Loãng xương ở người già – nguyên nhân và biểu hiện

Chủ Nhật, 04/10/2020 08:09 PM (GMT+7)

Hiện tượng loãng xương ở người già đang ngày càng phổ biến và việc phát hiện sớm, ngăn chặn những tác động đến sức khỏe là điều cần thiết.

Loãng xương là biểu hiện của quá trình lão hóa tự nhiên. Tuy nhiên, nếu biết được những biểu hiện, người già có thể làm giảm thiểu tác động của tình trạng này đối sức khỏe, ngăn chặn những tổn hại dẫn đến gãy, rạn, nứt xương. Từ đó, giúp người già sống vui, khỏe hơn

Nguyên nhân gây loãng xương

Loãng xương hay còn gọi là xốp xương, tức là tỷ trọng khoáng chất của bộ xương ở một cơ thể bị suy giảm một cách đáng kể, trong đó hormone sinh dục: estrogen, androgen, các chất protein, vitamin D và canxi đóng vai trò đáng kể.

benh-loang-xuong-o-nguoi-cao-tuoi2

Người ta thấy rằng, chế độ dinh dưỡng hàng ngày không cấp đủ chất canxi hoặc vì một lý do nào đó cơ thể không hấp thụ được canxi như ăn kiêng kéo dài, chế độ ăn nghèo nàn, kém chất lượng.

Đặc biệt ở phụ nữ đến thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh thì lượng hormone estrogen trong máu bị suy giảm một cách đáng kể bởi sự suy thoái của buồng trứng. Vì lý do này mà làm tăng hoạt tính của tế bào tủy xương, làm cho khối lượng xương sẽ mất dần theo năm tháng kể từ khi mãn kinh, mỗi năm mất khoảng từ 2 - 4%.

Ngoài yếu tố về chế độ dinh dưỡng và nội tiết tố còn có nhiều yếu tố thuận lợi làm cho bệnh loãng xương ở người cao tuổi tăng lên nếu như trên cơ thể người đó có tiền sử bị còi xương lúc còn nhỏ, hàng ngày ít vận động, béo phì.

Các biểu hiện chính và hậu quả của bệnh loãng xương

Giảm mật độ xương và loãng xương là một bệnh mạn tính kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, một cách âm thầm, không đau đớn nên nhiều người bệnh không để ý đến. Hầu hết các trường hợp trong giai đoạn đầu không có triệu chứng gì đặc hiệu ngoài những dấu hiệu mệt mỏi, ăn uống kém, nhức xương không thường xuyên. Càng về sau sự thiếu hụt chất canxi càng tăng làm cho xương xuống cấp nghiêm trọng như loãng, xốp xương thì các triệu chứng đau nhức rõ rệt hơn.

benh-loang-xuong-o-nguoi-cao-tuoi

Đau nhức xương hay gặp là đau lưng, đau chân tay, các khớp và mỏi bại hông, đặc biệt là các khớp xương chịu lực mạnh như: xương sống, khớp gối, khớp cổ chân, khớp háng, các xương dài như xương đùi, xương cẳng chân, xương cánh tay, cẳng tay, đốt sống thắt lưng và dễ dàng bị gãy xương do bị ngã, vấp...

Một số biểu hiện khác như chuột rút cũng thường hay xuất hiện ở những người loãng xương. Khi bị bệnh loãng xương không được phát hiện hoặc phát hiện kịp thời nhưng điều trị không đúng phác đồ thì hậu quả xấu nhất là rạn xương, nứt, vỡ hoặc gãy xương.

Cách phát hiện bệnh loãng xương

Người cao tuổi nên đi khám bệnh về xương khớp ở các cơ sở y tế có đủ điều kiện để được làm các xét nghiệm về cận lâm sàng đánh giá mật độ của xương và tình trạng của xương.

Một trong những phương pháp đó là đo mật độ chất khoáng trong xương (bone mineral density) bằng kỹ thuật DXA hay còn gọi là đo mật độ xương, chụp X quang cột sống, xương tay, chân... Ngoài ra, những người kém phát triển chiều cao, cân nặng dưới 40kg, giảm trọng lượng nhanh, cơ bắp yếu, thiếu hormone sinh dục nữ là estrogen và nam là androgen, người nghiện rượu, sử dụng corticoides kéo dài, nghiện thuốc lá... cũng nên kiểm tra mật độ của xương.

Khi người cao tuổi đã được xác định bị bệnh loãng xương thì việc điều trị đòi hỏi phải kiên trì. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh loãng xương là người bệnh không tuân thủ phác đồ điều trị. Các nghiên cứu cho thấy rằng, chỉ cần quên uống một liều thuốc trong vòng một tuần lễ thì hiệu quả điều trị đã giảm xuống đến 64%. Khi uống thuốc nên biết rõ uống thuốc gì, liều lượng bao nhiêu và trong thời gian bao lâu là do thầy thuốc khám, chữa bệnh có chỉ định cụ thể.

Đã bị loãng xương phải hết sức cẩn thận khi làm các động tác mạnh, đi lại cũng phải hết sức cẩn thận tránh ngã, vấp, nhất là lên cầu thang vì rất dễ gây gãy xương đặc biệt là xương đùi. Gãy cổ xương đùi là một cấp cứu ngoại khoa nặng vì rất gây sốc và hậu quả khó lường.

Phòng bệnh loãng xương

Để phát hiện sớm bệnh loãng xương người cao tuổi cần khám sức khỏe định kỳ và theo lịch hẹn của thầy thuốc. Việc phát hiện sớm và điều trị ngay từ đầu rất có ý nghĩa để phòng bệnh loãng xương và phòng chống gãy xương. Khi đã bị gãy xương do loãng xương thì càng hết sức thận trọng không để gãy xương tái phát.

benh-loang-xuong-o-nguoi-cao-tuoi3

Phòng bệnh loãng xương tốt nhất là ăn uống đủ chất, nhất là các loại thức ăn giàu canxi, protein, vitamin D như tôm, cua, ốc, uống sữa và các chế phẩm của sữa có chứa nhiều thành phần canxi, sinh tố D và nên ăn bổ xung hoa quả, rau, giá đỗ…vì khi cơ thể hấp thu có khả năng làm thay đổi sự chuyển hóa của xương, giảm tốc độ mất xương và làm tăng khoáng chất cho xương. Đồng thời, phát hiện và điều trị các bệnh kèm theo. Điều chỉnh và kiểm soát chặt chẽ các thuốc điều trị.

Nếu cần sử dụng lâu dài các thuốc chống co giật như Phenyltoin, Barbiturate..., bổ sung thêm vitamin D vì các thuốc này ảnh hưởng đến chuyển hoá của vitamin D.

Nếu cần sử dụng lâu dài Corticosteroid, bổ sung thêm calci, vitamin D và chất kích thích tạo xương vì Corticosteroid vừa ức chế trực tiếp sự tạo xương, vừa giảm hấp thu vitamin D, vừa tăng thải calci qua nước tiểu.

Ở phụ nữ mãn kinh một mặt tăng cường bổ xung calci, vitamin D; đồng thời, hoạt động thể lực và tập luyện ngoài trời, tham gia công tác và giao tiếp xã hội...vì tốc độ mất xương sẽ cao nhất sau mãn kinh từ 5 đến 7 năm, liệu pháp hormon thay thế rất cần được áp dụng sớm để phòng chống loãng xương sau mãn kinh.

Ngoài ra cần tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn như đi bộ, tập hít thở, tập vận động các khớp xương. Những người đã bị loãng xương không nên làm các động tác mạnh, gấp gáp và tránh ngã, vấp để tránh tổn thương xương.

Nguyễn Thị Thu Hương

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...