượng, cũng như hỗ trợ đơn vị cung cấp dịch vụ bằng nguồn kinh phí hợp pháp. Xã hội hóa chính là mục tiêu, động lực, là chính sách lâu dài cho sự phát triển bền vững của chương trình dân số nói chung và chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh nói riêng.

Vũ Phương Bảo Khanh

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...