Lai Châu: Nạn tảo hôn vẫn còn gia tăng

Thứ Tư, 06/09/2023 09:50 AM (GMT+7)

Hiện nay, tình trạng tảo hôn ở Lai Châu vẫn còn gia tăng. Trong năm 2022, địa phương này có 517 cặp tảo hôn và 1 cặp hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, số cặp tảo hôn vợ là 194 cặp, số cặp tảo hôn chồng là 100 cặp, số cặp tảo hôn cả vợ và chồng là 223 cặp.

150102317AM1

Cán bộ chuyên trách dân số xã tuyên truyền về tác hại của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống đến người dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Hôn nhân cận huyết thống là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những nam và nữ có cùng dòng máu về trực hệ (là những người có quan hệ huyết thống, trong đó người này sinh ra người kia kế tiếp nhau); giữa những người có họ trong phạm vi ba đời (là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba).

Bên cạnh đó, tảo hôn là tình trạng lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định (nam chưa đủ 20 tuổi trở lên và nữ chưa đủ 18 tuổi trở lên). Đây là điều cấm được phát luật của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 và 2014.

Nguyên nhân chính của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nói trên là do phong tục, tập quán lạc hậu của một số dân tộc thiểu số chưa được xóa bỏ. Ngoài ra, ý thức pháp luật và tiếp cận phương tiện truyền thông của người dân còn hạn chế. Tình trạng học sinh bỏ học đã tác động một phần làm gia tăng tình trạng tảo hôn. Đặc biệt, đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì kết hôn sớm do nhu cầu về lao động là rất lớn.

Trẻ em được sinh ra từ các cặp vợ chồng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có tỷ lệ mắc các bệnh di truyền, bệnh tật, dị tật bẩm sinh, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, suy giảm sức khỏe, tử vong sơ sinh cao hơn so với những đứa trẻ bình thường khác. Những bệnh mà trẻ em được sinh ra từ hôn nhân cận huyết thống thường mắc phải như: bạch tạng, rối loạn chuyển hóa, thiếu men G6PD, hồng cầu liềm, dị dạng về xương, bụng phình to, thiểu năng trí tuệ, ốm yếu, mù màu…

Thực hiện Tiểu dự án 2: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2022, UBND tỉnh Lai Châu đã phân công báo cáo viên pháp luật tuyên truyền về tảo hôn và kết hôn cận huyết thống với tổng số 19 hội nghị tại các xã, thị trấn và trường học thu hút 1370 đại biểu tham gia.Cùng với đó, tổ chức biên soạn và phát hành 20.000 tờ gấp pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, câu chuyện pháp luật về kết hôn sớm và những tác hại đội với trẻ em để cấp phát cho nhân dân.

Được biết, năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu đã chủ tri thực hiện, tổ chức mở 41 lớp tập huấn tại thôn, bản. Nội dung tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan đến hôn nhân và gia đình.

Trần Thanh Mai

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...