Hà Nội: Tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân vượt kế hoạch

Thứ Ba, 07/11/2023 07:06 PM (GMT+7)

Năm 2022, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn trên địa bàn thành phố Hà Nội là 31,9% thì trong 9 tháng của năm 2023 đã tăng lên 53,4%.

Năm 2023, Hà Nội là một trong 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao chỉ tiêu mỗi năm tăng thêm ít nhất 15% so với năm 2022.

Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, trong năm 2022, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn trên địa bàn TP Hà Nội là 31,9%; chỉ tiêu này được đặt ra trong năm 2023 là 50%.

Kết quả, trong 9 tháng năm 2023, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn là 53,4% (vượt kế hoạch đề ra).

z-a-1991

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội đã đề nghị Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp các đơn vị liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tại cộng đồng.

Cùng với đó, thực hiện tư vấn tại cộng đồng, tư vấn tại các tụ điểm, các trường học, câu lạc bộ…; giới thiệu các cặp nam, nữ đến các cơ sở dịch vụ có đủ điều kiện theo quy định thực hiện tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi những trường hợp khi khám phát hiện hoặc nghi ngờ có các bệnh hoặc mang gen bệnh di truyền để tiếp tục tư vấn, tầm soát, chẩn đoán sàng lọc khi mang thai và trước khi sinh.

Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định, tuổi kết hôn của nam là 20, nữ 18 và không bị mất năng lực hành vi dân sự. Nam, nữ kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện.

Tuy vậy, các văn bản pháp lý hiện nay đều không quy định bắt buộc khám sức khỏe trước khi kết hôn. Dù vậy, từ nhiều năm qua, các chuyên gia y tế đưa ra khuyến cáo, khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp các cặp vợ chồng phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm, tránh được hệ lụy trong cuộc sống và tương lai thế hệ sau.

Theo đó, cả nam, nữ nên khám sức khỏe tiền hôn nhân tối thiểu từ 3-6 tháng trước khi kết hôn. Khám sức khỏe tiền hôn nhân, bao gồm khám lâm sàng tổng quát (khám nội tổng quát và chuyên khoa phụ sản); xét nghiệm (nhóm máu, bệnh lý về máu, chức năng gan thận, viêm gan vi rút, các bệnh lây qua đường tình dục); siêu âm ổ bụng...

Các chuyên gia đánh giá rằng, việc khám sức khỏe trước kết hôn là một hình thức sàng lọc quan trọng để thiết lập cuộc sống gia đình ổn định và đóng góp vào việc nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, nhiều thanh niên hiện vẫn chưa đặt quan tâm thực sự vào vấn đề này.

Vũ Phương Dung

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...