Mất cân bằng giới tính đang có chiều hướng gia tăng đáng báo động ở Việt Nam

Thứ Năm, 01/12/2022 12:05 AM (GMT+7)

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam đang ở ngưỡng rất cao, đứng thứ 3 châu Á chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Báo cáo tổng quan về bình đẳng giới năm 2021 cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam vẫn ở mức rất cao, khoảng 111,5 bé trai trên 100 bé gái. Chênh lệch cao nhất ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Tỷ số giới tính khi sinh thấp hơn ở miền Nam, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng nông thôn khu vực Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, các thống kê cho thấy có sự khác biệt về tỷ số giới tính khi sinh theo tình trạng kinh tế - xã hội của hộ dân cư. Điều đáng kể là kết quả của số liệu trước đây cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh gia tăng ở những nhóm nghèo nhất, nhưng số liệu mới đây lại cho thấy tỷ số giới tính khi sinh cao hơn ở nhóm có trình độ học vấn và tình trạng kinh tế - xã hội cao… Với những gia đình đã có hai con nhưng chưa có con trai, xác suất sinh thêm con lên đến 48% sau 10 năm. Nhưng đối với cha mẹ đã có hai con trai, hoặc đã “đủ nếp đủ tẻ”, tỷ lệ này chỉ chiếm lần lượt là 22% và 23%. Như vậy, cha mẹ không có con trai có tỷ lệ sinh thêm con cao gấp đôi. Nhu cầu sinh con trai đặc biệt cao tại các vùng phía Bắc và trong các nhóm dân số có điều kiện kinh tế và học thức tốt hơn. Dự báo trong tương lai gần số lượng trẻ em gái bị thiếu hụt ở Việt Nam sẽ là khoảng 45,9 nghìn trẻ, tương đương với 6,2% tổng số trẻ em gái được sinh ra.

11798b296e6d8733de7c

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Hà Nội vẫn ở mức cao với 112,7 trẻ trai/100 trẻ gái, trong đó có 5 quận, huyện ở mức rất cao, trên 120 trẻ trai/100 trẻ gái như: Ba Đình, Hà Đông, Quốc Oai, Thanh Oai, Thường Tín.

Những năm qua, ngành dân số Thủ đô đã nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân, tuy nhiên, trên thực tế, nhiều gia đình, nhất là ở vùng ngoại thành vẫn giữ tục lệ, tâm lý mong muốn có con trai để có người “thờ cúng tổ tiên” và chăm sóc bố mẹ khi về già đã khiến việc lựa chọn giới tính thai nhi cũng tăng theo.

Theo các chuyên gia y tế, sự mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ để lại những tác động lâu dài đến cấu trúc dân số của đất nước. Với sự mất cân bằng này sẽ dẫn đến dư thừa nam giới khi trưởng thành.

Dự báo dân số cho thấy tình trạng mất cân bằng về số người trưởng thành sẽ khó có thể cải thiện vào những thập kỷ tới. Nếu tỷ số giới tính khi sinh luôn duy trì ở mức 111, tỷ lệ dư thừa nam thanh niên sẽ tăng đều từ 3,5% vào năm 2019 lên gần 10% vào năm 2059. Ngay cả nếu tỷ số giới tính khi sinh giảm mạnh trong vòng 10 năm tới, tỷ lệ nam thanh niên dư thừa vẫn sẽ tăng trong 30 năm lên đến ngưỡng 8% và chỉ giảm sau năm 2049.

gioi_tinh

Tại Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025, một trong những mục tiêu cụ thể là giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số này đạt khoảng 107 bé trai/100 bé gái sau năm 2025, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên. Do đó cần tiếp tục truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.

Trần Thanh Mai

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...