Đối phó tình trạng dân số già hóa tại các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương

Thứ Năm, 14/11/2019 10:45 AM (GMT+7)

Ngày 13-11, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố “Báo cáo tổng hợp Kinh tế châu Á 2019-2020 (AEIR): Thay đổi nhân khẩu học, năng suất và vai trò của công nghệ”.

dan-so-gia-0

Báo cáo chỉ ra rằng: Dân số già hóa có thể là một lợi ích đối với các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương nếu các chính phủ áp dụng chính sách công nghệ giúp cải thiện sức khỏe của người cao tuổi, tăng cường kỹ năng, mở rộng thời gian làm việc và hỗ trợ tìm việc làm phù hợp.

Theo đó, tuổi thọ trung bình người dân tại các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đã tăng gần 7 năm, từ 57,2 lên 63,8 tuổi trong giai đoạn từ năm 1990 tới 2017. Trong bối cảnh đó, những quốc gia có tỷ lệ lão hóa nhanh và trình độ học vấn trên mức trung bình sẽ có lợi từ việc triển khai công nghệ tự động hóa và nâng cao năng suất lao động để bổ sung cho nguồn nhân lực.

Về tình hình kinh tế chung, báo cáo cho rằng, hợp tác kinh tế khu vực vẫn được duy trì mạnh mẽ ở châu Á - Thái Bình Dương, tạo ra vùng đệm chống đỡ những tác động của căng thẳng thương mại toàn cầu. Trong đó, Đông Á và Đông Nam Á là những tiểu vùng hội nhập nhiều nhất với châu Á. Dự kiến, thương mại của châu Á - Thái Bình Dương sẽ giảm tốc hơn nữa trong năm 2019, giữa bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại.

Việt Nam thuộc những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, công tác dân số tại Việt Nam phát sinh một số vấn đề, trong đó điển hình là mất cân bằng giới tính khi sinh. Nếu như năm 2010, tỷ số bé trai/bé gái là 111,2/100 thì năm 2015 là 112,8/100 và gần đây nhất, năm 2018 là 114,8/100. 

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu  2,3-4,3 triệu phụ nữ. 

Ngoài ra, mất cân bằng giới tính còn tạo ra những hậu quả lâu dài về mặt xã hội và nhân khẩu học, như gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm; làm tăng tệ nạn mại dâm, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và các hình thức bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái, bất bình đẳng, ly hôn; bất ổn xã hội.

Đáng chú ý, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Nếu như ở các nước có nền kinh tế phát triển phải mất nhiều thập kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già (ở Pháp mất 115 năm, Australia là 75 năm) thì ở Việt Nam dự báo chỉ mất 15-20 năm. Trong khi đó, hệ thống y tế, an sinh xã hội chưa kịp thích ứng với vấn đề già hóa dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Nghị quyết số 21-NQ/TƯ nêu rõ mục tiêu, công tác dân số trong tình hình mới là duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.   

Duyen

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...