Dùng thuốc ở người cao tuổi, cần lưu ý tới những bất lợi do thuốc gây ra

Thứ Tư, 20/11/2019 02:28 PM (GMT+7)

Ở người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh như: táo bón, mất ngủ, viêm mũi dị ứng hay xương khớp... Vậy việc dùng thuốc trong các bệnh này như thế nào cho an toàn?

nguoi-cao-tuoi

Những đặc điểm ảnh hưởng tới việc dùng thuốc:

Theo thời gian, một số cơ quan tổ chức đã suy giảm chức năng đáng kể, do vậy dễ dẫn đến hiện tượng chậm đáp ứng rồi lại đáp ứng quá mạnh khi dùng thuốc chữa bệnh (nghĩa là liều điều trị rất gần với liều độc).

Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh phối hợp; dùng thuốc điều trị bệnh này, có thể làm nặng thêm bệnh kia. Hơn nữa, việc điều trị nhiều loại bệnh sẽ dễ dẫn đến tương tác thuốc có hại.

Hấp thu thuốc: bộ máy tiêu hóa của người cao tuổi có nhiều thay đổi do giảm số lượng các tế bào hấp thu kèm theo giảm nhu động ruột cũng như giảm lượng máu tuần hoàn đến ruột dẫn đến việc hấp thu trở nên khó khăn và chậm chạp hơn, thuốc lưu lại trên đường tiêu hoá lâu hơn dễ gây nên các biến chứng trên đường tiêu hoá.

Phân phối thuốc: người già khối lượng các mô giảm, do vậy khối lượng nước giảm mà khối lượng mỡ nói chung lại tăng lên. Do vậy, các thuốc tan trong nước sẽ bị tăng nồng độ; còn các thuốc tan trong mỡ sẽ bị chậm khởi đầu nhưng lại tăng thời gian tác dụng dễ dẫn đến tích luỹ gây độc.

Chuyển hoá và thải trừ thuốc: thuốc được thải trừ qua gan và thận là chủ yếu, nhưng ở người già, chức năng gan và thận đều giảm; lượng máu đến cũng giảm do vậy ảnh hưởng tới chuyển hoá của thuốc; dễ dẫn đến tích luỹ và gây độc.

Một số nguyên tắc chung dùng thuốc cho người cao tuổi:

Hạn chế tối đa việc dùng thuốc cho người cao tuổi; tránh lạm dụng thuốc, nhất là các thuốc được cho là “thuốc bổ”. Nếu phải dùng thuốc thì dùng càng ít loại càng tốt, chọn các loại thuốc ít độc và hiệu quả cao; Liều dùng phải thích hợp với từng loại bệnh và luôn luôn xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi và hại; tương tác giữa các loại thuốc; chức năng gan - thận. Không để tình trạng chữa được bệnh này lại làm nặng thêm bệnh khác; Phải theo dõi, kiểm tra, đánh giá thường xuyên về hiệu quả cũng như tác dụng phụ của thuốc. Với các loại thuốc phải dùng kéo dài, nếu có thể được nên có thời gian nghỉ thuốc xen kẽ để tránh hiện tượng tích luỹ thuốc.

Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là một trong những bệnh hay gặp ở người cao tuổi với các triệu chứng như hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi và ngứa mũi từ nhẹ đến trung bình, thường được điều trị với thuốc kháng histamin và thuốc làm thông mũi. Cromolyn sodium là một chất ổn định tế bào mast nhằm ngăn ngừa sự phóng thích của histamin và chất trung gian khác gây viêm mũi dị ứng được dùng dưới dạng thuốc xịt cho tác dụng tại chỗ. Các tác dụng phụ thường gặp nhất bao gồm hắt hơi và đau nhức mũi và nóng rát.

Loratadine là một kháng histamin H1 đường uống thế hệ thứ hai, được dùng để làm giảm các triệu chứng viêm mũi dị ứng theo mùa và quanh năm (các triệu chứng hắt hơi, ngứa, chảy nước mũi...) ở đối tượng này. Tuy nhiên, khi dùng loratadin, có nguy cơ khô miệng, đặc biệt ở người cao tuổi và tăng nguy cơ sâu răng. Do đó, cần phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ khi dùng loratadin. Ngoài ra, thuốc có thể gây khô miệng, khô mũi... Vì vậy, sử dụng loratadin với liều thấp nhất mà có hiệu quả.

Chứng mất ngủ

Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ (mất ngủ) ở người cao tuổi cũng rất đa dạng như: Đau, các triệu chứng tiết niệu có liên quan với tăng sản tuyến tiền liệt lành tính hoặc bàng quang hoạt động quá mức, ngưng thở khi ngủ, các vấn đề vệ sinh giấc ngủ, hoặc tác dụng phụ của thuốc. Đây là các yếu tố rất quan trọng cần tìm hiểu trước khi quyết định dùng thuốc trị mất ngủ.Nhiều sản phẩm không cần kê đơn chứa kháng histamin có tác dụng an thần như diphenhydramine, nhưng những sản phẩm này thường không được khuyến cáo dùng cho người lớn tuổi vì tác dụng phụ kháng cholinergic. Melatonin được coi là khá an toàn dùng điều trị mất ngủ ở người cao tuổi, vì lão hóa có liên quan với giảm hormon tự nhiên này được tiết ra bởi tuyến tùng. Tuy nhiên, liều lượng dùng và thời gian dùng thuốc cần theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa, người bệnh không được tự ý sử dụng.

Viêm xương khớp

Viêm xương khớp là một bệnh thường gặp ở người lớn tuổi. Đau do viêm xương khớp làm hạn chế vận động và là một trong những biểu hiện khiến người bệnh cần tới sự trợ giúp của y tế và thuốc. Acetaminophen (paracetamol) là một thuốc giảm đau được dùng để điều trị các cơn đau nhẹ và vừa, khi có ít hoặc không có liên quan đến viêm. Đây là một thuốc dùng tương đối an toàn. Nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ của thuốc acetaminophen khi dùng liều cao, sử dụng lâu dài hoặc khi thuốc được sử dụng không thích hợp (quá liều). Thận trọng khi dùng thuốc ở những bệnh nhân bị suy gan, người sử dụng (lạm dụng) rượu.

Các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) thường được dùng để giảm đau kháng viêm trong các bệnh viêm xương khớp. Nhưng khi dùng nhóm thuốc này cần thận trọng với các nguy cơ như gây viêm loét hoặc chảy máu đường tiêu hóa, tăng huyết áp... mà các thuốc này gây ra. Vì vậy, người bệnh không nên tự ý mua các thuốc nhóm này về sử dụng. Khi dùng cần có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ.

Táo bónĐây là vấn đề rất thường gặp ở người già. Nguyên nhân có thể do ăn ít chất xơ, dùng thuốc (thuốc giảm đau dạng thuốc phiện, thuốc kháng cholinergic, canxi hoặc sắt). Vì vậy, trước tiên người bệnh cần ăn nhiều chất xơ, uống nước đầy đủ, và tập thể dục. Trái cây, rau và ngũ cốc là một trong những loại thực phẩm tốt nhất để tăng lượng chất xơ trong khẩu phần. Nếu tình trạng táo bón không được cải thiện cần dùng đến thuốc.

Có rất nhiều loại thuốc để điều trị táo bón, nhưng không phải tất cả các thuốc này đều phù hợp trong mọi tình huống gây táo bón. Vì vậy, cần lựa chọn thuốc sử dụng đúng và an toàn.

Trong trường hợp thiếu chất xơ, có thể dùng methylcellulose, đây là thuốc nhuận tràng được sử dụng để bổ sung chất xơ (tạo khối phân). Thuốc không bị hấp thu nên dùng tương đối an toàn. Tuy nhiên khi dùng thuốc này cần lưu ý: Do có tính hút nước nên khi dùng thuốc này người dùng cần uống nhiều nước giúp trương nở, tăng khối lượng phân dẫn đến kích thích tăng nhu động ruột. Nếu uống không đủ nước sẽ gây tắc nghẽn đường ruột. Tác dụng của thuốc chậm, thường đạt được sau vài ngày dùng thuốc, vì thế không được ưu tiên dùng cho táo bón cấp tính. Một số bệnh nhân có thể gặp trướng bụng hoặc vấn đề về trung tiện với sự gia tăng chất xơ, nhưng những triệu chứng này sẽ giảm theo thời gian.

Polyethylene glycol là thuốc nhuận tràng thẩm thấu có thể sử dụng cho bệnh nhân lớn tuổi bị táo bón. Các thuốc này tác động theo cơ chế thẩm thấu, giữ lại các chất lỏng trong ống tiêu hóa, dẫn đến làm mềm phân. Một số tác dụng không mong muốn thường gặp có thể xảy ra khi dùng thuốc này bao gồm phân lỏng, buồn nôn, đầy hơi, chuột rút. Nặng hơn thuốc gây tiêu chảy, nổi mề đay. Nếu gặp bất cứ tác dụng phụ nào cần ngưng dùng thuốc và báo cho bác sĩ điều trị biết.

Trường hợp bị táo bón cấp tính, có thể được thuyên giảm với việc sử dụng các thuốc đạn glycerin. Glycerin cũng là thuốc được xem là tương đối an toàn, tác dụng nhanh trong vòng 30 phút. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể bị kích ứng trực tràng nhẹ.

Duyen

Cùng chuyên mục

Những lưu ý cho người cao tuổi khi tập thể dục dưới trời lạnh

Việc tập thể dục vào mùa lạnh là cần thiết với người cao tuổi. Tuy nhiên cần xem xét một số yếu tố như...

Để người cao tuổi sống vui, khỏe sau khi nghỉ hưu

Khi đến tuổi nghỉ hưu cũng là giai đoạn mới trong cuộc sống, người cao tuổi có nhiều vấn đề cần phải quan...

Tải về

Các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi

Sự lão hóa của các cơ quan khi tuổi già đến, đặc biệt, sự già hóa của hệ thần kinh có thể đến sớm và trở...

Hiện tượng hạ thân nhiệt cơ thể ở người cao tuổi

Hạ thân nhiệt là tình trạng thường gặp vào mùa đông nhưng nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ảnh...