Mang thai ở tuổi vị thành niên ngày càng tăng: Hồi chuông đáng báo động!

Thứ Năm, 23/02/2023 09:39 AM (GMT+7)

Theo số liệu thống kê của Vụ sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), tỉ lệ trẻ vị thành niên (VTN) mang thai tăng lên liên tục qua các năm. Vấn đề này không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy hại tới sức khỏe và cuộc sống tương lai của các em mà còn ảnh hưởng tới chất lượng dân số.

Mang thai ở tuổi vị thành niên có xu hướng ngày càng gia tăng

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới, 44 trong số 1.000 trẻ được sinh ra từ các bà mẹ tuổi vị thành niên (VTN) (15-19 tuổi). Ở các nước đang phát triển, ít nhất 10 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn trong 1 năm ở những trẻ nữ VTN độ tuổi 15 đến 19. Các biến chứng trong quá trình mang thai và sinh đẻ là nguyên nhân tử vong hàng đầu đối với các trẻ gái 15-19 tuổi.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), tỷ lệ trẻ vị thành niên mang thai trong tổng số người mang thai tăng lên liên tục qua các năm. Năm 2010 là 2,9%, năm 2011 là 3,1%, năm 2012 là 3,2%. Tương ứng tỷ lệ phá thai ở lứa tuổi này lần lượt là 2,2%, 2,4% và 2,3%.

Theo thống kê của Trung tâm Tư vấn sức sức khỏe sinh sản và Kế hoạch hóa gia đình (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), cứ 2 bà bầu đến bệnh viện thì có một người phá thai. Đặc biệt tình trạng nạo phá thai ở trẻ vị thanh niên đáng báo động. Nhiều em ở độ tuổi 13-18 khi đến bác sĩ khám thì đã có thai lớn trên 12 tuần tuổi, khiến việc xử lý thai gây nguy hiểm cho tính mạng người mẹ.

Mang thai ở tuổi vị thành niên khiến trẻ gặp nhiều nguy cơ

Mang thai ở tuổi VTN ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, nguy cơ tử vong mẹ vẫn còn cao so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Mẹ dễ bị thiếu máu, tiền sản giật, đẻ non, sẩy thai, chuyển dạ đình trệ, bất tương xứng thai khung chậu. Trong lúc sinh dễ đẻ khó, dễ phải can thiệp bằng các thủ thuật và phẫu thuật.

Tỷ lệ tử vong trẻ em sinh ra do các bà mẹ tuổi VTN trong năm đầu cao hơn so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Con của các bà mẹ vị thành niên thường có tỉ lệ nhẹ cân, bệnh tật và tử vong cao gấp nhiều lần so với con của các bà mẹ tuổi trưởng thành.

Về mặt kinh tế - xã hội, khi có thai ở tuổi VTN phải gián đoạn việc học hành, khó khăn về kinh tế và không kiếm được việc làm, dẫn trẻ VTN vào con đường bế tắc. Hạnh phúc gia đình có thể bị rạn nứt, dễ lâm vào cảnh éo le, ảnh hưởng đến tương lai của trẻ VTN. Tỷ lệ ly dị cao, dễ bị phân biệt đối xử. Làm mẹ sớm dễ bị căng thẳng và khủng hoảng tâm lý.

trevithanhnienmangthai.jpg_681651225994

Có thai ở tuổi VTN phải gián đoạn việc học hành, khó khăn về kinh tế và không kiếm được việc làm, dẫn trẻ VTN vào con đường bế tắc.

Bên cạnh đó, do mặc cảm, xấu hổ nên trẻ VTN thường tìm kiếm dịch vụ phá thai không an toàn. Trẻ VTN thường không biết các dấu hiệu để nhận biết thai nghén, nên không tìm đến cơ sở y tế sớm dẫn đến phá thai to. Do cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh, tâm lý lại lo sợ nên thủ thuật phá thai ở VTN thường xảy ra nhiều tai biến hơn ở người trưởng thành. Những ảnh hưởng tâm lý sau phá thai ở tuổi VTN có thể rất nặng nề và kéo dài.

Làm thế nào để hạn chế tình trạng mang thai ở trẻ vị thành niên?

Vị thành niên là giai đoạn thay đổi về thể chất và tâm sinh lý. Vì thế, khi có con trong độ tuổi VTN, cha mẹ nên quan tâm đến con cái nhiều hơn. Các bậc cha mẹ nên dành nhiều thời gian trò chuyện tâm sự với con những định hướng đúng đắn về tình cảm. Cha mẹ và nhà trường nên phối hợp để trang bị cho trẻ những kiến thức về sức khoẻ sinh sản, giáo dục giới tính cho các em, giúp các em có kiến thức và nhận thức đúng đắn, tránh được những sai lầm không đáng có.

PGS.TS Trần Thành Nam - Chuyên gia tâm lý học lâm sàng trẻ em (Chủ nhiệm khoa các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hiện nay lứa tuổi "chín muồi" về mặt sinh học của trẻ đã khác so với trước đây, nhiều trẻ 10 tuổi đã bắt đầu bước vào tuổi dậy thì.

Bên cạnh đó, trẻ có thể dễ dàng tiếp cận những thông tin liên quan đến quan hệ tình dục trên các website "đen". Thậm chí, phim ảnh tại Việt Nam cũng không dán nhãn lứa tuổi, đây cũng là một kênh để trẻ tiếp xúc với những vấn đề quan hệ tình dục sớm.

Vấn đề đặt ra ở đây với các bậc cha mẹ là sự phát triển về thể chất, tâm lý ngày càng sớm của các em đòi hỏi sự định hướng và trang bị đầy đủ kiến thức về sức khoẻ sinh sản và giới tính. Nhưng tâm lý người phương Đông khiến hầu hết người lớn e ngại, không nhìn thẳng vào những vấn đề liên quan đến tình dục. Nhiều cha mẹ vẫn né tránh khi con trẻ hỏi "chuyện người lớn". Nhiều cha mẹ vẫn giữ quan niệm dạy cho trẻ hiểu về tình dục là "vẽ đường cho hươu chạy".

"Chúng ta đang giáo dục giới tính muộn. Nhiều phụ huynh nghĩ rằng con mình còn quá nhỏ, mới 12-13 tuổi thì chưa cần giáo dục giới tính, chưa cần nói đến quan hệ tình dục. Nhưng những con số trong báo cáo trên đã nói lên việc trẻ cần phải được giáo dục giới tính sớm hơn", chuyên gia Thành Nam nhận định.

Do đó, cha mẹ cần phải nhìn nhận thẳng thắn và đúng đắn câu chuyện về giáo dục giới tính, giáo dục sức khoẻ sinh sản cho trẻ. Vấn đề giới tính và sức khoẻ sinh sản là nhu cầu tự nhiên của con người giống như một cái cây hàng ngày vẫn phải phát triển. Vì vậy, cha mẹ không nên cấm đoán các em mà nên thẳng thắn, cởi mở với con. Cha mẹ nên dạy con những biện pháp an toàn tình dục, kỹ năng cụ thể để con có kiến thức hiểu biết từ đó có lựa chọn và có trách nhiệm với chính mình.

Vũ Phương Bảo Khanh

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...