Dậy thì sớm - Những điều cha mẹ cần biết

Thứ Tư, 27/05/2020 03:42 PM (GMT+7)

Làm cha làm mẹ, khi phát hiện con mình dậy thì sớm, có rất nhiều lo lắng và câu hỏi được đặt ra. Tại sao việc này xảy ra với con tôi? Có cách nào để kĩm hãm quá trình này lại hay không? Con tôi sẽ phải đối mặt với việc này thế nào?

Làm cha làm mẹ, khi phát hiện con mình dậy thì sớm, có rất nhiều lo lắng và câu hỏi được đặt ra. Tại sao việc này xảy ra với con tôi? Có cách nào để kĩm hãm quá trình này lại hay không? Con tôi sẽ phải đối mặt với việc này thế nào? Con có thể tự xử lý các tác động cả về thể chất và tâm lý khi bước vào giai đoạn dậy thì sớm không?

Thực tế, phần lớn trẻ dậy thì sớm không cần điều trị. Đối với những trẻ phải điều trị, việc điều trị “tạm ngừng dậy thì” thường sẽ có tác dụng. Vì vậy, đối mặt với việc con dậy thì sớm, cha mẹ không nên quá lo lắng. Hãy bình tĩnh tìm hiểu và đồng hành cùng con trong giai đoạn nhạy cảm này.

25fe6f6fdc74232a7a65

Khi nào được gọi là “dậy thì sớm”?

Tuổi dậy thì trung bình ở các bé gái bắt đầu từ 8 đến 13 tuổi và ở các bé trai từ 9 đến 14 tuổi. Khi trẻ dậy thì trước độ tuổi này, được coi là dậy thì sớm.

Tuy nhiên, có những biểu hiện có thể khiến con bạn trông giống như dậy thì sớm đối với cha mẹ - và đôi khi ngay cả với bác sĩ nhi khoa - nhưng thực tế không phải như vậy:

Nhú núm vú phát triển sớm: là hiện tượng phát triển vú sớm ở trẻ. Nhú có thể xuất hiện ở 1 bên hoặc 2 bên, thường thấy ở các bé gái trong giai đoạn bất kỳ từ sau khi sinh tới 6 tuổi. Hiện tượng này không được coi là dậy thì sớm, và phần lớn là lành tính nhưng vẫn cần được quan tâm theo dõi.

Lông phát triển sớm: là phát triển ban đầu của lông ở vùng mu hoặc nách, tóc dày hơn ở độ tuổi sớm. Nguyên nhân có thể do tuyến thượng thận tiết ra hormone sớm. Mặc dù nghe có vẻ đáng báo động nhưng không phải là dấu hiệu sớm của tuổi dậy thì. Tuy nhiên, vì những biểu hiện này có thể là dấu hiệu đầu tiên của sự giải phóng bất thường hormone tuyến thượng thận, nên vẫn cần được theo dõi.

Một điều nữa, trong nhiều trường hợp, tuy tuổi dậy thì bắt đầu sớm hơn so với trước đây nhưng tuổi trung bình của kinh nguyệt vẫn giữ nguyên. Tức là, trẻ có thể bước vào tuổi dậy thì sớm nhưng chu kì kinh nguyệt xuất hiện muộn và xuất hiện vào độ tuổi dậy thì trung bình.

Dấu hiệu dậy thì sớm

Các dấu hiệu dậy thì sớm và dậy thì thường giống nhau, bao gồm:

Ở con gái

- Sự phát triển vú (thường là dấu hiệu đầu tiên)

- Kinh nguyệt (không quá hai đến ba năm sau những dấu hiệu dậy thì đầu tiên)

 Ở con trai

- Sự phát triển của tinh hoàn, dương vật và bìu

- Vỡ giọng

Tăng trưởng nhanh chiều cao, cân nặng, mọc lông mu hoặc lông nách, xuất hiện mụn trứng cá là những dấu hiệu khác của dậy thì sớm ở cả bé trai và bé gái.

Nguyên nhân của dậy thì sớm

Phần lớn các trường hợp dậy thì sớm chỉ đơn thuần là sự trưởng thành trước so với độ tuổi trung bình được xác định. Tuy nhiên, một số bệnh lý có thể là nguyên nhân tiềm ẩn của sự biến đổi này. Trong số đó phải kể đến u nang buồng trứng, u não, các bệnh tuyến giáp.

Một số nguyên nhân khác cần được chú ý là gia tăng lượng estrogen đưa vào cơ thể từ bên ngoài qua thức ăn, đồ nhựa...Gần đây, một số nghiên cứu cũng cho rằng, bật đèn sáng cả đêm cũng là nguyên nhân dây dậy thì sớm. Ban đêm khi ngủ, tuyến yên sẽ tiết ra một lượng lớn melatonin – gây ức chế giải phóng gonadotropin tuyến yên, giúp ngăn ngừa dậy thì sớm. Việc bật đèn quá sáng buổi đêm có thể làm cho cơ thể nhầm lẫn ngày – đêm và không tiết ra hoặc tiết ra không đủ melatonin.

Hậu quả của dậy thì sớm

Đối với trẻ em, dậy thì sớm có thể gây ra các vấn đề về thể chất và cảm xúc, bao gồm:

- Chiều cao thấp, lùn: Những đứa trẻ bị dậy thì sớm thường cao so với tuổi của chúng nhưng lại trở nên thấp bé khi trưởng thành. Vì tuổi dậy thì kết thúc sớm hơn so với tuổi dậy thì bình thường, những đứa trẻ này ngừng phát triển ở độ tuổi sớm hơn - và đôi khi, kết quả cuối cùng có thể là một chiều cao khiêm tốn.

- Cảm xúc phức tạp: Ngay cả khi dậy thì xảy ra với những đứa trẻ 12,13 tuổi thì đó vẫn có thể là một giai đoạn khó hiểu về cảm xúc. Nhưng với trẻ dậy thì sớm, điều này có thể căng thẳng hơn. Trẻ có thể cảm thấy lúng túng về việc trông khác so với bạn bè. Kinh nguyệt sớm có thể gây khó chịu và bất tiện cho các bé gái nhỏ. Cha mẹ có thể giúp đỡ bằng cách giáo dục con cái về những thay đổi và những vấn đề mà trẻ cần đối mặt.

- Rối loạn nội tiết: Trẻ dậy thì sớm có thể gặp phải một số rối loạn nội tiết, cha mẹ cần quan tâm theo dõi để có những biện pháp xử lí kịp thời

Những điều cha mẹ nên nhớ

Việc đầu tiên bạn nên làm nếu con bạn có dấu hiệu dậy thì sớm là đưa trẻ đến gặp bác sĩ nội tiết nhi khoa. Và không nên xem dậy thì sớm là một chẩn đoán y khoa đáng sợ. Dưới đây là một số điều khác cần nhớ:

- Tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không tự can thiệp “ngừng dậy thì” cho con khi không có tư vấn, chỉ định của bác sĩ

- Nếu bác sĩ chỉ định can thiệp ý tế giúp “ngừng dậy thì” thì cha mẹ có thể yên tâm là việc điều trị thường khá hiệu quả.

- Hầu hết trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm đều vẫn phát triển tốt cả về sức khỏe, tâm lý và hòa nhập xã hội.

- Cha mẹ hãy đồng hành cùng trẻ  để kịp thời nắm bắt thay đổi về tâm lý của con mình, từ đó chia sẻ và hướng cho con đến những suy nghĩ và việc làm tích cực nhất.

Phương Liên

 

Nguyễn Đắc Xuân

Cùng chuyên mục

Dấu hiệu và cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết

Ở Việt Nam, tình trạng mắc sốt xuất huyết không ổn định, các đợt cao điểm thường vào khoảng tháng 6 đến...

Vì sao cần tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ trong 24h sau sinh?

Việt Nam là nước có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B cao. Một trong những đường lây truyền nguy hiểm nhất của...

Tập huấn và nâng cao năng lực cho cán bộ an toàn vệ sinh thực phẩm

Vấn đề vệ sinh thực phẩm phải luôn được quan tâm không chỉ của các cán bộ mà còn toàn dân.

Kiểm tra và giám sát nghiêm ngặt các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập tỉnh Thanh Hóa

Hiện nay, các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập tỉnh Thanh Hóa xuất hiện nhiều và cần chú ý về chất...