Kon Tum với nỗi lo mất cân bằng giới tính khi sinh

Thứ Ba, 01/08/2023 04:15 PM (GMT+7)

Theo thống kê năm 2021, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh Kon Tum là 110,19 bé trai/100 bé gái. Trong khi đó, Kế hoạch hành động công tác dân số giai đoạn 2020 – 2025 của tỉnh đã đề ra mục tiêu duy trì tỷ số giới tính khi sinh ở mức cân bằng tự nhiên với mức 103-106 bé trai/100 bé gái.

Nhìn vào một số lớp học ở bậc mầm non, tiểu học, số bé trai thường nhiều hơn bé gái. Bởi vậy, có trường tiểu học trên địa bàn thành phố Kon Tum khi tuyển sinh vào lớp 1, số hồ sơ nộp vào trường vượt quá nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh, đã tổ chức bốc thăm và chia nam – nữ thành hai thùng phiếu khác nhau, cứ bốc một phiếu nam sẽ đến bốc một phiếu nữ để cơ cấu nam, nữ trong lớp học được cân bằng. Và năm nào cũng vậy, để kiếm được một suất vào học trường tiểu học có tiếng đó, phụ huynh có con trai đều xác định là phải chịu thiệt hơn, vì tỷ lệ chọi luôn cao hơn con gái. Tất nhiên, số bé trai – bé gái mới sinh trong một ngày hay số học sinh nam – học sinh nữ ở các lớp học có sự mất cân bằng giới tính như vậy cũng tùy thuộc vào từng thời điểm, từng địa phương. Điều đáng nói là không dừng lại ở từng gia đình, từng ngày sinh ở các bệnh viện, hay ở từng lớp học, nỗi lo mất cân bằng giới tính, nỗi lo thiếu con gái còn thể hiện rõ ở con số thống kê tỷ số giới tính khi sinh trong từng năm. 

Thông thường, tỷ số giới tính khi sinh là 104 -106 bé trai (trung bình là 105)/100 bé gái; nếu số bé trai sinh ra 107 trở lên là ở mức báo động, đang ở tình trạng mất cân bằng giới tính. Như vậy, với tỷ số giới tính khi sinh 110,19 bé trai/100 bé gái trong năm 2021, nghĩa là Kon Tum đang ở vào tình trạng mất cân bằng giới tính.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Gia đình quy mô ít con (chỉ có 1-2 con) đã tạo áp lực cho các cặp vợ chồng vừa phải có ít con, lại mong muốn trong số đó phải có con trai. Có con trai để vừa là trụ cột về tinh thần vừa là trụ cột về kinh tế, lao động chính cho gia đình. Rồi tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn sâu bám rễ trong xã hội, nên nhiều người vẫn quan niệm gì thì gì cứ phải sinh được cậu con trai nối dõi tông đường, gánh vác trọng trách thờ cúng tổ tiên. Gia đình nào có nếp, có tẻ hoặc sinh con một bề nhưng là hai trai đều cảm thấy tự tin, khỏi phải chịu cảnh giận hờn, áp lực giữa vợ - chồng, áp lực giữa đôi vợ chồng với gia đình hai bên nội, ngoại và cả những chuyện lắm lúc chỉ là đùa vui kiểu khỏi phải bị “ngồi mâm dưới”.

OIP (2)

Không ít ông bố, bà mẹ thú thực rằng, đứa con đầu chưa nói gì, đến đứa thứ hai cũng là bé gái sẽ không tránh khỏi hụt hẫng. Các ông bố hụt hẫng vì chưa bằng bạn bằng bè, chưa có người nối dõi tông đường. Các bà mẹ hụt hẫng vì cảm thấy như chưa “biết đẻ”, chưa làm tròn “bổn phận” với chồng, với nhà chồng. Thậm chí có chị em còn thú thực rằng, dẫu họ không quá câu nệ về gái – trai, nhưng vì nghĩ con gái lớn lên phải đối mặt với bao nhiêu nỗi khổ của người phụ nữ, những định kiến giới vẫn còn đeo đẳng trong xã hội nên chỉ mong sao có được cậu con trai để con được sung sướng, đỡ vất vả như mình. Suy nghĩ như vậy nên không ít cặp vợ chồng trẻ khi có kế hoạch sinh con, cũng kết hợp đủ các kiểu, từ đông y đến tây y, từ ăn uống cho đến chế độ sinh hoạt, cốt kiếm được thằng cu.

Tư tưởng trọng nam khinh nữ cộng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, y học nên các ông bố, bà mẹ sớm lựa chọn phương pháp tạo giới tính thai nhi. Trong khi việc xử lý vi phạm người cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi chưa quyết liệt, chưa đủ sức răn đe, đã tạo kẻ hở cho những gia đình “khát” con trai tiến hành sàng lọc giới tính, thậm chí phá bỏ thai nhi ngay từ những tháng đầu thai kỳ. Điều này khiến cơ hội ra đời cho bé gái như cánh cửa vốn đã hẹp lại khép hẹp hơn.

Mất cân bằng giới tính ảnh hưởng đến sự phát triển chung và ổn định xã hội: thay đổi trong hệ thống hôn nhân và gia đình; tranh giành trong tìm kiếm bạn đời; gia tăng tội phạm buôn bán phụ nữ vì mục đích hôn nhân và mại dâm, buôn bán, bắt cóc trẻ em. Theo cơ quan chức năng, nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, nước ta sẽ có từ 2,3 - 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ.

Nỗi lo mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng hiển hiện rõ. Trong hàng loạt các giải pháp, thì đầu tiên và cốt lõi chính là mỗi người cần phải thay đổi quan niệm, định kiến về giới. Nếu không, chuyện nam giới không thể tìm kiếm được người bạn đời trong nước, phải tìm cô dâu từ nước ngoài (đã xảy ra ở một số nước trong thời gian qua) và hàng loạt các hệ lụy khác đi kèm sẽ là viễn cảnh tất yếu không xa.  

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...