Điện Biện: Khó khăn trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Thứ Năm, 19/10/2023 01:10 AM (GMT+7)

Lây truyền HIV từ mẹ sang con hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu bà mẹ mang thai được theo dõi và điều trị dự phòng. Tuy nhiên, với đồng bào dân tộc thiểu số, đây là vấn đề còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, tình hình lây nhiễm HIV/AIDS trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn có diễn biến phức tạp. Đặc biệt có nguy cơ gia tăng tại thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa.

Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 1,3 triệu phụ nữ nhiễm HIV mang thai mỗi năm. Ở nước ta, không có con số thống kê cụ thể về tình trạng này cũng như tình trạng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, thực tế cho chấy, nếu không được điều trị tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai, thời kỳ chuyển dạ và giai đoạn cho con bú dao động trong khoảng 15-45%.

Những trẻ được sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ có nhiều nguy cơ về sức khỏe như chậm đạt được các mốc phát triển quan trọng như bò, đi và nói, thậm chí có nhiều trường hợp trẻ không phát triển bình thường. Bên cạnh đó, giống như người lớn nhiễm HIV, trẻ em nhiễm HIV có thể bị nhiễm trùng cơ hội đe dọa tính mạng.

Tuy nhiên, nếu các trường hợp mẹ bị nhiễm HIV được phát hiện và chăm sóc dự phòng tốt ngay từ những ngày đầu mang thai thì tỷ lệ lây truyền sang con sẽ giảm xuống, thậm chí chỉ còn 1% hoặc 0%.

quyet-dinh-va-hanh-dong-cua-nguoi-me-se-co-anh-huong-rat-quan-trong-den-cuoc-doi-dua-tre-trong-anh-chi-h-dum-eban-tuyen-truyen-nang-cao-nhan-thuc-ve-sinh-san-

Đồng bào dân tộc thiểu số thường sinh sống ở các vùng núi và vùng sâu, vùng xa, có phong tục tập quán lạc hậu, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, mức độ giao lưu văn hóa, tiếp nhận thông tin... còn nhiều hạn chế. Đây là những khó khăn chung trong việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Điện Biên là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc nước ta, có 19 dân tộc sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 82,6% dân số toàn tỉnh và có 85% dân số là đồng bào thiểu số sống ở nông thôn.

Mặc dù, hệ thống dịch vụ phòng chống HIV/AIDS của tỉnh ngày càng được kiện toàn và hoàn thiện nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện tuyên truyền, vận động và dự phòng, điều trị cho bà con dân tộc thiểu số.

BSCKI. Lê Quang Chung, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Mường Chà, Điện Biên cho biết, Mường Chà là huyện có địa bàn đi lại khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số đông, mạng lưới y tế thôn bản chưa được phủ khắp, kinh phí hỗ trợ, tư vấn cho người dân còn nhiều hạn chế.

Đặc biệt, do bất đồng ngôn ngữ và nhận thức của bà con chưa cao nên cán bộ y tế còn gặp khó khăn trong việc tư vấn, tuyên truyền về các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, nhiều gia đình có người nhiễm HIV có kinh tế rất khó khăn lại neo người, nên việc đi lấy thuốc hay đưa sản phụ đi khám, theo dõi thai kỳ không được thực hiện đầy đủ, đúng thời gian. Điều này khiến cho việc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con không đạt hiệu quả.

Ngoài ra, nhân lực tại các trạm y tế còn rất mỏng, như tại trạm y tế xã Pa Ham, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên có 5 cán bộ/4000 dân số nên gặp nhiều khó khăn trong việc đến từng hộ gia đình tuyên truyền giúp bà con nâng cao nhận thức cũng như vận động họ thực hiện khám và điều trị dự phòng lây truyền HIV.

Để cải thiện tình trạng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho đồng bào dân tộc thiểu số cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như tăng cường đầu tư nguồn lực cả về kinh phí và nhân lực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức phòng tránh HIV, đặc biệt trong nhóm phụ nữ độ tuổi sinh đẻ; vận động người dân chủ động đi khám phát hiện HIV để được uống thuốc theo phác đồ nhằm làm giảm tối đa khả năng lây truyền từ mẹ sang con.

Vũ Phương Dung

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...