Giải pháp nào cho sự chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền

Thứ Tư, 14/12/2022 08:55 AM (GMT+7)

Thực trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền đang ảnh hưởng lớn đến mục tiêu dân số, sự phát triển kinh tế xã hội của nước ta. Do đó, điều chỉnh mức sinh hợp lý mang ý nghĩa sống còn không chỉ với chính sách dân số mà với các chính sách quốc gia.

Theo kết quả cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, dân số nước ta là 96,2 triệu người, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 – 2019 là 1,14%/năm.  

Hiện nay, cả nước có 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao, chủ yếu ở các tỉnh, thành miền núi phía Bắc (42% dân số); 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, chủ yếu ở các tỉnh, thành phía nam (39%).

Đáng lưu ý, mức sinh ở TP Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế, lại ở nhóm thấp nhất cả nước (1,36 con).  Đồng Tháp (1,57 con); Cần Thơ (1,58 con), Cà Mau (1,62 con), Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu (1,7 con)... Trong khi đó, các tỉnh miền trung và Tây Nguyên lại đối mặt với tỷ suất sinh cao.

Cả nước chỉ có 9 tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế có quy mô dân số 19% gồm: Ninh Thuận, Quảng Ninh, Bình Định, Lâm Đồng, Phú Yên, Trà Vinh, Hải Phòng, Hà Nội và Bình Phước.

Có thể thấy, Việt Nam đã duy trì mức sinh thay thế hơn 15 năm qua nhưng hiện nay đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng. Những vùng cao hơn mức sinh thay thế chủ yếu là những vùng khó khăn, kém phát triển. Điều kiện để tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao ở vùng đó rất thiếu thốn. Còn những vùng kinh tế lớn như TPHCM, Bình Dương… mức sinh thay thế lại rất thấp, nếu kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Như vậy sẽ tạo ra sự chênh lệch về mặt chất lượng dân số. Vùng tỷ lệ sinh cao càng khó phát triển hơn, vùng tỷ lệ sinh thấp thì đã phát triển cao thì lại càng hạ thấp xuống. Bối cảnh trên đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp để duy trì vững chắc mức sinh thay thế trong phạm vi cả nước. 

bv-phu-san-261220

Việt Nam đã sớm nhận thức những thách thức về sự khác biệt mức sinh xảy ra trong thực tế, ngay trong Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 15/10/2017 về Công tác dân số trong tình hình mới đã xác định các kịch bản ứng phó thông qua các mục tiêu, đặc biệt là mục tiêu 1 đến 2030 là "Duy trì vững chắc, mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), qui mô dân số 104 triệu người. Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế, mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các BPTT hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn".

Các mục tiêu và giải pháp này đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết 137 NQ-CP của chính phủ ngày 30/12/2017 về kế hoạch thực hiện Nghị quyết 21 –NQ/TW; Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt theo quyết định 1679 /QĐ-TTg ngày 22/11/2019 khẳng định các mục tiêu trên với hệ thống 8 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

Ngày 28/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 588/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030". Đây là bước cụ thể hóa quan trọng trong việc thực hiện điều chỉnh mức sinh.

Quyết định đã đưa ra mục tiêu cụ thể: tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế.

Như vậy, đối với địa phương có mức sinh cao, cần tiếp tục áp dụng và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích cộng đồng không có người sinh con thứ ba trở lên; hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ KHHGĐ.

Đối với địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, trước mắt cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh con ít. Từng bước ban hành, thực hiện chính sách khuyến khích sinh đủ hai con áp dụng cho các gia đình, cộng đồng...

Quyết định cũng đưa ra các yêu cầu nhiệm vụ, hoạt động cần ưu tiên thực hiện đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ ba trở lên; sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con. Giao chính quyền các địa phương nghiên cứu, ban hành hỗ trợ, tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình cho các cặp vợ chồng sinh đủ hai con...

Duy trì mức sinh thay thế, bảo đảm mức sinh hợp lý giữa các vùng, miền để trong tương lai, Việt Nam sẽ có được một quy mô dân số phù hợp diện tích lãnh thổ, bảo đảm cân đối, hài hòa giữa các độ tuổi. Việc duy trì tương đối ổn định tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động sẽ kéo dài cơ cấu "dân số vàng"; làm chậm lại thời gian chuyển đổi sang giai đoạn "già hóa dân số", cải thiện chất lượng dân số, góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước...

Đây là các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta, mang lại lợi ích to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống; bảo đảm nguồn nhân lực cho phát triển bền vững của đất nước.

Vũ Thị Phương Dung

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...