Cột mốc làm cha: Cơ thể đàn ông sẽ thay đổi như thế nào khi "lên chức"?

Thứ Ba, 24/09/2019 01:03 PM (GMT+7)

Trong khi những thay đổi sinh học mà người cha phải trải qua luôn bị xem nhẹ hoặc không được hiểu rõ bằng phụ nữ, thì các nhà khoa học đã chứng minh được rằng cả 2 giới đều phải trải qua những thay đổi trong não bộ và nội tiết trước khi trở thành cha mẹ.

lam-cha

 Anna Machin, một nhà nhân chủng học tại Đại học Oxford, ông chia sẻ: "Tôi luôn có niềm tin sâu sắc với sự thật rằng: Vì cơ thể nam giới không phải trải qua các thay đổi sinh học liên quan đến mang thai, sinh con và cho con bú nên về cơ bản, họ không thể có được sự nhạy cảm vốn có trong việc chăm sóc con cái như phụ nữ.

Chính vì điều này, nam giới thường cảm thấy thiếu tự tin và luôn nghi hoặc về khả năng làm cha của mình: Họ nghi ngờ liệu mình có thể làm một người cha tốt? Có thể gắn kết với đứa con của mình? Liệu họ có thể biết mình phải làm gì khi có một tình huống bất chợt xảy ra?. 

Tuy nhiên, việc cho rằng các ông bố ít chuẩn bị cho thiên chức làm cha về mặt sinh học là không hoàn toàn đúng, bởi phần lớn không ai trong chúng ta có sẵn trong mình bản năng nuôi dạy con cái".

Trong khi những thay đổi sinh học mà người cha phải trải qua luôn bị xem nhẹ hoặc không được hiểu rõ bằng phụ nữ, thì các nhà khoa học đã chứng minh được rằng cả 2 giới đều phải trải qua những thay đổi trong não bộ và nội tiết trước khi trở thành cha mẹ.

Testosterone giảm xuống vì phải lo cho vợ con

Cụ thể, hàm lượng testosterone trong cơ thể nam giới lúc này sẽ bị giảm xuống. Testosterone chịu trách nhiệm lớn trong việc thúc đẩy đàn ông tìm bạn tình, nghiên cứu cũng cho thấy, đàn ông có hàm lượng testosterone cao có xu hướng hấp dẫn bạn tình hơn.

Tuy nhiên, việc trở thành cha khiến họ phải tập trung vào chăm lo cho gia đình, vợ con, điều này chống lại nỗ lực tìm kiếm bạn tình mới của họ, dẫn đến suy giảm testosterone.

Một nghiên cứu tiến hành trong vòng 5 năm và công bố vào năm 2011 theo dõi nhóm 624 người đàn ông độc thân, không có con ở Philippines trong độ tuổi từ 21 - 26 của Tiến sĩ Lee Gettler - nhà nhân chủng học người Mỹ, đã chứng minh trong khi tất cả những người đàn ông tham gia nghiên cứu đều cho thấy sự suy giảm testosterone bình thường liên quan đến tuổi tác, thì 46 người đàn ông của nhóm này sau khi làm bố đã cho thấy sự suy giảm mạnh mẽ hàm lượng testosterone (trung bình 34%) (khi đo vào ban đêm) so với những người còn lại đang độc thân hay đã kết hôn nhưng chưa có con.

Rất nhiều nghiên cứu được tiến hành trên hành trên phạm vi toàn cầu (bao gồm cả những phát hiện chưa được công bố tại Vương quốc Anh) cũng cho ra kết quả tương tự. Lưu ý, sự suy giảm testosterone này có thể xảy ra trước và sau khi đàn ông có con đầu lòng.

Trong khi chưa có kết luận chính xác nguyên nhân gây ra sự sụt giảm này, thì Tiến sĩ Gettler đã công bố kết quả nghiên cứu của mình cho thấy testosterone càng giảm mạnh, hành vi chăm sóc gia đình của người đàn ông càng bị tác động lớn.

Theo Gettler, những ông bố trẻ có hàm lượng testosterone giảm mạnh sau khi có con sẽ chịu khó làm các công việc gia đình và chăm sóc con cái hơn.

Bên cạnh đó, trong khi sự sụt giảm testosterone tăng cao, thì hàm lượng oxytocin và dopamine của nam giới lại gia tăng.

Vì thế, việc chăm sóc con cái không chỉ xây dựng liên kết mạnh mẽ giữa cha và con, mà đó còn là phần thưởng tinh thần tạo cảm giác hạnh phúc, hài lòng và ấm áp.

Sự thay đổi của não bộ

Không chỉ hàm lượng hormones, mà não bộ nam giới cũng có những thay đổi để đảm bảo đáp ứng các kỹ năng chính của việc nuôi dạy con cái.

Vào năm 2014, tiến sĩ Pilyoung Kim - nhà thần kinh học tại Đại học Denver đã tiến hành chụp cộng hưởng từ với 16 người đàn ông lần đầu làm cha.

Quá trình chụp này được chia ra 2 lần: Một lần vào thời điểm con họ được 2 - 4 tuần tuổi, lần thứ 2 là khi con họ được 12 - 16 tuần tuổi. 

Qua 2 lần chụp, Tiến sĩ Kim đã tìm thấy những thay đổi trong não bộ 16 người đàn ông trên cũng tương tự giống với sự thay đổi trong não bộ của những phụ nữ lần đầu làm mẹ: Một số khu vực trong não bộ các ông bố liên quan đến sự gắn bó, nuôi dưỡng, đồng cảm, khả năng thích ứng với các hành vi của con trong độ tuổi giữa 12-16 tuần tuổi có nhiều vùng trắng và xám hơn khi con được 2-4 tuần tuổi.

Bác sĩ Kim tin rằng sự thay đổi trên phản ánh sự phát triển các kỹ năng liên quan đến việc nuôi dạy con cái (như nuôi dưỡng và hiểu nhu cầu của con).

Đặc biệt, chính vì đàn ông không trải qua sự thay đổi nội tiết tố đi kèm với việc mang thai và sinh nở, nên việc học cách gắn kết tình cảm với con có thể là phần đặc biệt quan trọng khi trở thành một người cha.

Bên cạnh đó, những thay đổi diễn ra trong não bộ có thể sẽ hỗ trợ các ông bố học hỏi, trau dồi kỹ năng làm cha hiệu quả.

Nhưng, trong khi cả các bà mẹ và ông bố mới đều cho thấy sự kích hoạt ở các vùng não liên quan đến sự đồng cảm và thấu hiểu cảm xúc, hành vi của con, thì một nghiên cứu tiến hành năm 2012 của các nhà thần kinh học tại Đại học Bar-Ilan ở Israel lại cho thấy sự khác biệt trong các vùng sáng của não bộ các bố và các mẹ. 

Đối với các bà mẹ, những vùng gần với lõi não cho phép họ chăm sóc, nuôi dưỡng và phát hiện rủi ro hoạt động mạnh nhất. Nhưng với các ông bố, phần não hoạt động mạnh nhất lại nằm ở mặt ngoài của não, nơi đảm nhiệm những nhận thức cao hơn như suy nghĩ, định hướng mục tiêu, lập kế hoạch và giải quyết vấn đề.

Vì sao trẻ lại chạy đến ôm mẹ khi buồn và tìm đến bố khi cần sự vui vẻ?

Tiến sĩ Shir Atzil - nhà tâm lý học tại Đại học Do Thái  Jerusalem ở Israel, cũng đồng thời là tác giả của nghiên cứu trên, cùng với Tiến sĩ Kim đã cho rằng não bộ người cha có sự thích nghi theo những cách tương tự, nhưng khác nhau ở mỗi người để đảm bảo họ có thể gắn kết và chăm sóc con cái kể cả khi con chưa chào đời.

Có nghĩa là, cả các ông bố và bà mẹ đều có động lực, thái độ tương tự với sự ra đời của con.

Ngoài ra, sự khác nhau giữa các vùng sáng trong não bộ cũng phản ánh vai trò khác nhau giữa cha và mẹ. Đó cũng là lý do lý giải tại sao trẻ lại chạy đến ôm mẹ khi buồn và tìm đến bố khi cần sự vui vẻ.

Sự khác biệt này cũng dẫn đến những quan điểm và khuôn mẫu khác nhau giữa cha và mẹ trong quá trình nuôi dạy con cái.

Cụ thể, Tiến sĩ Ruth Feldman - nhà thần kinh học xã hội tại Israel đã công bố nghiên cứu với 112 bà mẹ và ông bố vào năm 2010 về sự gia tăng của hormones oxytocin, ở phụ nữ, sự gia tăng này diễn ra khi họ nuôi dưỡng con cái, trong khi với nam giới, sự gia tăng này lại xảy ra khi họ cãi cọ, nổi cáu. 

Và bởi hàm lượng oxytocin trong não bộ trẻ nhỏ dường như có cùng mức với bố mẹ, nên nó lý giải vì sao trẻ thường chỉ thích chơi cùng bố mẹ. Cũng chính vì sự ảnh hưởng của oxytocin trong não bộ người cha khi hành xử thô bạo, nên nó sẽ gây suy giảm gắn kết trong mối quan hệ cha con, đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển kỹ năng xã hội của trẻ.

Mặc dù vẫn còn khá nhiều thắc mắc liên quan đến sự thay đổi sinh học của nam giới khi làm cha, nhưng nhìn chung đây cũng là yếu tố khiến các ông bố trở nên nhạy cảm tương tự các bà mẹ.

Nói tóm lại, dù có trở thành cha hay mẹ, thì nam giới cũng như phụ nữ đều có những thay đổi nhất định trong cơ thể, chỉ khác là thay đổi đó diễn ra rõ rệt hay không, vì vậy đừng vội quy chụp rằng các ông bố luôn vô cảm với sự ra đời của đứa con yêu quý của mình.

Vai trò của người cha

Quan niệm truyền thống thường cho rằng người đàn ông chỉ nên đóng vai trò phụ giúp người phụ nữ chăm sóc con cái. Tốt hơn hết, anh ta nên giỏi trong việc chu cấp tài chính cho gia đình, còn nếu để đàn ông chăm con thì chẳng yên tâm chút nào, có khi lại gây ra tai họa.

Chỉ mới gần đây, ý tưởng người đàn ông nên tham gia vào việc gia đình mới chớm nở. Nhưng họ vẫn bị coi là người thay thế bất đắc dĩ cho những người mẹ. Khoa học cũng phản ánh điều đó, khi những nghiên cứu về sự phát triển sớm của trẻ chỉ quan tâm tới người mẹ mà bỏ quên những ông bố.

Bằng chứng tôi có được khi khảo sát nhanh trên PubMed, một cơ sở dữ liệu khổng lồ chứa các nghiên cứu y sinh tập hợp lại từ khắp thế giới. Với từ khóa "motherhood", tôi tìm được hơn 10.000 nghiên cứu nhưng con số cho từ khóa "fatherhood" chỉ khoảng hơn 2.000. Điều đó gián tiếp cho thấy vai trò của những ông bố chỉ bằng 1/5 những bà mẹ.

Giáo sư Miuchael Lamb, trưởng khoa Tâm lý học xã hội và phát triển tại Đại học Cambridge ở Anh là một trong những người hiếm hoi và tiên phong nghiên cứu khoa học về mối quan hệ cha con từ những năm 70 của thế kỷ trước.

Ông cho biết đó là thời kỳ hoàng kim của thuyết gắn bó (Attachment theory), lý thuyết cho rằng sự phát triển của mỗi con người bị ảnh hưởng rất lớn từ sự gắn bó về mặt thể chất và tình cảm với người đã chăm sóc họ khi còn nhỏ.

Những năm 1970, tất cả các nhà khoa học khác chỉ mặc định coi người chăm sóc duy nhất mà một đứa trẻ có trong những năm đầu đời là người mẹ. Chỉ có giáo sư Lamb và một số ít nhà nghiên cứu khác để ý đến một điều: Những đứa bé cũng có thể hình thành một sự gắn bó mạnh mẽ với cha, tương tự như với mẹ của chúng.

Những đứa bé cũng có thể hình thành một sự gắn bó mạnh mẽ với cha, tương tự như với mẹ của chúng.Trong một thí nghiệm, giáo sư Lamb đã quan sát thấy những đứa trẻ tạm thời bị bỏ lại một mình trong phòng sẽ ngừng khóc, ngay khi cha chúng quay trở lại. Mặc dù chỉ là một hiện tượng hết sức đơn giản, thí nghiệm này đã cho phép ông giữ vững niềm tin hơn 40 năm để nghiên cứu, chứng minh những tác động tích cực mà một người cha có thể góp phần vào sự phát triển của con cái.

Các kết quả nghiên cứu được giáo sư Lamb tập hợp và viết thành một cuốn sách gần 700 trang với tựa đề "The role of the father in child development" (tạm dịch "Vai trò của người cha trong sự phát triển của trẻ").

Cuốn sách đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy, sự chăm sóc và quan tâm của người cha trong những năm tháng đầu đời có tác động cực kỳ lớn tới sự phát triển của trẻ sau này. Giáo sư Lamb dẫn một nghiên cứu năm 1991 cho thấy những đứa trẻ 1 tuổi có nhận thức phát triển hơn, khi chúng có được sự chăm sóc của người cha trong 1 tháng đầu đời.

Khi trẻ sơ sinh hơn 1 tuổi và bắt đầu chập chững, hiệu ứng của người cha còn trở nên rõ rệt hơn nữa. Các nghiên cứu cho thấy khi ông bố tham gia vào các công việc hàng ngày với con cái – chẳng hạn như ăn tối hoặc chơi đùa – những đứa trẻ sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích.

Sự hiện diện của người cha còn có tác động đến sự sống còn của một đứa trẻ. Lịch sử truyền miệng từ các cộng đồng quy mô nhỏ cho thấy những người cha có bản năng bảo vệ con cái trước các mối đe dọa của kẻ thù. Thống kê tại Mỹ cũng cho thấy những đứa trẻ không có tên bố trong giấy khai sinh phải chịu tỷ lệ tử vong cao hơn trong những năm đầu đời.

Những năm sau này của cuộc đời, nguồn lực và thời gian mà người cha dành cho con cái tiếp tục giúp chúng phát triển về mọi mặt, từ trí thông minh, thể chất, giáo dục, tâm sinh lý cho đến vốn sống xã hội.

Một loạt các nghiên cứu chỉ ra dưới sự chăm sóc và giúp đỡ của những ông bố, những trẻ sẽ có IQ và kết quả học tập cao hơn. Đáng ngạc nhiên, một nghiên cứu cho thấy những ông bố là người đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Mặc dù những năm tháng đầu đời, những đứa trẻ tiếp nhận nhiều ngôn ngữ từ mẹ hơn cha. Nhưng bắt đầu từ năm 3 tuổi trở đi, sự giao tiếp cha-con mới là yếu tố tiếp tục góp phần vào sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, còn giao tiếp mẹ-con thì không.

Bởi vậy, các nhà nghiên cứu đã khuyến khích các ông bố dành ra nhiều thời gian hơn để nói chuyện với con trẻ.

Các nhà nghiên cứu khuyến khích những ông bố dành ra nhiều thời gian hơn để nói chuyện với con trẻ.Ngoài ra, một nghiên cứu theo dõi những đứa trẻ cho tới năm 9 tuổi chỉ ra, khi các ông bố nói chuyện và chơi đùa nhiều hơn với con nhỏ, chúng sẽ có sức khỏe tâm thần tốt hơn. Những ông bố thường thiết kế nhiều trò chơi cảm giác mạnh, bởi vậy, con họ sẽ vui vẻ và phát triển được nội tâm tốt hơn so với khi chơi với người mẹ, những người có xu hướng quá an toàn.

Đặc biệt, những bà mẹ bị trầm cảm sau sinh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ nhỏ. Nhưng nghiên cứu cho thấy người cha bằng cách chơi đùa với con có thể bù đắp hoàn toàn sự ảnh hưởng đó. Những đứa trẻ chơi với cha lớn lên sẽ có năng lực xã hội tốt hơn, đồng thời ít có hành vi không đúng mực, chẳng hạn như quan hệ tình dục sớm, sử dụng chất kích thích hoặc phạm pháp.

Ngược lại, sự vắng mặt của người cha trong những năm niên thiếu liên quan đến một loạt các kết quả tiêu cực, bao gồm tăng nguy cơ bỏ học và trình độ học vấn thấp hơn, sức khỏe thể chất và tinh thần kém hơn và các vấn đề về hành vi kể trên.

Một nghiên cứu trên những người Mỹ và Na Uy có cha tham chiến trong Chiến tranh thế giới thứ hai đúng vào giai đoạn thơ ấu của họ cho thấy, thiếu đi sự chăm sóc của người cha khiến họ có kỹ năng xã hội kém, bao gồm việc khó kết bạn và tạo mối quan hệ với người khác.

Nghiên cứu cho thấy những đứa bé thường nhìn vào cha mình để phát triển các kỹ năng xã hội, đặc biệt là với bé trai. Đối với bé gái, mối quan hệ bền chặt với cha giúp giảm các rủi ro liên quan đến tình dục sau này.

Làm một người cha tốt

Brandon, người sáng lập Câu lạc bộ Daddies Toronto, mới 22 tuổi khi đứa con trai đầu lòng của anh chào đời. Hiển nhiên ở thời điểm đó, anh ấy chưa thể có một sự nghiệp vững chắc. Là một người cha trẻ đồng nghĩa với việc phải vật lộn để kiếm tiền, vì đối với Brandon, làm cha nghĩa là phải chu cấp được cho con cái.

"Tôi biết rất nhiều người bạn hồi đó di cư về phía tây để kiếm việc làm trong các giàn khoan dầu, và tôi nghĩ có lẽ mình cũng nên làm vậy", anh nhớ lại. "Tôi nghĩ rằng mình sẽ là một người cha tốt hơn nếu tôi đi làm xa và gửi tiền về cho vợ".

Nhưng cuối cùng, Brandon lại quyết định ở nhà và chia sẻ trực tiếp trách nhiệm làm cha làm mẹ với vợ mình. Mặc dù điều đó sẽ khiến anh ấy bị đánh giá (từ những ánh mắt người khác nhìn vào và từ chính bản thân anh ấy), Brandon thấy xấu hổ khi mình phải làm việc chân tay trong khi những người cha khác đều mặc com lê, nhưng anh không hối hận vì đã dành thời gian ở nhà cho vợ con mình.

Brandon nói chuyện với tôi qua điện thoại trong khi đang đi dạo với đứa con thứ ba của mình, giờ đã 12 tuổi. Họ không hẳn là đi đâu đó, chỉ đi dạo vì muốn giành thời gian ở bên nhau. "Những gì tôi muốn nói với những ông bố trẻ là hãy làm những điều nhỏ nhặt như thế này, đi dạo, đừng nghĩ đến tiền, bởi đó mới chính là những thứ mà con bạn nhớ tới sau này".

"Tôi đã lớn lên trong một nền văn hóa, và ở vào thời đại mà đòn roi là chuyện thường nhật. Tôi đã phải cố gắng kiên nhẫn để không đi vào vết xe đổ ấy. Thay vào đó, tôi dành thời gian để nói chuyện với con cái mình, trò chuyện và thực sự giao tiếp với chúng", anh nói.

"Trước khi tôi có con, tôi chưa bao giờ thực sự biết tình yêu là gì. Tôi chỉ biết nói những câu sáo rỗng như "Con yêu mẹ" hay "Tôi nghĩ tôi yêu cô gái này". Nhưng với những đứa con của tôi, tình yêu thật sự khác. Tôi biết mình sẵn sàng mất đi một phần cơ thể vì chúng".

Những gì tôi muốn nói với những ông bố trẻ là hãy làm những điều nhỏ nhặt như thế này, bởi đó mới chính là những thứ mà con bạn nhớ tới sau này.Josh là một phóng viên trước khi anh quyết định nghỉ việc ở nhà để chăm sóc con, đứa bé mới 8 tháng tuổi. Anh ấy là một người cha mẫu mực ngay từ ngày đầu tiên, khi ẵm đứa bé đi lại ngoài hành lang bệnh viện để cho vợ mình nghỉ ngơi trong phòng.

"Tôi chỉ đơn giản là không muốn con khóc và đánh thức cô ấy dậy", Josh nói. "Ở ngoài hành lang, tôi thấy mình là ông bố duy nhất làm việc này. Đã có rất nhiều người nhìn tôi và thốt lên rằng, ‘’Ồ, ông bố này thật đáng yêu’’, nhưng tôi rất ngạc nhiên vì họ coi điều đó là khác thường".

Khi con trai Josh được một tháng tuổi và có thể bú bình, vợ chồng anh bắt đầu luân phiên nhau thức dậy ban đêm để cho cậu bé ăn. Trong nhiều tháng trời anh ấy ru con ngủ, nếu Josh không trở mình thì đứa bé có thể nằm ngay trên người anh ấy mà ngủ say. Quãng thời gian chăm con nhỏ, Josh rất vất vả và luôn bị thiếu ngủ, nhưng mỗi khi nhớ lại anh đều thấy rất đáng yêu.

Nhiều ông bố khác bắt đầu làm cha khi đứa trẻ đủ lớn để chơi game, đá bóng hoặc đi câu cá với họ, nhưng đối với Josh anh muốn làm cha ngay khi con mình chào đời. "Tôi rất coi trọng việc đó, rằng mình phải đứng dậy và nói ‘’Đây, ba đã ở đây rồi’’. Tôi không đợi con mình đủ lớn để tham gia vào những sở thích của tôi", Josh nói. "Trở thành một người cha có nghĩa là phải làm những việc rất khó khăn nhưng cũng đầy thú vị".

Phần thưởng cho những nỗ lực của Josh đến vào ban ngày, khi con trai anh thường xuyên bò đến bên anh và ngồi trong lòng anh. Những lúc như vậy, Josh luôn cảm nhận được một tình yêu thương dâng trào trong cơ thể mình.

Trở thành một người cha có nghĩa là phải làm những việc rất khó khăn nhưng cũng đầy thú vị.Điều đó trái ngược với những gì anh ấy có được với cha mình.

Trong khi Josh và ba anh sống cùng nhau trong một ngôi nhà, ông ấy hầu như vắng mặt, chỉ cặm cụi vào công việc và chia sẻ rất ít về bản thân mình với con trai. Mặc dù ba anh sắp nghỉ hưu, Josh nói rằng có lẽ đã quá muộn để hình thành một mối quan hệ thực sự với ông ấy.

Cũng không phải là họ có xích mích gì, chỉ là những cuộc trò chuyện của Josh với ba mình không bao giờ vượt quá sự hời hợt và họ chẳng thể nào chia sẻ đời sống tình cảm với nhau. "Cho đến tận ngày hôm nay, tôi không cảm thấy mình gắn bó đủ sâu sắc với ông ấy như tôi với mẹ tôi, mặc dù tôi rất muốn điều đó", Josh nói. "Chúng tôi tiếp tục cố gắng, nhưng cả hai chúng tôi đều chưa từng luyện tập để trở thành cha con, vì vậy, cả hai chúng tôi đều lúng túng".

Với con trai của mình, Josh đang cố gắng sửa chữa lỗi sai đó. Nhưng khi những người lạ nhìn thấy anh cùng cậu bé 16 tháng tuổi trong công viên, vài người đã phải dừng lại để nói với Josh, có phần mỉa mai, rằng anh là một người cha đáng yêu đến kỳ lạ, đơn giản chỉ vì anh ấy đi chơi một mình với một đứa trẻ mới biết đi.

"Tôi không muốn trở thành một người cha đáng yêu kì lạ", Josh nói. "Chẳng có lý nào như thế cả. Tôi muốn trở thành một người cha tốt. Tôi muốn trở thành một phần trong cuộc sống của con tôi, hỗ trợ con tôi về cả thể chất và tinh thần. Để làm điều đó, tôi cần một nền tảng vững chắc. Còn cách nào tốt để hình thành nền tảng đó, hơn việc hiểu rõ con mình khi cậu bé lớn lên mỗi ngày?’’.

Tất cả chúng ta sinh ra, bất kể là đàn ông hay phụ nữ đều có khả năng và nghĩa vụ chăm sóc những đứa trẻ.Rõ ràng, những ông bố cũng có thể định hình con trẻ. Vậy thì tại sao ngày nay, khi nhìn thấy một người đàn ông chăm trẻ, chúng ta vẫn theo phản xạ tự nhiên mà hỏi rằng liệu mẹ của đứa bé đang ở đâu?

Sự thật là, giống như những người phụ nữ có thể trở thành một CEO tài năng nếu họ muốn, người đàn ông cũng có sức mạnh để chăm sóc những đứa trẻ. Đáng tiếc là đến tận bây giờ chúng ta mới nhận thức được điều này.

Nhưng rồi tư duy xã hội sẽ sớm thay đổi. Ngày nào chúng ta còn cười nhạo những ông bố thay tã, cho bú và ru con ngủ. Trong tương lai, chúng ta sẽ sớm cảm thấy kỳ lạ nếu bên cạnh đứa trẻ chỉ có bóng dáng người mẹ.

Tất cả chúng ta sinh ra, bất kể là đàn ông hay phụ nữ đều có khả năng và nghĩa vụ chăm sóc những đứa trẻ.

Duyen

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...