Dân số hơn 20 nước giảm một nửa vào 2100

Thứ Sáu, 17/07/2020 07:19 AM (GMT+7)

Trái Đất sẽ là ngôi nhà của 8,8 tỷ người vào năm 2100, ít hơn hai tỷ so với dự đoán của LHQ và dân số của hơn 20 nước sẽ bị giảm ít nhất một nửa.

dan-so-the-gioi

 Người qua lại nhộn nhịp trong một ga tàu ở Chennai, Ấn Độ, hôm 11/7/2018. Ảnh: AFP.

Theo nghiên cứu của một nhóm chuyên gia quốc tế công bố trên tạp chí y khoa The Lancet hôm nay, dân số toàn cầu giảm so với dự đoán bởi tỷ lệ sinh giảm và dân số già tăng. Vào cuối thế kỷ 21, ngưỡng sinh của 183 trong số 195 quốc gia áp dụng chính sách ngăn người nhập cư sẽ giảm xuống dưới mức cần thiết để duy trì dân số.

Hơn 20 quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Tây Ban Nha, Italy, Thái Lan, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc và Ba Lan, sẽ suy giảm ít nhất một nửa dân số. Trung Quốc cũng giảm gần tương tự, từ 1,4 tỷ người hiện nay xuống còn 730 triệu người sau 80 năm.

Dân số Việt Nam sẽ đạt đỉnh 107,25 triệu người vào năm 2044 và giảm xuống còn 72,5 triệu vào cuối thế kỷ.

Trong khu đó, khu vực châu Phi hạ Sahara sẽ tăng gấp ba dân số lên ba tỷ người, riêng Nigeria sẽ tăng lên gần 800 triệu người năm 2100, xếp thứ hai sau Ấn Độ với 1,1 tỷ người.

"Dự đoán này là tin mừng cho môi trường, bởi hệ thống sản xuất và cung ứng thực phẩm sẽ được giảm tải, xả thải carbon thấp hơn, khu vực châu Phi hạ Sahara cũng mở ra thêm nhiều cơ hội phát triển kinh tế quan trọng", Christopher Murray, giám đốc Viện Đo lường Y tế và Đánh giá (IHME), Đại học Washington, người đứng đầu nghiên cứu, nói.

"Tuy nhiên, đa số những quốc gia ngoài châu Phi sẽ chứng kiến lực lượng lao động bị thu hẹp và kim tự tháp dân số đảo ngược, gây hậu quả tiêu cực tới nền kinh tế".

Với những nước thu nhập cao, giải pháp tốt nhất để duy trì dân số và tăng trưởng kinh tế là áp dụng chính sách nhập cư linh hoạt và hỗ trợ xã hội cho những gia đình muốn sinh con.

"Tuy nhiên, trong bối cảnh dân số giảm, nguy cơ thực tế là các quốc gia cần xem xét chính sách hạn chế tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản bởi hậu quả tiềm tàng to lớn", Murray cảnh báo. "Trong mọi chương trình phát triển của chính phủ, cần đặt tự do và quyền phụ nữ lên ưu tiên hàng đầu".

Các dịch vụ xã hội và hệ thống y tế cần được cải cách để phù hợp với dân số già hơn. Khi mức sinh giảm và tuổi thọ tăng trên toàn thế giới, số lượng trẻ em dưới 5 tuổi dự kiến giảm hơn 40%, từ 681 triệu năm 2017 xuống 401 triệu năm 2100.

Khi đó, 2,37 tỷ người, chiếm hơn một phần tư dân số toàn cầu, sẽ hơn 65 tuổi. Số người trên 80 tuổi sẽ tăng từ 140 triệu bây giờ lên 866 triệu. Suy giảm mạnh về số lượng và tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động sẽ đặt ra thách thức lớn cho nhiều quốc gia.

"Xã hội sẽ phải chật vật để phát triển với ít người lao động và người nộp thuế hơn", Stein Emil Vollset, giáo sư tại IHME, lưu ý.

Số người trong độ tuổi lao động tại Trung Quốc sẽ giảm mạnh từ 950 triệu người hiện nay xuống còn hơn 350 triệu người vào cuối thế kỷ, tương đương 62%. Sự suy giảm ở Ấn Độ ít hơn, từ 762 triệu xuống 578 triệu.

Ngược lại, ở Nigeria, lực lượng lao động trẻ sẽ mở rộng từ 86 triệu hiện nay lên hơn 450 triệu vào năm 2100. Các nhà nghiên cứu dự báo những thay đổi này sẽ tạo ra trật tự kinh tế mới.

Đến năm 2050, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ, nhưng lại rơi xuống vị trí thứ hai vào năm 2100. GDP của Ấn Độ sẽ tăng lên vị trí thứ ba, trong khi Nhật Bản, Đức, Pháp và Anh sẽ nằm trong số 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Brazil dự đoán sẽ giảm từ vị trí thứ 8 hiện nay xuống 13, còn Nga sẽ từ vị trí thứ 10 xuống 14. Các cường quốc trong lịch sử như Italy và Tây Ban Nha, sẽ giảm từ vị trí trong top 15 xuống 25 và 28.

Indonesia có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 12 toàn cầu, còn Nigeria, hiện xếp thứ 28, sẽ lọt vào top 10.

"Vào cuối thế kỷ, thế giới sẽ trở nên đa cực, với Ấn Độ, Nigeria, Trung Quốc và Mỹ là những cường quốc có ảnh hưởng vượt trội", Richard Horton, nói, gọi nghiên cứu này là phác thảo "thay đổi căn bản trong quyền lực địa chính trị".

Từ trước tới nay, Liên Hợp Quốc gần như độc quyền trong dự báo dân số toàn cầu. Tổ chức này đưa ra dự báo dân số thế giới vào năm 2030, 2050 và 2100 lần lượt là 8,5; 9,7 và 10,9 tỷ người. Năm 2019, dân số thế giới đạt khoảng 7,7 tỷ người.

Sự khác biệt giữa dự báo của Liên Hợp Quốc và IHME chủ yếu ở tỷ lệ sinh, cụ thể là "mức sinh thay thế" để duy trì dân số ổn định là 2,1 ca sinh trên mỗi phụ nữ.

Liên Hợp Quốc tính toán những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp hiện nay sẽ gia tăng tỷ lệ này theo thời gian, ở mức 1,8 trẻ em trên một phụ nữ, theo Murray.

"Phân tích của chúng tôi cho thấy khi phụ nữ được hưởng nền giáo dục đầy đủ hơn, được tiếp cận với các dịch vụ sức khỏe sinh sản, họ sẽ lựa chọn trung bình ít hơn 1,5 con", ông giải thích. "Dân số toàn cầu tiếp tục tăng trưởng suốt thế kỷ này không còn là xu thế với dân số thế giới".

IHM thành lập năm 2007 do Quỹ Bill & Melinda Gates hỗ trợ. Những nghiên cứu mà tổ chức này đưa ra đã trở thành tài liệu tham khảo toàn cầu về thống kê y tế, đặc biệt là báo cáo thường niên về Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu.

Trần Thu Minh

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...