Đẩy mạnh tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân nâng cao chất lượng dân số ở miền núi

Thứ Bảy, 23/09/2023 02:33 AM (GMT+7)

Đối với các tỉnh vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, việc tư vấn và khám sức khoẻ tiền hôn nhân còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc đẩy mạnh tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân là rất cần thiết để góp phần bảo vệ, phát triển các dân tộc thiểu số ít người.

Đây là một trong các chỉ tiêu Bộ Y tế đặt ra trong Hướng dẫn thực hiện Nội dung 2 "Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", nhằm cải thiện sức khỏe của người dân tộc thiểu số về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ...

Hướng dẫn này thực hiện Dự án 7 - Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

94475226am_1

Bộ Y tế đặt mục tiêu tới năm 2025, 25% nam, nữ thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn tại các xã có triển khai can thiệp tại khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cả nước có 3.434 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc 51 tỉnh, thành. Trong số này có 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II và 1.551 xã khu vực III.

Việc tư vấn, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân mang lại rất nhiều lợi ích, được coi là bước đầu tiên, đảm bảo điều kiện "đầu vào" để nâng cao chất lượng dân số. Đặc biệt với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, việc tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân còn có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống vẫn còn xảy ra.

Tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn giúp các bạn trẻ chuẩn bị kiến thức, tâm lý cho cuộc sống tình dục vợ chồng; chuẩn bị để có một cuộc sống tình dục thoải mái, thỏa mãn và an toàn nhất.

Cùng đó, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân sẽ giúp đánh giá sức khỏe một cách tổng quát, phát hiện và điều trị sớm (nếu có) một số bệnh tật, đặc biệt là các bệnh lý di truyền (như thalassemia - tan máu bẩm sinh), bệnh phụ khoa, nam khoa, các bất thường hệ sinh dục hay bệnh lây truyền qua đường tình dục (như giang mai, lậu, HIV/AIDS, viêm gan B...) có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ và chất lượng dân số về sau.

Cách thực hiện sinh đẻ có kế hoạch một cách hiệu quả nhất hay phòng ngừa các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con trong tương lai... cũng là kiến thức và lợi ích mà tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân mang lại.

Dù tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân là một trong những yếu tố cần thiết, quan trọng giúp thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn được trang bị thêm kiến thức về chăm sóc sức khỏe để có cuộc sống hạnh phúc, nhưng thực tế nhiều người vẫn còn tâm lý e ngại khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Một số người do sợ nếu phát hiện bệnh sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi, thậm chí có người còn cho là chỉ nghi ngờ nhau mới phải khám. Hoặc có nhiều bạn nữ muốn đi khám nhưng lại sợ bạn bè và người thân dị nghị. Tất cả những suy nghĩ này vô hình chung đã tạo nên rào cản khiến ý nghĩa của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân trở thành nỗi lo sợ, ám ảnh đối với nhiều bạn trẻ.

Ngoài tâm lý, theo Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), nhiều đối tượng là vị thành niên, thanh niên chưa ý thức được tầm quan trọng của khám sức khỏe tiền hôn nhân nên việc tổ chức khám còn gặp nhiều khó khăn.

Theo khuyến cáo, các cặp đôi trước khi kết hôn nên đi khám sức khỏe tối thiểu 3-6 tháng để có sức khỏe tốt, có nhiều thời gian chuẩn bị cho việc có con.

Vũ Phương Dung

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...