Lãnh đạo Cục Dân số làm việc với Tổ chức Y tế thế giới về lĩnh vực già hóa khỏe mạnh

Thứ Ba, 12/12/2023 05:21 PM (GMT+7)

Ngày 11/12/2023, lãnh đạo Cục Dân số (Bộ Y tế) đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương và đại diện WHO tại Việt Nam về lĩnh vực già hóa khỏe mạnh.

Tiếp và làm việc với đoàn công tác có bà Hoàng Thị Thơm - Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế cùng đại diện các phòng, đơn vị thuộc Cục.

Thay mặt lãnh đạo Cục Dân số, Phó Cục trưởng Hoàng Thị Thơm hoan nghênh đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại Việt Nam, đồng thời gửi lời cảm ơn WHO đã luôn tích cực hợp tác, hỗ trợ Cục Dân số trong thời gian qua, đặc biệt là trong lĩnh vực già hóa dân số và công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Phó Cục trưởng Hoàng Thị Thơm cho biết, quy mô dân số tại Việt Nam hiện nay là hơn 100 triệu người. Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2038, Việt Nam sẽ có dân số rất già với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 20,1% dân số. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số. Đặc biệt, dự thảo Luật Dân số đang được xây dựng sẽ trở thành cơ sở pháp lý cao nhất cho các vấn đề dân số, trong đó có già hóa dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tuy nhiên, tại Việt Nam, già hóa dân số vẫn là vấn đề mới, chưa có nhiều kinh nghiệm thích ứng, nguồn kinh phí đầu tư cũng còn hạn chế. Cục Dân số rất mong nhận được sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật từ WHO trong vấn đề này.

Đại diện đoàn công tác WHO cho biết, khi già hóa dân số, số người cao tuổi trong xã hội tăng lên, nhu cầu của nhóm dân số này sẽ là một vấn đề lớn đối với lĩnh vực sức khỏe chung của mỗi quốc gia. Vì vậy, WHO ngày càng quan tâm đến vấn đề sức khỏe người cao tuổi trong mục tiêu chung là già hóa khỏe mạnh. WHO rất mong muốn là nơi cung cấp các hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên gia, tư vấn chính sách cho các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang mới bắt đầu vào giai đoạn già hóa như Việt Nam.

Tại buổi làm việc, các đại biểu Cục Dân số đã trình bày thực trạng già hóa dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Việt Nam và một số thông tin về dự thảo Luật Dân số. Trên cơ sở những khó khăn còn tồn tại, các đại biểu bày tỏ mong muốn WHO hỗ trợ một số nội dung như hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng khung báo cáo, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí xây dựng, triển khai thí điểm mô hình trung tâm chăm sóc sức khỏe ban ngày; hỗ trợ xây dựng, thực hiện môi trường thân thiện với người cao tuổi; xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo nhân viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở cộng đồng; hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật, kinh nghiệm để hoàn thiện Luật Dân số của Việt Nam.

Lắng nghe những thông tin được chia sẻ, các đại biểu đoàn công tác của WHO đánh giá cao hướng đi của Việt Nam trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và rất sẵn lòng làm việc với Việt Nam để xây dựng và thực hiện có hiệu quả các nội dung liên quan đến già hóa dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và Luật Dân số. Đại diện đoàn công tác cũng giới thiệu một số thông tin về hệ thống chăm sóc tích hợp dựa vào cộng đồng tại Nhật Bản để Việt Nam tham khảo kinh nghiệm trong giai đoạn bước đầu xây dựng chính sách như hiện nay. Đây là hệ thống được thiết lập nhằm đảm bảo toàn diện việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chăm sóc điều dưỡng, phòng ngừa, nhà ở và hỗ trợ sinh kế để người cao tuổi có thể sống phần đời còn lại theo cách riêng của họ trong môi trường quen thuộc, ngay cả khi họ cần được chăm sóc dài hạn.

Kết luận buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Dân số Hoàng Thị Thơm gửi lời cảm ơn đoàn công tác của WHO đã chia sẻ những thông tin vô cùng hữu ích với công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Việt Nam hiện nay. Phó Cục trưởng đánh giá cao hệ thống chăm sóc tích hợp dựa vào cộng đồng tại Nhật Bản và cho biết Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu so với Nhật Bản trong vấn đề thích ứng với già hóa dân số. Trong khi Nhật Bản có một cơ quan chuyên trách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thì tại Việt Nam đây là vấn đề liên ngành, cần có sự phối hợp vào cuộc của rất nhiều cơ quan, đoàn thể. Do đó, Phó Cục trưởng rất mong muốn WHO sẽ tiếp tục là cầu nối, là nơi cung cấp các hỗ trợ cần thiết để Việt Nam tạo nên sức mạnh tổng thể, đạt được các mục tiêu, kỳ vọng đã đề ra trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số.

Lưu Trung Kiên

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...