Duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc – yếu tố tiên quyết giúp đất nước phát triển nhanh, bền vững

Thứ Hai, 28/03/2022 04:34 PM (GMT+7)

Các nhà nhân khẩu học nhận định, duy trì mức sinh thay thế và giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương sẽ góp phần ổn định quy mô dân số, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho phát triển đất nước.

Mức sinh có xu hướng xuống thấp và có sự khác biệt giữa các vùng

Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và duy trì trong suốt 15 năm qua. Tuy nhiên, hiện nay, nước ta lại đang phải đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng; xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển, trong khi đó, tại những nơi điều kiện kinh tế chưa phát triển, mức sinh rất cao, có nơi trên 2,5 con/phụ nữ.

Theo đó, hiện cả nước có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, thậm chí một số tỉnh mức sinh đã “tụt” rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Các chuyên gia nhận định, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội…

Empty

Hơn nữa, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh rất thấp về mức thay thế cho dù có nhiều chính sách khuyến sinh với nguồn lực đầu tư lớn.

Trái ngược với mức sinh thấp ở khu vực phía Nam, xu hướng mức sinh tăng cao trở lại sau khi đạt mức thay thế đã xuất hiện ở nhiều tỉnh tại vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ. Hiện có 33 tỉnh có mức sinh cao, trong đó, có nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.

Theo bà Đặng Quỳnh Thư, Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế), mức sinh là một yếu tố cấu thành của dân số, do vậy, những biến động của mức sinh, dù cao hay thấp đều có tác động trực tiếp đến quy mô, cơ cấu, phân bố dân số và sẽ gây bất lợi cho ổn định xã hội và phát triển đất nước.

“Mức sinh khác nhau là thách thức của công tác dân số ở nước ta hiện nay. Trước đây, mức sinh ở vùng nào cũng cao nên mục tiêu giảm sinh là thống nhất cho tất cả các vùng, các địa phương. Và các giải pháp để đạt được mục tiêu cũng tương tự nhau. Hiện nay, mục tiêu và giải pháp về mức sinh lại phải phân biệt theo từng vùng, từng tỉnh. Do đó nó phức tạp hơn”, GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội nhận định.

Duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên cả nước

Để góp phần giải quyết bài toán về mức sinh, Hội nghị lần thứ Sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới, trong đó có mục tiêu đến năm 2030 duy trì vững chắc mức sinh thay thế; giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế.

Cụ thể hóa mục tiêu này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, trong đó giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030.

bv-phu-san-261220

Ngày 28/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 với mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp và giảm mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh cao, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Các nhà nhân khẩu học nhận định, duy trì mức sinh thay thế và giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương sẽ góp phần ổn định quy mô dân số, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho phát triển đất nước.

Kết quả này giúp tránh được những hiệu ứng không tích cực của cả hai trạng thái: Quy mô dân số quá đông, mật độ dân số quá cao do mức sinh tăng trở lại hoặc quy mô dân số giảm sớm, giảm nhanh nếu mức sinh giảm xuống dưới mức thay thế thì rất khó đưa mức sinh tăng trở lại, dù có đầu tư lớn cho chính sách khuyến sinh.

Cùng với đó, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương góp phần giảm khoảng cách chênh lệch hoặc chí ít cũng làm chậm lại tốc độ gia tăng khoảng cách về thu nhập, mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư, giảm đói nghèo ở các khu vực khó khăn, nơi thường có mức sinh cao.

Duy trì vững chắc mức sinh thay thế là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta, mang lại lợi tích to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống; bảo đảm nguồn nhân lực cho phát triển bền vững của đất nước.

Vì vậy, để duy trì mức sinh thay thế cần sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu các cấp.

Cùng với đó, phải sử dụng đồng bộ các biện pháp tuyên truyền vận động, giáo dục, kinh tế, pháp luật và hành chính; đồng thời quy định về quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con.

Trung Kiên

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...