Giúp ông bà, bố mẹ an hưởng tuổi già sao cho đúng cách nhất?

Thứ Tư, 14/10/2020 09:14 AM (GMT+7)

Quan niệm tuổi già chỉ nên ăn uống bồi bổ và nghỉ ngơi có thực sự đúng hay không? Đây là thắc mắc của các bậc con, cháu.

Nhiều ý kiến cho rằng người già đã có nhiều thời gian làm việc, tích lũy nhiều kinh nghiệm và cần được nghỉ ngơi hoàn toàn. Nhưng quan điểm này đứng trên góc nhìn về sức khỏe có thực sự đúng hay không? Và đâu mới là cách an hưởng tuổi già vui, khỏe nhất?

Làm để khỏe, bớt cô đơn

"Mẹ tôi sáng nào cũng mày mò từ sáng sớm mở cửa quán cà phê cóc, nhìn bà bưng bê, rửa dọn xót lắm. Trong khi anh em tôi đều khá giả, chu cấp đầy đủ, nhiều lần chúng tôi khuyên bà nghỉ ngơi trông cháu, muốn vui thì đi dạo, đi chùa thôi là đủ, mà bà không nghe. Hàng xóm trách chúng tôi vô tâm, để mẹ vất vả. Tôi rầu lắm" - anh B.T (40 tuổi; một nhân viên văn phòng ở quận 3, TP HCM) chia sẻ trên mạng xã hội, khi cư dân mạng bàn tán chuyện một cụ già bán rau, nhiều người thấy thương nên tìm cách giúp nhưng hóa ra bà vẫn có con cái phụng dưỡng, việc đi bán rau ở tuổi 70 chỉ vì bà không chịu ngồi không.

an-huong-tuoi-gia-dung-cach

Đứng chờ xe buýt ở cổng BV Thống Nhất, bà Trần Mai (67 tuổi, ngụ tỉnh Long An) khoe với mọi người tờ giấy khám sức khỏe với kết quả rất tốt, không có bệnh gì. "Tôi đem về cho con tôi yên tâm. Mấy hôm nay tôi lên thăm con, tranh thủ đi khám. Tôi ở quê, nhà có mảnh vườn nhỏ trồng rau. Chồng mất mấy năm nay, tôi vẫn làm vườn, giao rau sạch cho người ta bán. Hai con trai tôi không chịu, đòi đưa tôi lên nhà chúng ở TP HCM để phụng dưỡng. Nhưng lên TP ở lâu tôi mới bệnh, buồn lắm. Dưới quê trồng rau vui hơn, mấy đứa nhỏ đi lấy rau dễ thương, rồi còn có bà con chòm xóm…" - bà Mai tâm sự.

Đó cũng là nỗi niềm của ông N.V.D (70 tuổi; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM). "Tôi đang sống một mình, sáng ra công viên, chiều đi ra quán cà phê của người bạn phụ bán. Con tôi muốn tôi về sống chung nhưng tính tôi hướng ngoại, quanh quẩn trong nhà, nghỉ ngơi hoài tôi chịu không nổi. Mà bán cà phê có nặng nhọc gì. Tôi có lương hưu nhưng làm cho vui" - ông D. chia sẻ.

Chăm sóc đúng cách

Người già tiếp tục làm việc ở mức độ vừa phải là điều được các BS ủng hộ, trong bối cảnh hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện nay ở Việt Nam được bảo đảm hơn, tuổi thọ gia tăng và ngày càng nhiều người trên 60 tuổi có sức khỏe tốt.

"Tất nhiên, tùy vào sức khỏe của mỗi người mà làm hay không và lựa chọn công việc phù hợp. Đó có thể là việc chân tay (buôn bán, làm vườn…), có thể là lao động trí óc (viết sách, báo…), chỉ cần là công việc không quá nặng nhọc, không đòi hỏi sự tinh vi, tỉ mỉ hay tập trung cao độ, không bị áp lực. Thực tế, có rất nhiều người cao tuổi có nhu cầu đi làm, không phải vì tiền, mà điều đó giúp họ vui, khỏe hơn về thể chất lẫn tinh thần" - BS chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Thống Nhất, nhìn nhận.

Theo BS Trần Minh Khuyên, không nên nghĩ người già chỉ cần trò chuyện với con, cháu là đủ. Ai cũng cần có các mối quan hệ xã hội. Ở tuổi cao, sự cô đơn, kém giao tiếp có thể dẫn tới trầm cảm, tăng nguy cơ sa sút trí tuệ (bệnh Alzheimer). Vì vậy, con cháu nên cố gắng hiểu nếu ông bà, cha mẹ lớn tuổi nhưng vẫn thích đi làm.

Cũng theo BS Trần Minh Khuyên, việc một người chuyển sang tuổi hưu rất cần có sự hỗ trợ của người sử dụng lao động lẫn gia đình. Nhiều người bị trầm cảm khi nghỉ hưu, đó là một trong những lý do nhiều người già muốn đi làm. Trước hết, khoảng 6 tháng trước khi nghỉ hưu, họ cần được hỗ trợ để giảm nhịp độ công việc, từ đó có thời gian để tính toán làm gì trong tương lai, đồng thời làm quen với nhịp sống mới, tránh phản ứng sốc khi chuyển từ trạng thái đang làm việc sang những ngày rảnh rỗi.

"Với người có sức khỏe, gia đình hoàn toàn có thể giúp họ làm một công việc mới phù hợp hơn: mở một cửa hàng nho nhỏ, nuôi trồng gì đó… Không nên gay gắt chuyện ông bà, cha mẹ đi làm tiếp, nhất là khi tâm lý họ có thể bị xáo trộn khi vừa nghỉ hưu. Nếu họ ở nhà nhiều và có các biểu hiện trầm cảm, nên đưa họ đi thăm khám đồng thời tạo điều kiện để họ làm điều gì đó có giao tiếp xã hội như tham gia các hội, nhóm, ra công viên tập thể dục với bạn bè..." - BS Trần Minh Khuyên tư vấn.

Nguyễn Thị Thu Hương

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...