Khoảng trống trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên vùng dân tộc thiểu số

Chủ Nhật, 18/12/2022 12:47 AM (GMT+7)

Lấy chồng sớm, tảo hôn, sinh con khi mới 14-15 tuổi không phải là hiếm ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số. Những “khoảng trống” chưa được lấp đầy trong nhận thức cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người chưa thành niên đang đem lại nhiều hệ lụy cho bản thân họ và cộng đồng .

Tại cuộc hội thảo về Dịch vụ sức khỏe sinh sản thân thiện với các nhóm thanh niên đặc thù dễ bị tổn thương do Vụ Sức khỏe bà mẹ-Trẻ em kết hợp với Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP), bác sĩ Phạm Vũ Thiên ( CCIHP) đã cho biết: Ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số tình trạng kết hôn sớm, có thai sớm rất phổ biến. Gần 29,5% vị thành niên người dân tộc tuổi từ 15-19 đã lập gia đình, tỷ lệ này ở người Kinh là 6,5%. Tỷ lệ nữ vị thành niên từ 15-19 tuổi đã có con ở miền núi Tây Bắc là 107/1000 ( trong khi tỷ lệ chung trên toàn quốc là 23/1000).

suc-khoe-sinh-san-16705576224861474577333

Trong khi đó, hoạt động truyền thông về sức khỏe sinh sản (SKSS) tình dục vị thành niên còn rất hạn chế. Tại trường học, mỗi năm học có tổ chức 1 cuộc nói chuyện chuyên đề của cán bộ dân số xã thực hiện và hoạt động này còn tùy theo nguồn lực và kế hoạch của trên (mà thường là không có kinh phí).Trạm y tế xã không thực hiện hoạt động tư vấn/cung cấp dịch vụ SKSS vị thành niên.

Bản thân nhân viên y tế xã cũng khó khăn trong việc thực hiện hoạt động này do "nói thì các em gật nhưng không làm theo" và bản thân cũng thấy "tư vấn khó khăn... vì không được học về tư vấn SKSS cho vị thành niên, không được học về dịch vụ thân thiện cho vị thành niên nó nên như thế nào và ở trạm cũng không triển khai dịch vụ cho vị thành niên".

Thậm chí, nhân viên y tế còn không biết về các nhóm vị thành niên đặc biệt và nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản. Với nhóm vị thành niên, thanh niên đặc thù này, thái độ kỳ thị, định kiến sai lầm của cộng đồng là một rào cản rất lớn để họ có thể tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản an toàn, thân thiện.

Theo bà Hà Tú Anh, Phó Giám đốc CCIHP, các vấn đề bất cập trong giáo dục giới tính vị thành niên dường như đã tồn tại quá lâu. Nếu giáo dục giới tính được làm tốt trong cộng đồng sẽ góp phần làm giảm gánh nặng cho chăm sóc y tế, giảm các vấn đề xã hội. Cần thay giáo dục giáo điều, lý thuyết bằng thực hành kỹ năng, để hiểu biết về SKSS, tình dục biến thành năng lực. Chúng ta đang rất cần những hướng dẫn về việc truyền thông SKSS cho vị thành niên với vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt; với các nhóm đặc biệt như vị thành niên dân tộc thiểu số là người đồng tính, chuyển giới, người có H, người khuyết tật.

skss

Để có thể lấp những "khoảng trống" tồn tại đã quá lâu này, cần thực hiện các hoạt động tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng cho nhân viên y tế xã, huyện về tư vấn SKSS vị thành niên, dịch vụ thân thiện với vị thành niên và tổ chức lồng ghép mô hình dịch vụ thân thiện tại trạm y tế, trường học cho các em. Tập huấn cho các cán bộ y tế tuyến xã, huyện về các nhóm đặc biệt như người đồng tính, song tính, chuyển giới, người có H, người khuyết tật và nhu cầu dịch vụ chăm sóc SKSS của họ. Thông tin, quảng bá dịch vụ chăm sóc SKSS vị thành niên cho các nhóm đặc biệt. Phối hợp với chính quyền địa để truyền thông lồng ghép về SKSS vị thành niên, giới và hôn nhân và gia đình, đến vị thành niên và người dân tại cộng đồng.

Thực tế cho thấy, trẻ vị thành niên còn thiếu hụt nghiêm trọng kiến thức về SKSS, chưa hiểu rõ cơ thể của bản thân. Tại nhà trường, mặc dù đã có các môn học như Sinh học, Giáo dục công dân nhưng những kiến thức mới dừng lại ở lý thuyết. Nhu cầu về việc tuyên truyền, phổ biến SKSS rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mạng internet luôn có tác động hai chiều đến nhận thức của các em, trong đó, thông tin tiêu cực vẫn còn khá nhiều.

Công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe sinh sản cho vị thành niên tại các trường học giúp các em học sinh biết được nhiều kiến thức về sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên là rất quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống gia đình trong tương lai, đồng thời giúp các em chuẩn bị tâm thế tốt về vấn đề sức khỏe sinh sản khi còn trên ghế nhà trường.

Mục tiêu quan trọng trong truyền thông đối với trẻ vị thành niên về chăm sóc SKSS đó là trang bị cho các em học sinh nữ kiến thức để tự chăm sóc sức khỏe vị thành niên và thanh niên, kỹ năng ứng xử trước sự thay đổi tâm sinh lý, cách để tránh bị lạm dụng tình dục, phòng tránh việc mang thai ngoài ý muốn…

Nhận thấy tầm quan trọng của việc giáo dục giới tính vị thành niên, nhiều địa phương đã thường xuyên tổ chức các chương trình bổ trợ kiến thức để thanh niên lứa tuổi này nhận thực đúng đắn về vấn đề này. Ngoài ra, việc kết hợp của ngành y tế và giáo dục ở mỗi đĩa phương được đánh giá đem lại hiệu quả cao cho công tác giáo dục giới tính cho vị thành niên.

Vị thành niên, thanh niên vẫn gặp phải nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD đảm bảo chất lượng, ví dụ các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) hiện nay tập trung hủ yếu vào những người đã kết hôn. Can thiệp, chương trình sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên còn thiếu hụt trong giải quyết các vấn đề của các nhóm thiệt thòi, dân tộc thiểu số, và vấn đề giới.

1-15199488130891164445817

BS Nguyễn Thanh Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Giang cho biết, là tỉnh miền núi với địa hình hiểm trở, dân cư sống thưa thớt, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều hủ tục liên quan đến vấn đề sinh đẻ còn tồn tại trong cộng đồng dân tộc thiểu số, khiến công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) gặp nhiều khó khăn.

Để nâng cao chất lượng chăm sóc SKSS, ngành Y tế đã triển khai thực hiện Dự án "Nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ SKSS". Theo đó, nhiều mô hình truyền thông giáo dục SKSS được triển khai thực hiện bằng các hình thức đa dạng, phong phú như: Tuyên truyền bằng băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, sân khấu hóa, tại các chợ phiên và các buổi họp thôn, chi hội phụ nữ… thu hút hàng nghìn lượt người tham gia.

Tuy nhiên, do điều kiện còn quá khó khăn, chất lượng dịch vụ y tế cơ bản cho người dân hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Vì vậy lĩnh vực y tế nói chung và chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em nói riêng đòi hỏi sự quan tâm và đầu tư rất lớn mới đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Trần Thanh Mai

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...