Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng lan rộng

Thứ Hai, 11/07/2022 02:59 PM (GMT+7)

Tại Việt Nam, hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) đã xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ 21, tuy diễn ra muộn hơn so với một số nước trong khu vực nhưng TSGTKS của Việt Nam luôn ở mức trên 110 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống từ năm 2006 đến nay.

Tỉ số giới tính khi sinh (TSGTKS) chỉ số phản ánh cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra. Ở mức sinh học bình thường, TSGTKS là từ 104 - 107 trẻ em nam/100 trẻ em gái. Tại Việt Nam, hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) đã xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ 21, tuy diễn ra muộn hơn so với một số nước trong khu vực nhưng TSGTKS của Việt Nam luôn ở mức trên 110 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống từ năm 2006 đến nay. Tình trạng MCBGTKS ở Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp, TSGTKS có xu hướng lan rộng: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018, TSGTKS là 114,8 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống, năm 2019 giảm còn 111,5; đến năm 2020 tăng lên mức 112,1.

Theo số liệu của Tổng cục Dân số - KHHGĐ, năm 2020, 5/6 vùng kinh tế - xã hội ở Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề MCBGTKS, chỉ có Tây Nguyên ở mức cân bằng với TSGTKS là 106, còn vùng đồng bằng sông Hồng vẫn là khu vực xảy ra tình trạng MCBGTKS ở mức cao nhất (113,6). MCBGTKS xảy ra ở cả thành thị và nông thôn (năm 2019, TSGTKS ở khu vực thành thị là 110,8 và ở khu vực nông thôn là 111,8). Theo báo cáo cả các tỉnh, thành phố năm 2020, 21/63 tỉnh có TSGTKS từ 112 trở lên, 18/63 tỉnh có TSGTKS từ 109-112 và 24/63 tỉnh có TSGTKS dưới 109.

anh 14

Nguyên nhân của mất cân bằng giới tính khi sinh, một phần là do tâm lý ưa thích con trai, phong tục muốn có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên. Ngoài ra, quan niệm của nhiều người vẫn đánh giá thấp giá trị của nữ giới trong gia đình và xã hội. Đồng thời, càng ngày việc tiếp cận các dịch vụ y tế dễ dàng hơn trong lựa chọn giới tính thai nhi khi mang thai…

MCBGTKS sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tình trạng dư thừa số lượng nam giới so với nữ giới ở độ tuổi trưởng thành việc tìm kiếm bạn đời; việc gia tăng TSGTKS dẫn đến nguy cơ tăng thêm sự bất bình đẳng giới, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tình trạng bạo hành, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ tăng lên.

Nỗ lực đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên

Ngày 23/3/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 468/QĐ-TTg về việc ban hành Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025 với mục tiêu khống chế có hiệu quả tốc độ gia TSGTKS, tiến tới đưa TSGTKS trở lại mức cân bằng tự nhiên với 04 nhóm giải pháp nhằm khống chế có hiệu quả tốc độ gia TSGTKS: Một là, truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát MCBGTKS; hai là, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ; ba là, nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát MCBGTKS; bốn là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Sau 5 năm triển khai Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025, đến nay đã có 62/63 tỉnh, thành phố có Đề án hoặc kế hoạch thực hiện Đề án. Các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án được tổ chức thực hiện tại hơn 669 huyện, thị xã và 9.558 xã, phường, thị trấn. Đến năm 2020, TSGTKS là 112,1 bé trai/100 bé gái sinh ra sống, đạt chỉ tiêu của Đề án giai đoạn 2016-2020 là TSGTKS ở dưới mức 115.

Năm 2021, triển khai Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2025, Bộ Y tế ban hành công văn số 4275/BYT-TCDS ngày 24/5/2021 hướng dẫn các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 3671/QĐ-BYT ngày 28/7/2021 danh sách tỉnh, thành phố thuộc các vùng theo tỷ số giới tính khi sinh sử dụng để xây dựng Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2025. Đến nay, 44/63 tỉnh, thành phố đã ra văn bản triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2021-2025.

Triển khai công tác kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức dưới 109 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2030 theo mục tiêu được xác định tại Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Đề án tiếp tục triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ các nhóm nhiệm vụ và giải pháp, cụ thể như sau:

(1) Truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát MCBGTKS;

(2) Xây dựng, thử nghiệm và thực hiện các chính sách khuyến khích hỗ trợ;

(3) Nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh;

(4) Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế.

Tuy nhiên, Đề án xác định các nhóm giải pháp trọng tâm cần được đẩy mạnh thực hiện tại các tỉnh, thành phố theo nhóm TSGTKS.

Trần Thanh Mai

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...