Lạng Sơn thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết

Chủ Nhật, 03/09/2023 08:31 AM (GMT+7)

Hiện nay, một số hủ tục lạc hậu của một bộ phận người dân tộc thiểu số (DTTS) ở Lạng Sơn vẫn còn tồn tại, nhất là nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân.

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, nhất là với các gia đình đồng bào DTTS và miền núi. Kết hôn sớm làm mất đi cơ hội học tập, việc làm, giảm chất lượng dân số, sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Trẻ em sinh ra từ những cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền do sự kết hợp của các gen mang bệnh, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến nòi giống, phát triển trí tuệ, chất lượng nguồn nhân lực.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vừa là nguyên nhân và cũng là hậu quả của sự nghèo đói, phát triển thiếu toàn diện. Chính vì vậy, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình; nhân rộng các mô hình điểm can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS.

Chính vì vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN 2021-2030, Giai đoạn 1 (2021- 2025), đã xác định: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN nằm trong Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nằm trong số các dự án thành phần. Mục tiêu nhằm chuyển đổi nhận thức, hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là nhóm các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù; Trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào năm 2025; Giảm bình quân 2-3%/năm số cặp tảo hôn và 3-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao; Đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

bk-1671416166857405219135

Để thực hiện Chương trình, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành các chính sách, kế hoạch, hành động cụ thể, tập trung các mục tiêu chủ yếu về công tác giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; đồng thời thực hiện bình đẳng giới và các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, trong đó có giải quyết nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 13/01/2021 về thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2025”, Quyết định số 635/QĐ-UBND ngày 17/3/2021 phê duyệt mô hình điểm thực hiện “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2025” tại xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình.

Năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức các Hội nghị tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Hội nghị thu hút các đại biểu đến từ 10 huyện trên địa bàn tỉnh với thành phần là các Trưởng thôn, bản, người có uy tín; Trưởng ban công tác Mặt trận, Chi hội phụ nữ thôn, Y tế thôn, bản (mỗi đơn vị huyện 10 đại biểu). Các chuyên đề tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Xây dựng Hương ước, Quy ước; Tiêu chuẩn làng văn hóa, gia đình văn hóa vùng dân tộc thiểu số; Nội dung của Luật Bình đẳng giới; Tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Nội dung của Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Kỹ năng tuyên truyền, cung cấp thông tin, kiến thức về pháp luật trợ giúp pháp lý trong vùng đồng bào DTTS&MN.

Để tiếp tục triển khai Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, giai đoạn 2021 - 2025, Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã chọn xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình để triển khai mô hình điểm. Đây là xã có đông đồng bào Dao sinh sống, trong giai đoạn 2016 - 2020, xã Ái Quốc vẫn còn 6 cặp tảo hôn; 1 cặp kết hôn cận huyết thống. Mục tiêu của mô hình điểm là phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn xã Ái Quốc không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nâng cao nhận thức và kỹ năng về phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho các đoàn viên, thanh niên, học sinh nam, nữ là người DTTS đang trong độ tuổi chuẩn bị kết hôn trên địa bàn xã Ái Quốc thông qua tư vấn và khám sức khỏe; 100% cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, văn hóa - xã hội, người có uy tín trong đồng bào DTTS và cộng tác viên các câu lạc bộ được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS...

Nguyễn Phương Liên

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...