Giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên: Cha mẹ hãy làm bạn với con

Thứ Hai, 23/09/2019 02:10 PM (GMT+7)

Hơn lúc nào hết, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản độ tuổi vị thành niên cần sự quan tâm, phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó vai trò của gia đình vẫn là quan trọng nhất.

Lứa tuổi vị thành niên đang có xu hướng yêu và quan hệ tình dục sớm, trong khi kiến thức về sức khỏe sinh sản (SKSS) còn “hạn chế”, dẫn tới mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai… Hơn lúc nào hết, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) độ tuổi vị thành niên cần sự quan tâm, phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó vai trò của gia đình vẫn là quan trọng nhất.

Yêu sớm, nhưng “ngây ngô” kiến thức SKSS

Tại buổi truyền thông về giáo dục SKSS tới 60 thanh, thiếu niên phường Đông Hải 1 (quận Hải An, Hải Phòng) diễn ra cuối tháng 8-2019, em N.M.L, học sinh lớp 11, Trường THPT Hải An thừa nhận có người yêu và quan hệ tình dục. Em lo lắng hỏi: “Em nghe nói sau khi quan hệ tình dục với bạn trai thì dùng xà phòng để rửa sẽ không mang thai, vậy có đúng không?”. Chị Doãn Thị Nguyệt, Phó giám đốc Trung tâm Dân số- KHHGĐ quận Hải An cho biết, không chỉ riêng em N.M.L, trong hơn 10 chương trình truyền thông giáo dục SKSS vị thành niên trước đó do trung tâm tổ chức, nhiều học sinh trong độ tuổi 16, 17 tuổi thừa nhận từng có quan hệ tình dục, nhưng khá mù mờ về kiến thức chăm sóc SKSS. Các em không hiểu biết đầy đủ về các biện pháp tránh thai an toàn…

images1382546_Ph_n_thi_tr__l_i_c_u_h_i_tr_c_nghi_m_d_nh_cho_l_a_tu_i_VTN_TN

Gia đình và nhà trường có vai trò quan trọng trong việc giáo dục sức khỏe sinh sản cho các em học sinh. Ảnh minh họa.

Vị thành niên là lứa tuổi từ 10 đến 18 tuổi. Ở độ tuổi này, tâm sinh lý và thể chất của các em đang trong giai đoạn phát triển, sang tuổi trưởng thành. Theo bác sĩ Trịnh Thị Thanh Viễn, Trưởng khoa Vị thành niên – Thanh niên (Trung tâm Chăm sóc SKSS thành phố), cùng với sự thay đổi về tâm lý là sự thay đổi về các chỉ số vòng đo ở cơ thể và xuất hiện những dấu hiệu dậy thì. Vì thế, các em khá tò mò muốn tìm hiểu, khám phá kiến thức. Tuy nhiên, thay vì hỏi người lớn, các em lại tự bảo nhau hoặc tìm hiểu kiến thức từ mạng in-tơ-nét. “Khi đi truyền thông giáo dục SKSS ở phường Phan Bội Châu (quận Hồng Bàng), xã Hòa Bình (huyện Vĩnh Bảo), một số bạn trẻ hỏi rằng: có phải không thể có thai ngay lần đầu làm “chuyện ấy”, uống thuốc tránh thai nhiều sẽ gây vô sinh… Những hiểu biết sai lầm của các bạn cho thấy, giới trẻ ngày nay yêu “thoáng”, nhưng thiếu kiến thức về chăm sóc SKSS”.

Làm bạn với con

Đó là lời khuyên của bác sĩ Trịnh Thị Thanh Viễn với các bậc cha mẹ. Chị Viễn kể: “Tôi từng xử lý với trường hợp cô bé 14 tuổi đến trung tâm trong tình trạng suy kiệt sức khỏe và tinh thần. Cháu cho biết lỡ quan hệ tình dục không an toàn với bạn trai cùng lớp dẫn đến có thai. Tuy nhiên, thay vì nói cho bố mẹ biết để tìm biện pháp xử lý phù hợp, bạn trai dẫn cháu đến một phòng khám tư để “giải quyết” cho kín đáo. Không may, cháu gái đó bị băng huyết, nhiễm trùng, cậu bé vội vàng đưa bạn gái đến “cầu cứu” bác sĩ ở trung tâm”.

Tình trạng nạo phá thai ở tuổi vị thành niên là do các em còn thiếu kiến thức về SKSS, giới tính, tình yêu và tình dục. Ngay cả các bậc cha mẹ chưa hiểu đầy đủ kiến thức về giới tính, tâm lý lứa tuổi nên né tránh khi trao đổi, tâm sự với con về lĩnh vực nhạy cảm này. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Quang Chính, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe thành phố cho biết: “Nhiều cha mẹ có tâm lý chủ quan khi cho rằng con mình còn bé bỏng, non nớt “ăn chưa no, lo chưa tới”, làm sao biết và làm những “chuyện ấy”. Mặt khác, chính thầy, cô giáo cũng có tâm lý ngại ngùng, coi đây là chuyện tế nhị nên giáo dục giới tính trong học đường chưa đạt hiệu quả cao”. Tuy nhiên hiện nay, trẻ vị thành niên thường xuyên được tiếp xúc nhiều nguồn thông tin không lành mạnh qua in-tơ-nét, mạng xã hội. Mặt khác, với sự phát triển hiện nay, trẻ em dậy thì sớm, từ 12 – 14 tuổi khá phổ biến. Những thắc mắc, băn khoăn của các bạn trẻ về vấn đề kinh nguyệt ở nữ giới, xuất tinh ở nam giới hay quan hệ tình dục an toàn… không được người lớn giải thích thỏa đáng và hướng dẫn khiến các em càng tò mò, muốn tìm hiểu.

Vấn đề về giáo dục giới tính trong trường học, cũng như sự phối hợp, liên lạc giữa nhà trường với gia đình học sinh hiện nay chưa thực sự được quan tâm, vẫn có tâm lý e dè, ngại nói thẳng. “Trong giáo dục SKSS vị thành niên, vai trò của gia đình, nhà trường rất quan trọng. Các bậc cha mẹ nên chủ động trò chuyện với con như những người bạn để giải đáp các băn khoăn của lứa tuổi mới lớn, giúp con hiểu về tình bạn, tình yêu trong sáng. Đồng thời, nhà trường “cởi mở” hơn việc truyền đạt các kiến thức về giới tính để các em nhận biết một cách đầy đủ, hiệu quả cao về SKSS” – bác sĩ, tiến sĩ Nguyễn Quang Chính nhấn mạnh.

Báo Hải Phòng

Cùng chuyên mục

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự Chủ động phòng ngừa và điều trị vô sinh ở nam giới và nữ giới

Được làm cha, làm mẹ là mong mỏi bình dị, thiêng liêng của các cặp vợ chồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân...

Phóng sự Mang thai, nạo phá thai ở trẻ vị thành niên ngày càng tăng: Nguyên nhân và những hậu quả đáng tiếc

Do những nguyên nhân khác nhau, quan hệ tình dục sớm và tình trạng nạo, phá thai ở lứa tuổi VTN đang là vấn đề...