Lâm Đồng tăng cường thực hiện tuyên truyền nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Thứ Sáu, 01/12/2023 08:53 AM (GMT+7)

Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng vừa tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về Luật Bình đẳng giới, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, phòng, chống xâm hại tình dục; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống hôn nhân cận huyết.

Nghèo đói, thiếu ăn, thiếu mặc, không có việc làm và tương lai mù mịt phía trước, tất cả những điều này đã trở thành một vòng luẩn quẩn ở các làng, bản, thôn, buôn có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao tại vùng dân tộc thiểu số. Đi về các bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, không khó để bắt gặp hình ảnh các bé gái mới 15,16 tuổi đã trở thành những người vợ, người mẹ. Theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2019, tất cả 53 dân tộc thiểu số đều có tình trạng tảo hôn. Trong đó, vùng trung du - miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có tỷ lệ phụ nữ tảo hôn cao nhất cả nước. Đây là hai vùng tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có phong tục kết hôn sớm, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. Theo thống kê, năm 2014, tỷ lệ người dân tộc thiểu số tảo hôn của Việt Nam là 26,6%. Trong đó, 5 dân tộc có tỷ lệ tảo hôn cao là Mông, Gia Rai, Bana, Thái  và Mạ. Với các dân tộc ít người sống trên mảnh đất Nam Tây Nguyên, tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra tuy có giảm trong thời gian gần đây.

Tại Lâm Đồng, giai đoạn 2015 - 2020, qua điều tra chưa đầy đủ đã có 1.064 trường hợp tảo hôn và khoảng 30 cặp hôn nhân cận huyết thống. Không những thế, nhiều cặp vợ chồng chung sống với nhau và sinh con nhưng không đăng kí kết hôn hoặc  không chịu khai báo thông tin. Nguyên nhân dẫn đến tảo hôn trong cộng đồng, từ phong tục tập quán lạc hậu, do nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, do ý thức pháp luật chưa cao, do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, do thiếu nguồn lao động nên cho con kết hôn sớm, do môi trường sinh sống, do tác động của  mạng xã hội, do sự thiếu quan tâm của gia đình…  Về phía chính quyền cũng chưa thật sự quyết liệt. Mặc dù đã có quy định, chế tài rất rõ nhưng khi xảy ra sự việc, không ít cán bộ chọn cách bỏ qua, phần vì tình làng nghĩa xóm, quan hệ quen biết, phần vì muốn đứa trẻ có cha, vì muốn trẻ em nữ khi trót dại vẫn được chăm sóc và nhìn nhận.

Tại Lâm Đồng hiện nay, công tác giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được thực hiện thường xuyên, đặc biệt với trẻ em gái trong các trường dân tộc nội trú cũng như phụ nữ tại các khu vực có đông người dân tộc thiểu số sinh sống. Đây là một trong chuỗi cố gắng thường xuyên, liên tục của ngành giáo dục nhằm đồng hành cùng học sinh phấn đấu xây dựng gia đình bình đẳng, giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời là một hoạt động nhằm thực hiện Đề án Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2022 - 2027.

word_image_1701351990527_20231130214049

Tại các trường dân tộc nội trú, tuyên truyền về giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được đưa vào sinh hoạt đều đặn trong các tiết sinh hoạt. Nhiều trường đã thành lập câu lạc bộ tiền hôn nhân trong trường học. Các câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt theo chủ đề,  linh hoạt các nội dung, hình thức như: Tuyên truyền miệng, qua loa, qua các cuộc thi tìm hiểu, qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt Đoàn; treo băng rôn, khẩu hiệu… tại những nơi học sinh thường xuyên qua lại.

Thông tin về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được đưa tới học sinh cả nam và nữ với dạng hình ảnh, clip ngắn gọn, dễ tiếp thu, để các em hình thành ý thức phản ứng với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đoàn trường thường xuyên phối hợp với giáo viên, cán bộ y tế trường để bổ trợ kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên; kịp thời tư vấn, hỗ trợ khi có thông tin về tảo hôn. Nhiều trường, phòng giáo dục cấp huyện - thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hội thi tìm hiểu, tuyên truyền phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết dưới hình thức sân khấu hóa.

Đội ngũ giáo viên, cán bộ địa phương cũng thường xuyên thăm hỏi những người uy tín trong cộng đồng như già làng, trưởng thôn… Qua đó, thuyết phục họ về hậu quả, nguyên nhân, cách phòng, chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết; nhằm nâng cao ý thức  pháp luật về vấn đề hôn nhân, gia đình, bình đẳng giới cho người dân và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu… trong các buôn làng.

Thực tế cho thấy, khi công tác giáo dục về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường được làm đều đặn, lâu dài, các em học sinh có nhiều kiến thức hơn, được thực hành nhiều kĩ năng, được trải nghiệm và thể hiện bản thân, được phát huy năng lực, sở trường của mình, được chia sẻ thông tin với bạn bè, với cộng đồng. Quan trọng nhất, các bạn đã tích lũy được kiến thức và kĩ năng để tự bảo vệ mình trước vấn nạn này và tương lai trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong gia đình, dòng họ, bạn bè và buôn làng của mình nhằm ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết.

Nguyễn Phương Liên

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...