Già khỏe trẻ khôn

Thứ Bảy, 27/07/2019 08:02 AM (GMT+7)

Đang ở đỉnh dân số vàng, song nếu không tận dụng được nguồn tài sản nhân lực này và sớm chuẩn bị cho việc già hóa dân số, Việt Nam sẽ mất đi nhiều cơ hội phát triển. 

dan-so-gia

Năm 2004, khi có cơ hội đi công tác ở Nhật, rồi ở Mỹ lần đầu tiên, tôi thấy ở cả hai nước này số người già làm việc rất nhiều, những công việc mà ở Việt Nam dường như mặc định là cho người trẻ. Trong một văn phòng chỉ dẫn ở Tokyo là hai bác già đầu bạc trắng, còn tại những quầy lưu niệm ở Kyoto, hình ảnh các ông bà già trông coi hoặc đứng thu tiền ở các quầy lưu niệm cũng không hiếm gặp.

Cuối năm đó sang Mỹ, tôi rất vui khi đi cùng một cặp vợ chồng già hoạt động tình nguyện cho ủy ban bầu cử địa phương ở một thị trấn nhỏ ở San Francisco. Tại cả hai nước, thấy rõ ràng là những người già đó làm việc không phải vì tiền, mà để họ được minh mẫn, được thấy mình có ích, và rõ ràng là xã hội chấp nhận, có những chính sách cho người già đi làm. Ở đó, người già không phải là một đối tượng cần hỗ trợ, mà còn được nhìn nhận như một lực lượng cho thể đóng góp cho xã hội và nền kinh tế.

15 năm trước, tại các diễn đàn phát triển hoặc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, các nhà đầu tư thường ca ngợi một trong những lợi thế của kinh tế xã hội Việt Nam chính là dân số trẻ. Theo kết quả tổng điều tra dân số mới nhất, từ năm 1989 đến nay, số người trong độ tuổi lao động (15 - 64 tuổi) tăng từ 56% lên 68%, số người phụ thuộc trẻ và già giảm mạnh.

Nhưng cũng cuộc điều tra này cảnh báo đỉnh dân số vàng Việt Nam đã chạm ngưỡng và tốc độ già hóa ở Việt Nam sẽ rất nhanh, chỉ trong vòng 20 năm nữa đến 2038 Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già, với tỷ lệ người 60 tuổi trở lên đạt tới 20%, và chỉ đến 2049 sẽ là 25%, là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.

Có nghĩa là các chính sách phát triển của Việt Nam cần rất tương thích ở cả hai giai đoạn. Nhìn lại lịch sử, nhiều quốc gia trong khu vực đã tận dụng được giai đoạn dân số vàng để làm nên sự phát triển kinh tế thần kỳ. Theo một báo cáo của Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), giai đoạn 1960 - 1990, tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore từ 5 - 6% mỗi năm được lý giải bằng thực tế là tỷ lệ dân số tham gia thị trường lao động rất cao.

 Còn ở Đông Nam Á, giai đoạn dân số vàng chậm hơn, từ 1980 trở lại đây, Thái Lan, Indonesia, Malaysia cũng tận dụng cơ hội này thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu nhập bình quân, tuy không cao như Đông Á. Nguyên nhân Đông Nam Á phát triển chậm hơn trong giai đoạn dân số vàng chủ yếu do những lựa chọn về chính sách vĩ mô, từ chính sách dân số, lao động và nguồn nhân lực đến giáo dục, phúc lợi xã hội...

Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam tháng 3/2019 cảnh báo, năng suất lao động của Việt Nam đang thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là một ví dụ cho thấy Việt Nam chưa thay đổi được chất lượng lao động để tận dụng lúc nguồn nhân lực đang ở đỉnh điểm về số lượng.

Trong khi đó, những cảnh báo già hóa dân số không phải đợi đến cuộc điều tra dân số này, mà đã xuất hiện từ cách đây 3 - 4 năm. Có lẽ xã hội cần phải thay đổi nhận thức “khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”, để thành “già khỏe, trẻ khôn”, cùng với kịp thời hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, hệ thống chăm sóc sức khỏe, cơ chế thị trường lao động, để sẵn sàng đối mặt những thách thức mới.

Duyen

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...