Khi dòng họ không 'trọng nam, khinh nữ'

Chủ Nhật, 06/09/2020 11:16 AM (GMT+7)

Nhiều dòng họ đã quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần cho con cháu hơn là quan tâm tới việc phải có cháu trai hay có đông con cháu như trước.

nam-nu

Trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tại Hưng Yên, những người có uy tín trong các dòng họ đã có đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, vận động con cháu thực hiện công tác DS-KHHGĐ, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.

Dòng họ Phạm - một dòng họ tiêu biểu nhiều lần được UBND xã Việt Hòa (huyện Khoái Châu) biểu dương, khen thưởng. Ông Phạm Văn Biền, Trưởng dòng họ Phạm tại xã Việt Hòa cho biết: Thấu hiểu hơn ai hết nỗi vất vả cực khổ khi nhà đông con, hàng năm vào các dịp gặp mặt đầu xuân, thanh minh, các buổi họp họ, tôi và các cụ cao tuổi trong họ thường xuyên tuyên truyền, vận động con cháu hưởng ứng chính sách DS-KHHGĐ, động viên con cháu, nhất là những gia đình đã sinh hai con một bề là gái thực hiện tốt chính sách DS - KHHGĐ, chăm lo cho cuộc sống gia đình, nuôi dạy các con nên người.

Tuyên truyền cho các gia đình về công tác DS-KHHGĐ tại dòng họ Phạm, xã Việt Hòa, huyện Khoái Châu, Hưng Yên

Nếu như trước đây, các hoạt động của dòng họ đều đề cao nam giới như: Họp giỗ tổ, thanh minh, đóng tiền họ theo suất đinh (nam) thì nay, các điều lệ của dòng họ dần được thay đổi, đề cao quyền bình đẳng của người phụ nữ, từ việc hiếu, hỷ, thăm hỏi, đóng tiền họ, không phân biệt là trai hay gái (nếu người con gái có nguyện vọng).

"Để các gia đình trong họ nghe theo, bản thân tôi chỉ sinh 2 con. Nay các con của tôi đều trưởng thành, có công việc ổn định. Một người con trai của tôi sinh 2 con gái nhưng tôi luôn động viên con không cố sinh thêm con trai mà để tập trung nuôi dạy các cháu cho tốt" - Ông Phạm Văn Biền chia sẻ.

Nhờ sự tuyên truyền tích cực của trưởng họ, các vị cao niên, lớp người trước truyền cho thế hệ sau, nhiều năm gần đây, dòng họ Phạm ở xã Việt Hòa không có người sinh con thứ 3 và được UBND xã Việt Hòa ghi nhận, biểu dương dòng họ tiêu biểu thực hiện tốt công tác DS – KHHGĐ.

Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự mất cân bằng giới tính khi sinh ở tỉnh ta là do tư tưởng muốn có con trai để nối dõi tông đường.

Áp lực trước dòng họ buộc các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ bằng mọi giá phải sinh được con trai. Nhiều cặp vợ chồng đã có hai con là gái không muốn tiếp tục sinh nữa, nhưng nếu không có con trai, họ phải tuân theo những quy định "ngầm" như: bị anh em trong họ xem thường, không được tham gia bàn việc họ…

Thấu hiểu điều này, những người làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở khi triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm đã chú trọng công tác truyền thông về dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS–KHHGĐ) cho trưởng các dòng họ, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ.

Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện, thành phố đã mở các lớp tập huấn, tổ chức nói chuyện chuyên đề về dân số, chuyển tải các nội dung về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ cho trưởng các dòng họ để đối tượng này nắm bắt được tầm quan trọng trong công tác dân số nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của từng cá nhân, gia đình và xã hội.

Từ việc tham gia các lớp tập huấn, các buổi nói chuyện chuyên đề, trưởng dòng họ được nâng cao nhận thức, trở thành những "tuyên truyền viên" dân số đắc lực khi vận động con cháu thực hiện xây dựng mô hình gia đình ít con để tập trung phát triển kinh tế, giảm nghèo, chăm lo cho con em học hành thành đạt. Nhiều dòng họ đã quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần cho con cháu hơn là quan tâm tới việc phải có cháu trai hay có đông con cháu như trước.

Thực tế cho thấy, khi phát huy được vai trò của những người cao tuổi trong dòng họ, công tác DS-KHHGĐ ở nhiều địa phương trong tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Bởi phần lớn người dân trong tỉnh sống ở khu vực nông thôn, có ràng buộc chặt chẽ bởi quan hệ anh em, họ hàng; trưởng họ, người cao niên trong họ, lại là người có vai trò, ảnh hưởng quan trọng trong dòng họ nên khi chính họ đi vận động, tuyên truyền về DS - KHHGĐ thì sẽ dễ thuyết phục con cháu trong họ và nhân dân.

Chị Trần Thị Quyết, xã Cương Chính (huyện Tiên Lữ) cho biết: "Khi sinh 2 con gái, tôi cũng bị áp lực từ phía gia đình nhà chồng, mọi người thường nói tôi phải cố sinh thêm con trai để cậy nhờ lúc về già nhưng khi được các cụ trong dòng họ động viên, đến nay gia đình chồng đã thông suốt và ủng hộ vợ chồng tôi dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt. Sinh 2 con gái nhưng gia đình tôi rất vui vẻ, hạnh phúc. Hiện 2 con gái của tôi đều khỏe mạnh, chăm ngoan, cháu lớn đang học lớp 6, trong các năm học cháu đều đạt danh hiệu học sinh giỏi".

Bằng những việc làm thiết thực trong việc truyên truyền, vận động con cháu các gia đình trong dòng họ và nhân dân địa phương thực hiện công tác DS - KHHGĐ, trưởng các dòng họ đã có những đóng góp tích cực đối với công tác DS - KHHGĐ, góp phần giảm sinh, giảm tỷ lệ người sinh con thứ 3, từng bước hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số.

Hà Thu Thủy

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...