Khó khăn của người lao động di cư trong việc tiếp cận các chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam

Thứ Năm, 04/08/2022 10:57 AM (GMT+7)

Trên thế giới hiện có khoảng 272 triệu người di cư trong tổng dân số hơn 7 tỷ người. Hai phần ba tổng số người di cư là lao động di cư. Tại Việt Nam, với khoảng 98 triệu người, Việt Nam là quốc gia có quy mô dân số đứng thứ 15 thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 cộng đồng ASEAN.

Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 65,4 triệu người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi), chiếm 68,0% tổng dân số. Số lượng dân số trong độ tuổi lao động lớn, mang đến nhiều lợi thế cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nhưng cũng tác động đến các dòng di cư tại Việt Nam.

Di cư là một sự tất yếu và là động lực của phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, di cư cũng tạo ra những khó khăn, thách thức cho cả nơi đi và nơi đến. Người di cư là một trong những nhóm dân số dễ bị tổn thương, nhất là trong đại dịch COVID-19 hiện nay. Tuy nhiên,  thực tế cho thấy, hơn 70% số lao động di cư không biết, hoặc biết rất ít về quyền và lợi ích cơ bản của mình.

3246_Di_cY

Các vấn đề về an sinh xã hội cho lao động di cư

Mặc dù có vai trò quan trọng trong lực lượng lao động của cả nước cũng như phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nhưng lao động di cư vẫn là nhóm dễ bị tổn thương nhất và khó tiếp cận được với các chính sách về an sinh xã hội trong đó có chính sách về việc làm. Các nghiên cứu về di cư ở Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (Worldbank), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cũng chỉ ra rằng, lao động di cư, đặc biệt là lao động nữ là một trong những lực lượng lao động chịu nhiều thiệt thòi do mô hình kinh tế tăng trưởng nhanh hiện nay. Lao động di cư có thể xoay sở cải thiện được thu nhập trong môi trường sống mới, nhất là ở khu vực thành thị nhưng điều kiện sống và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của họ còn rất kém so với người dân gốc tại địa phương đó. Dù tham gia vào cả lực lượng lao động chính thức và phi chính thức, nhiều lao động di cư vẫn không được hưởng những quyền lợi từ các chính sách an sinh xã hội như: Lao động, việc làm, giảm nghèo, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo trợ xã hội, các dịch vụ xã hội cơ bản như: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, tiếp cận thông tin… Đa số người lao động di cư không biết nơi cung cấp thông tin và tư vấn về Lao động và BHXH cho mình.

Vấn đề lớn nhất đối với lao động di cư đó là việc làm do nhiều lao động phải đối mặt với tình trạng việc làm bấp bênh, không ổn định, tiền công lao động thấp hơn. Nhiều doanh nghiệp thường theo đuổi mục tiêu lợi nhuận, chi phí thấp thông qua việc không đảm bảo điều kiện làm việc, thời gian làm việc dài hạn và hạn chế người lao động tiếp cận các phúc lợi xã hội. Bên cạnh đó, do có tới 78,8% người di cư không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, thu nhập của lao động di cư không ổn định và bấp bênh do phần lớn công việc họ có thể tham gia là những công việc chân tay, mang tính thời vụ, môi trường làm việc độc hại, nguy hiểm… chỉ được ký hợp đồng lao động ngắn hạn hoặc thậm chí không có hợp đồng, không tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Trong khi đó, chính sách BHXH tự nguyện hiện nay chưa thực sự hấp dẫn lao động di cư, nhất là đối với lao động di cư là nữ giới; còn độ bao phủ BHYT khu vực phi chính thức mà phần lớn là lao động di cư lại phụ thuộc vào tình trạng lao động có hay không có hợp đồng lao động. Khó khăn nữa là lao động di cư muốn mua BHYT cần sổ đăng ký tạm trú và văn bản đồng ý của chủ nhà, họ chỉ có thể mua BHYT tự nguyện khi chủ nhà cũng mua; các chế độ trợ giúp xã hội thường xuyên hay đột xuất chưa có chính sách riêng dành cho người tạm trú ngắn hạn như lao động di cư. Vì vậy, lao động di cư bị hạn chế rất nhiều các phúc lợi về y tế khám chữa bệnh, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ thai sản…

Cùng với các vấn đề về việc làm, BHXH, BHYT, nhà ở cũng nằm trong số các vấn đề lớn đối với lao động di cư. Lao động di cư thường sống trong những khu nhà thuê chật chội với điều kiện sinh hoạt kém hơn và phải trả mức phí cao hơn cho các tiện ích sinh hoạt như điện, nước. Tại các khu công nghiệp thu hút đông lao động phổ thông như: Bắc Ninh, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Dương…, tỷ lệ người di cư phải thuê/mượn nhà thường cao hơn hẳn; trong đó, Bình Dương là tỉnh có tỷ lệ người di cư phải thuê/mượn nhà của tư nhân cao nhất cả nước với tỷ lệ 74,5%. Đối với những lao động di cư, đặc biệt là lao động di cư từ nông thôn lên thành thị, tiền thuê nhà và các chi phí sinh hoạt ngày càng tăng do sự phát triển của xã hội tỷ lệ nghịch với mức sống giảm sút nghiêm trọng của họ. Kéo theo vấn đề nhà ở là những khó khăn liên quan đến tình trạng đăng ký hộ khẩu, tạm trú khiến cho lao động di cư thường phải chấp nhận trả khoản phí cao hơn khi buộc phải cho con học ở trường tư thay vì các trường công lập.

di cư

Các giải pháp cần thực hiện để đưa chính sách đến gần lao động di cư..

Giải pháp đắc lực cần có  tuyên truyền pháp luật, giới thiệu việc làm để người lao động di cư có khả năng tiếp cận thông tin và việc làm trong những khu vực lao động chính thức, lao động có hợp đồng, chế độ đi kèm. Ðặc biệt, cần hỗ trợ họ tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT. Ngoài việc thay đổi chính sách hỗ trợ, tuyên truyền cho người dân hiểu được các chính sách an sinh, đề án, dự án hỗ trợ, thì bản thân lao động di cư cũng phải chủ động nâng cao hiểu biết, đấu tranh cho quyền lợi của mình. Nhiều chuyên gia đưa ra giải pháp, cơ quan BHXH cần ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống quản lý; cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình trong giải quyết các chế độ BHXH, đúng quy định của pháp luật...

Bên cạnh đó, nhiều chính sách liên quan tới việc làm đã được ban hành nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi về việc làm cho lao động nói chung và lao động di cư nói riêng, như: Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chính sách hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác; chính sách hỗ trợ phát triển tổ chức dịch vụ việc làm (thông qua trung tâm dịch vụ việc làm và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm); các chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; các chính sách về an toàn, vệ sinh lao động… Nỗ lực triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án lớn trên phạm vi cả nước, như Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020…

Ngoài ra, trong bối cảnh tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường thế giới, với các hiệp định thương mại tự do đã ký, Việt Nam cũng đã có những cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ lao động di cư trong nước. Tất cả những nỗ lực trên đều nhằm góp phần đảm bảo cơ hội được hưởng các quyền lợi một cách bình đẳng, đặc biệt là đảm bảo an sinh xã hội cho lao động di cư tại Việt Nam.

Di cư không phải là bài toán của riêng một ngành nào mà là sự phối kết hợp chung tay của tất cả các cấp, ngành, trung ương và địa phương, trong đó có y tế-dân số, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay, vì những hành trình di cư an toàn, khỏe mạnh…/.

Trần Thanh Mai

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...