Đà Nẵng chung tay xóa bỏ định kiến về giới

Thứ Hai, 25/09/2023 02:39 PM (GMT+7)

Bạo lực gia đình không còn là chuyện trong nhà mà đã trở thành vấn đề được xã hội quan tâm. Để tình trạng này chấm dứt, người dân cần chấp nhận bạo lực gia đình là một vấn đề xã hội phải được giải quyết dựa trên cơ sở xóa bỏ định kiến giới.

Bạo lực gia đình không thể giải quyết hiệu quả nếu chỉ được coi là vấn đề của một cá nhân hoặc gói gọn trong phạm vi gia đình. Chưa kể, định kiến giới hiện đang tồn tại ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ công việc, học tập, cuộc sống hôn nhân đến các mối quan hệ ngoài xã hội.

Theo thông tin từ Hội liên hiệp phụ nữ thành phố Đà Nẵng, có hơn 60% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ từng trải qua ít nhất một lần bị bạo lực và hơn 80% vụ ly hôn có nguyên nhân từ bạo lực gia đình, định kiến giới. Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ thành phố Hoàng Thị Thu Hương cho biết, thời gian qua, thông tin về các vụ bạo lực gia đình có giảm nhưng tính chất nghiêm trọng ngày càng tăng. Trong nhiều vụ việc, phụ nữ, trẻ em trở thành nạn nhân trước thói vũ phu của người chồng, người cha trong gia đình. Theo bà Hương, bạo lực gia đình giờ đây trở thành vấn đề của toàn xã hội.

43

Bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, ngành liên quan, chúng tôi luôn yêu cầu chị em phải mạnh mẽ lên tiếng khi có hành vi bạo lực. Bởi nếu người trong cuộc không lên tiếng, chúng tôi không thể biết trước nguy cơ để có cách hỗ trợ, can thiệp kịp thời”, bà Hương nói.

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND thành phố, Hội liên hiệp phụ nữ thành phố Đà Nẵng đang tiến hành rà soát, đánh giá các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời, chủ động bố trí kinh phí, huy động mọi nguồn lực xã hội để duy trì và nhân rộng các mô hình, nhất là những địa phương thường xuyên xảy ra bạo lực gia đình. Trên cơ sở này, hội sẽ tham mưu công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, từ năm 2022, Đà Nẵng trở thành địa phương thứ 4 trong cả nước thành lập “Ngôi nhà Ánh Dương” nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình. Ngôi nhà nằm trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu tác động của Covid-19 lên nhóm dân cư dễ bị tổn thương - bảo đảm tiến trình quốc gia nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.

Ông Nguyễn Công Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Đà Nẵng - nơi đặt Ngôi nhà Ánh Dương, cho biết sau hơn 1 năm hoạt động, địa chỉ đón tiếp hàng chục lượt phụ nữ đến tham vấn dịch vụ pháp lý, tư pháp liên quan đến lĩnh vực hôn nhân, gia đình.

Thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Ngôi nhà Ánh Dương nhằm tiếp nhận, tư vấn, kết nối, hỗ trợ can thiệp kịp thời các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, xâm hại trên địa bàn thành phố.

Có thể nói, sự quan tâm của cộng đồng, xã hội trước những vấn đề về giới giúp rõ hơn thông điệp “hãy hành động để chấm dứt bạo lực gia đình, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em” mà các cấp, hội đoàn thể triển khai hiện nay. Dẫu vậy, để câu chuyện này đi đến một cái kết có hậu, thì việc làm trước tiên là người trong cuộc cần lên tiếng và người dân cần xem đây là vấn đề cộng đồng cần phải giải quyết trên cơ sở tôn trọng, phối hợp và hòa giải.

Vũ Phương Dung

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...