Khi con dậy thì: Nhận diện và làm mềm hóa xung đột giữa cha mẹ và con

Chủ Nhật, 27/10/2019 02:57 PM (GMT+7)

Khi con vào tuổi dậy thì, thường là cấp 2, việc xảy ra mâu thuẫn với cha mẹ có vẻ thường xuyên hơn.

xung-dot-giua-cha-me-va-con

Nguyên nhân

Khi con vào tuổi dậy thì, thường là cấp 2, việc xảy ra mâu thuẫn với cha mẹ có vẻ thường xuyên hơn. Có rất nhiều nguyên nhân nhưng nhìn chung lại là do 3 điểm chính sau:

Cha mẹ không theo kịp những thay đổi trong suy nghĩ của con. Với con lúc này, có cảm nhận mình đã trưởng thành hơn trong khi cha mẹ vẫn cư xử như con vẫn còn con nít lúc trước. Việc quá quan tâm, quá áp đặt từ cha mẹ sẽ khiến con thấy gò bó, khó chịu và ngày càng cách xa cha mẹ.

Con bị thu hút bởi thế giới bên ngoài hơn. Trong giai đoạn giao thoa giữa con nít và người lớn, con luôn hào hứng hòa mình vào thế giới bên ngoài hơn. Bạn bè, trò vui, những trải nghiệm mới… đôi khi khiến thời gian con dành cho gia đình ít hơn. Trong khi đó cha mẹ lại lo sợ con bị cám dỗ bởi các thói hư tật xấu. Vì vậy mâu thuẫn 2 bên sẽ diễn ra.

Sự tranh giành quyền lực. Trước sự thay đổi của con vào tuổi dậy thì, rất nhiều cha mẹ bỗng lo sợ rằng con sẽ không sợ mình nữa và dần trở nên nghiêm khắc, theo sát dạy bảo con nhiều hơn. Trong khi đó với cái tôi của mình, con ngày càng muốn độc lập, tự chủ hơn. Điều này dẫn đến thái độ, hành vi mang tính chống đối lại cha mẹ. Có khi không phải là do tính nết không tốt mà đó giống như một cách thể hiện khẳng định bản thân của con với cha mẹ.

Mềm hóa xung đột tâm lý giữa cha mẹ và con cái

Nhận diện những mặt xung đột

Xung đột tâm lý giữa cha mẹ và con cái do mâu thuẫn giữa nhận thức về hình thức bề ngoài của con (cách ăn mặc, đi đứng, kiểu tóc…). Hình thức bề ngoài là một mặt quan trọng của đời sống và tuổi teen bắt đầu có những phản ứng “không chấp nhận” những quy định của cha mẹ trong việc mua sắm quần, kiểu đầu tóc hoặc trang điểm như cha mẹ vẫn quan tâm khi chúng ở thời thơ ấu.

Xung đột tâm lý giữa cha mẹ và con cái do mâu thuẫn giữa nhận thức về việc sử dụng thời gian của con (thời gian đi học về, thời gian học, ngủ, chơi, đi ngủ vào buổi tối…). Tuổi teen là lứa tuổi mà sự phát triển của cảm giác “đã lớn” giúp cho các em ý thức về quyền của mình và những giới hạn giữa được quyền và không được quyền. Vì thế, các em không muốn nhất nhất phải tuân thủ theo cha mẹ một cách cứng nhắc. Các em không muốn bị gò bó, thực hiện giờ giấc sinh hoạt theo quy định của cha mẹ nữa. Xét về mặt phát triển khả năng tự ý thức, tuổi teen bắt đầu biết dành nhiều thời gian tự khám phá, chăm sóc bản thân mình, như soi gương, trang điểm, chải tóc, viết nhật ký... Thời gian dành cho khoảng trời riêng này đã vượt quá giới hạn thời gian biểu hàng ngày do cha mẹ đã quy định. Do bị quản thúc về thời gian, teen đã có những biểu hiện không vâng lời, cãi lại cha mẹ khiến cho xung đột tâm lý giữa cha mẹ và con cái dễ bùng phát và khó kiểm soát.

Xung đột tâm lý giữa cha mẹ và con cái về cách ứng xử trong gia đình của con (con muốn có không gian riêng, yêu cầu cha mẹ phải tôn trọng; trẻ muốn được phát biểu ý kiến, được gia đình lắng nghe; cha mẹ lại muốn con phải ngoan, không làm trái lời cha mẹ). Trẻ bước vào tuổi dậy thì, các em có nhu cầu được độc lập, muốn tự chủ trong mọi việc, không muốn răm rắp nghe theo cha mẹ, vì thế mà mâu thuẫn nảy sinh.

Xung đột tâm lý giữa cha mẹ và con cái về hứng thú của con (thích tự đi học, thích khẳng định những năng khiếu của bản thân, thích cuộc sống riêng tư…). Tuổi teen muốn thể hiện mình với mọi người bằng những sở thích của cá nhân, hứng thú càng được mở rộng nhiều lĩnh vực và các em đầu tư nhiều thời gian và niềm say mê vào những gì mình quan tâm. Trong khi đó, cha mẹ vẫn muốn con tập trung vào việc học. Việc con dành nhiều cho sở thích và hứng thú khác đã trái với quan niệm và mong muốn của cha mẹ, nên họ đã tìm mọi cách để đưa con vào “khuôn phép”.

Cha mẹ không thể sống thay con

Cha mẹ nào mà chẳng thương con, nhưng thương yêu ra sao để đừng là gánh nặng, đừng để lòng yêu thương tạo áp lực đối với con. Những xung đột tâm lý giữa cha mẹ và con cái nói trên là do cha mẹ quá quan tâm, yêu thương con nhưng lại thiếu sự lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu đời sống tinh thần phức tạp của con. Tâm lý trẻ em nói chung đã rất phong phú, phức tạp, thì tâm lý tuổi teen còn khó hiểu hơn. Nếu thật sự vì tương lai của con em mình, cha mẹ hãy hành động xuất phát từ những nguyện vọng và mơ ước của con. Đừng bắt trẻ phải gánh vác những ước mơ của cha mẹ.

Vì xung đột không được giải tỏa, nên khoảng cách giữa cha mẹ và con trẻ ngày càng xa mà không ít bậc cha mẹ tỏ rõ sự bế tắc. Không ít những tình huống đứa con hiện diện trước cha mẹ là một dấu hỏi lớn về cách ứng xử vì cha mẹ không thể nào hiểu được tâm tư, tình cảm của con.

Con đường ngắn nhất để hóa giải mọi mâu thuẫn, xung đột tâm lý giữa cha mẹ và con cái là thông qua sự chia sẻ, thấu hiểu đời sống cảm xúc và nhu cầu bức thiết của trẻ. Sự quan tâm đến niềm vui, nỗi buồn, nhu cầu, ước mơ của trẻ rất có ý nghĩa cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, khiến trẻ luôn cảm nhận niềm hạnh phúc được cha mẹ yêu thương, quan tâm và tôn trọng; trẻ sẽ có sự tin tưởng, yêu thương và sống có trách nhiệm đối với cha mẹ. Từ đó, trẻ sẽ chuyển hóa những yêu cầu của cha mẹ thành nhu cầu của bản thân và quyết tâm thực hiện để cha mẹ được vui lòng. Trong mỗi giai đoạn trưởng thành của con, nhất là khi bước vào tuổi dậy thì, nhu cầu của trẻ hướng về cha mẹ cũng khác. Khi con trẻ muốn được độc lập, tự chủ, cha mẹ hãy tự hào vì điều đó, và hãy tạo điều kiện hết sức để trẻ khẳng định mình trong ngưỡng quản lý của cha mẹ.

Duyen

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...