Khởi động dự án hỗ trợ dự phòng chăm sóc người cao tuổi theo mô hình Nhật Bản

Thứ Sáu, 01/07/2022 02:48 PM (GMT+7)

Ngày 29/6/2022, Lễ khởi động Dự án “Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ứng phó với vấn đề già hóa dân số áp dụng mô hình Tsuyama” đã diễn ra dưới hình thức trực tuyến kết nối các điểm cầu tại Việt Nam và Nhật Bản.

 

Tham dự lễ khởi động dự án tại Việt Nam có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ Nguyễn Thị Ngọc Lan, đại diện một số Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục, đại diện Chi cục DS-KHHGĐ một số tỉnh, thành phố. Tại điểm cầu Nhật Bản có đại diện tổ chức JICA Nhật Bản, JICA Việt Nam, Thị trưởng TP. Tsuyama, Tập đoàn phúc lợi xã hội Yasuragi và một số chuyên gia Nhật Bản.

Dự án “Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ứng phó với vấn đề già hóa dân số áp dụng mô hình Tsuyama” hướng tới thực hiện chương trình chăm sóc dự phòng cho người cao tuổi một cách bền vững tại địa bàn dự án thông qua việc triển khai các bài thể dục phòng tránh ngã của Nhật Bản. Dự án là sự tiếp nối thành công của Dự án “Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số giai đoạn 2017-2021” đã được triển khai tại phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội trước đó.

Theo thông tin từ đại diện phía Nhật Bản, mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi áp dụng bài thể dục tránh ngã đã được triển khai tại TP. Tsuyama trong thời gian dài và mang lại hiệu quả rất tích cực. Dự án tại Việt Nam sẽ triển khai 3 hoạt động chính: Mở rộng hoạt động dự phòng chăm sóc của bản thân người dân qua ứng dụng S-Health; Giới thiệu và quảng bá hệ thống chăm sóc toàn diện tại cộng đồng; Tạo cơ chế cho nguồn nhân lực điều dưỡng được đào tạo tại Nhật Bản về Việt Nam. Các đại biểu Nhật Bản bày tỏ mong muốn dự án sẽ được triển khai thuận lợi và thành công tốt đẹp, góp phần nâng cao sức khỏe người cao tuổi cũng như thắt chặt mối quan hệ hai nước Việt Nam - Nhật Bản.  

Tại Lễ khởi động dự án, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, dự án lần này được triển khai tại 6 xã/phường thuộc 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Phú Thọ và Thanh Hóa. Đây là những tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm vùng miền khác nhau, nhằm tạo tiền đề cho Chính phủ Việt Nam có kế hoạch tiếp theo trong việc nhân rộng mô hình ra địa bàn trên cả nước, góp phần chăm sóc và nâng cao sức khỏe người cao tuổi.

Thay mặt Tổng cục DS-KHHGĐ và Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố triển khai dự án, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Ngọc Lan trân trọng cảm ơn tổ chức JICA, TP. Tsuyama và Tập đoàn phúc lợi xã hội Yasuragi đã hỗ trợ triển khai Dự án, đồng thời cam kết thực hiện dự án có hiệu quả, đúng mục tiêu, nội dung hoạt động và tiến độ được giao.

Phương Liên/Thế Ân/Tiến Dương/Anh Tú

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...