Già hóa dân số: Nhìn từ góc độ Hàn Quốc

Thứ Năm, 26/09/2019 11:16 AM (GMT+7)

Ngày 2/9/2019, Cơ quan thống kê Hàn Quốc công bố báo cáo về tình hình dân số của nước này, trong đó nêu bật vấn đề già hóa dân số trong 48 năm tới.

 

Từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cho đến một số nước Đông Nam Á, vấn đề dân số già đang làm thay đổi xã hội, các chiến lược kinh doanh và các chính sách của chính phủ. Xu hướng này có thể làm thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu và khu vực khi tốc độ tăng trưởng ở một số nước ngày càng suy kiệt vì gánh nặng dân số già, trong khi đó một số nền kinh tế khác vẫn phát triển nhờ lực lượng lao động dồi dào.

Ngày 2/9/2019, Cơ quan thống kê Hàn Quốc công bố báo cáo về tình hình dân số của nước này, trong đó nêu bật vấn đề già hóa dân số trong 48 năm tới.

Cụ thể, gần một nửa dân số Hàn Quốc đến năm 2067 sẽ là nhóm người từ 65 tuổi trở lên và điều này đặt ra những thách thức lớn cho việc đảm bảo an sinh xã hội của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này.

Theo báo cáo trên, dân số của Hàn Quốc được dự báo sẽ giảm từ 51,7 triệu người trong năm 2019, còn 39 triệu người vào năm 2067. Cùng với đó, nhóm người trên 65 tuổi cũng tăng vọt từ tỷ lệ 14,9% hiện nay, lên mức 46,5%. Những quốc gia có tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên trên chiếm 21% tổng dân số được xếp loại nước dân số già.

Trong khi đó, trong 48 năm tới, dân số thế giới được dự báo sẽ tăng từ 7,71 tỷ người hiện nay lên 10,38 tỷ người. Tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên sẽ tăng từ 9,1% lên 18,6%. Với những con số dự báo nêu trên, Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia có tỷ lệ dân số già cao nhất trong tổng số 201 nước trên thế giới vào năm 2067, vượt Mỹ (25,1%), Trung Quốc (29,9%) và Nhật Bản (38,1%).

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc giảm và tuổi thọ tăng. Năm 2018, tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc giảm xuống con số kỷ lục 0,98. Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc giảm là do thế hệ trẻ Hàn Quốc đang "trốn tránh" hẹn hò, kết hôn và sinh con do họ không thể tìm được việc làm ổn định trong thời kỳ kinh tế suy giảm. Ngoài ra, chi phí học thêm đắt đỏ và giá nhà leo dốc hoặc những khó khăn mà phụ nữ gặp phải trong việc tìm kiếm việc làm sau thời gian nghỉ việc ở nhà chăm sóc con cái cũng là những yếu tố khiến tỷ lệ sinh giảm.

Còn tại Việt Nam, nước ta chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, với khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, tương đương khoảng 11%. Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam được các nhà khoa học trong nước và quốc tế dự báo thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Theo đó, Việt Nam chỉ mất khoảng 20 - 22 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già. Dự báo đến năm 2032, Việt Nam bắt đầu có dân số cao tuổi nhiều hơn dân số trẻ em. Số người cao tuổi cần được chăm sóc sẽ tăng từ 2,5 triệu người vào năm 2019 lên hơn 10 triệu người vào năm 2049.

Già hóa là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Tiến trình già hóa dân số có tác động tới tất cả các khía cạnh của xã hội, các thành phần kinh tế và tới các nhóm dân số trẻ tuổi hơn. Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng có một hướng tiếp cận toàn diện để thích ứng và đáp ứng nhu cầu của toàn bộ dân số, chuẩn bị cho một xã hội già trong tương lai. Việc xây dựng các chính sách liên quan cần nhìn nhận người cao tuổi là một nguồn lực cho phát triển chứ không phải là những người thụ hưởng các dịch vụ xã hội một cách thụ động. Trong đó, phải đặt trọng tâm vào việc giúp người cao tuổi có một tuổi già vui vẻ, hạnh phúc.

Phạm Thanh Huyền

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...