Không để “kẹt” thông tin dân số từ Trung ương về xã

Thứ Tư, 12/06/2019 06:57 AM (GMT+7)

Để đảm bảo mối quan hệ thông suốt trong quá trình hoạt động, các địa phương phải rốt ráo trong xây dựng bộ máy tổ chức cán bộ, chuyên môn, nhất là ở cấp cơ sở. Đó là nhấn mạnh của Tổng Cục trưởng Tổng cục DS - KHHGĐ Nguyễn Doãn Tú trong buổi làm việc với ngành Dân số tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam.

dan-so

Tổng Cục trưởng Nguyễn Doãn Tú phát biểu tại cuộc họp giữa đoàn công tác Tổng cục DS - KHHGĐ với ngành Dân số tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: V.Thu

Quảng Ngãi: Lực lượng làm công tác dân số đã mỏng còn mỏng hơn

Ông Đặng Chính, Chi Cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh Quảng Ngãi cho hay, từ 1/1/2019, tỉnh này đã thực hiện sáp nhập, đưa Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện, thành phố về Trung tâm Y tế, thành lập phòng Dân số, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tuy nhiên, nhân sự tổ chức làm dân số cấp huyện của Quảng Ngãi lại phát sinh một số vấn đề. Cán bộ, viên chức thuộc phòng Dân số được điều chuyển thực hiện các công việc chuyên môn như nhiệm vụ thu tiền viện phí, văn thư, kế toán viên.

Ông Chính cho hay, tổng biên chế cho phòng Dân số của 14 huyện, thành phố trong tỉnh chỉ còn 51 người. Trong khi chỉ tiêu Sở Y tế giao năm 2018 là 82 người. Trong đó, chỉ duy nhất TP Quảng Ngãi, số viên chức làm dân số 6 người, số huyện có 5 viên chức dân số có huyện Trà Bồng, Minh Long. Còn lại, các huyện dù dân số đông cũng chỉ có 2 viên chức làm dân số ở Trung tâm Y tế (Sơn Hà, Tây Trà), 3 viên chức (Bình Sơn, Tư Nghĩa, Đức Phổ, Sơn Tây, Lý Sơn), 4 viên chức (Sơn Tịnh, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Ba Tơ). 6/14 huyện, thành phố chưa bổ nhiệm lãnh đạo phòng Dân số. Ông Chính thông tin, một số nơi công tác bổ nhiệm, tổ chức cán bộ dân số cấp huyện lúng túng.

“Một số nhân lực làm dân số có chuyên môn y tế tốt, được điều động, bổ nhiệm vị trí khác trong Trung tâm Y tế khiến lực lượng làm công tác dân số đã mỏng còn mỏng hơn. Lực lượng mỏng như vậy, rất khó đủ sức để tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương”, ông Chính phản ánh.

Tại Quảng Ngãi, có 184 cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ cấp xã. Đội ngũ này chưa được xét tuyển vào viên chức nhà nước, một số kiêm nhiệm nhiều việc như: Chức danh lao động, thương binh, xã hội, dân số, gia đình và trẻ em của xã. Cán bộ dân số xã tại Quảng Ngãi hiện được xếp là bán chuyên trách, hưởng phụ cấp 1,25 lần mức lương tối thiểu (hơn 1,7 triệu đồng/tháng).

Tại Quảng Nam, việc sáp nhập này cũng đã thực hiện cuối năm 2018, bàn giao nguyên trạng nhân lực với 107 người ở Trung tâm DS-KHHGĐ tuyến huyện và 244 người ở xã, phường, thị trấn. Chi cục Dân số tỉnh đã tham mưu Sở Y tế bổ nhiệm 2 Giám đốc Trung tâm Dân số làm Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (ở huyện Phước Sơn, Đại Lộc); 12 Trưởng phòng Dân số, 6 Trưởng phòng phụ trách phòng Dân số.

Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam đánh giá, việc sắp xếp lại bộ máy dân số cấp huyện không có quá nhiều xáo trộn do mối quan hệ và khả năng đảm bảo chuyên môn của các cán bộ chuyên trách, trung tâm dân số, trạm y tế vẫn hoạt động, điều phối tốt.

Ông Phan Đình Nhân, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Nam cho hay, cơ cấu phòng Dân số tại Trung tâm Y tế huyện là 6 người. Trong quá trình thực hiện, Trung tâm Y tế điều chuyển cán bộ qua làm các vị trí khác theo yêu cầu của đơn vị như kế toán, nhưng vẫn đảm bảo biên chế ở phòng Dân số đủ 6 người.

Chia sẻ về mô hình mới, ông Phan Đình Nhân đánh giá, trước đây Trung tâm Dân số huyện trực thuộc UBND huyện, Giám đốc Trung tâm là thường trực Ban chỉ đạo Công tác dân số huyện, rất thuận lợi khi tham mưu trực tiếp lãnh đạo địa phương, đề xuất nhiều vấn đề hoạt động thu hút nhiều nguồn kinh phí hỗ trợ, tương tự ở cấp xã. Với mô hình mới, ông Nhân nhận định việc tham mưu đề xuất có thể khó khăn hơn. Do đó, ông Nhân bày tỏ mong muốn được thực hiện mô hình cũ, là “dân số - gia đình - trẻ em”.

Ông Nguyễn Văn Hai cho hay, hiện Quảng Nam có 3.556 cộng tác viên dân số. Sở Y tế Quảng Nam hiện đã nghiên cứu, xây dựng để trình Hội đồng Nhân dân tỉnh đề án kiện toàn đội ngũ này theo hướng kết hợp cộng tác viên dân số kiêm nhân viên y tế thôn bản. Tuy nhiên, Quảng Nam sẽ phải đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ này để cập nhật tình hình dân số trong tình hình mới, tận dụng những người có uy tín, kinh nghiệm.

Không để “trống khuyết”

Đồng tình với quan điểm của ông Hai, Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Nguyễn Doãn Tú cho rằng, nếu thực hiện được việc sắp xếp cộng tác viên dân số kiêm nhân viên y tế thôn/bản thì không chỉ tăng thêm thu nhập cho đội ngũ này mà còn thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Bởi họ chính là cánh tay nối dài của ngành Dân số, Y tế, là những người gần dân nhất, nhân tố then chốt trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục dân số, sức khỏe, giúp người dân ở những nơi vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn tiếp cận với quyền lợi được chăm sóc y tế, dân số.

Bên cạnh đó, Tổng Cục trưởng Nguyễn Doãn Tú khẳng định, ở cấp Trung ương, Tổng cục Dân số đảm nhiệm vai trò tham mưu, giúp Bộ Y tế xây dựng các chương trình, đề án đưa Nghị quyết số 21 của Trung ương Đảng và Nghị quyết số 137 của Chính phủ (Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới) vào cuộc sống; giúp Bộ Y tế kết hợp với các bộ, Ban, ngành liên quan cùng với mục tiêu trên. Tương tự ở cấp tỉnh, huyện, xã, Dân số cũng phải là ngành thực hiện nhiệm vụ điều phối này.

Tuy nhiên, để đảm bảo mối quan hệ thông suốt trong quá trình hoạt động, đòi hỏi phải rốt ráo trong việc xây dựng bộ máy tổ chức cán bộ, chuyên môn, nhất là ở cấp cơ sở (huyện, xã). Theo Tổng Cục trưởng Nguyễn Doãn Tú, Quảng Ngãi cần khẩn trương tăng cường kiện toàn chức năng nhiệm vụ của phòng Dân số huyện, bởi nếu để hiện trạng trống khuyết vị trí lãnh đạo Phòng, thiếu hụt biên chế làm công tác dân số cấp huyện như hiện nay ở Quảng Ngãi, sẽ dẫn đến việc thông tin chỉ đạo từ Trung ương về tỉnh, đến xã sẽ bị “cắt đứt” tại tuyến huyện.

Đồng thời, ông Nguyễn Doãn Tú nhấn mạnh, ngành Dân số Quảng Ngãi phải năng động hơn nữa trong việc tham mưu cho lãnh đạo Sở Y tế, UBND tỉnh, điều phối, kết hợp các Ban, ngành đoàn thể để thực hiện các nhiệm vụ. Bởi công tác dân số từ trước đến nay và sau này vẫn là cuộc vận động xã hội rộng lớn, nếu không có sự tham gia của cả hệ thống chính trị thì không thể thành công. Cùng với đó, hoàn thiện công tác chuyên môn, đặc biệt là ổn định tổ chức cán bộ cấp huyện, xây dựng đề án vị trí việc làm dựa trên chức năng nhiệm vụ theo quy định.

Dù là hai tỉnh có vị trí địa lý gần nhau nhưng Quảng Nam, Quảng Ngãi lại có tình hình dân số khác nhau. Nếu mức sinh ở Quảng Ngãi đang có xu hướng giảm, thấp hơn mức sinh thay thế (2,1 con), tổng tỷ suất sinh năm 2017 là 1,79 con (giảm từ 1,93 -1,98 năm 2015-2016) thì Quảng Nam lại có xu hướng tăng (2016-2017 lần lượt là 2,16-2,26 con). Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến nội dung tuyên truyền vận động người dân và xã hội về dân số, cũng như kế hoạch, phân bổ chỉ tiêu về các biện pháp KHHGĐ, đồng thời với việc triển khai các vấn đề khác.

Duyen

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...