Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế: Cần tập trung vào y tế cơ sở

Thứ Tư, 05/02/2020 07:00 PM (GMT+7)

Theo các chuyên gia, để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) một cách bền vững, cần tập trung cho y tế cơ sở, đặc biệt là các trạm y tế (TYT).

maichau

Sự khang trang của trạm y tế ở Mai Châu, Sơn La.

Vẫn phụ thuộc nhiều vào ngân sách nhà nước

Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội đã giao chỉ tiêu cho Chính phủ: "Bảo đảm đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT". Đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt 90% dân số, vượt chỉ tiêu đề ra theo Nghị quyết 68.

Tuy nhiên, theo TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, qua giám sát, có một số điểm cần lưu ý về chính sách BHYT. Thứ nhất là số lượng tăng, độ bao phủ tới 90% dân số nhưng vấn đề quan trọng là trong 90% dân số được bao phủ bởi BHYT, số người dân được Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách chiếm tỷ trọng rất cao. Số lượng này chiếm tới hơn 60% số người tham gia tập trung chủ yếu vào hộ nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh, sinh viên. Điều này nghĩa là, ngân sách chi cho BHYT vẫn rất lớn và rõ ràng, quỹ đang phụ thuộc rất nhiều vào ngân sách.

Khu vực bao phủ có tỷ lệ cao tập trung chủ yếu ở vùng trung du, miền núi phía bắc, một số vùng ở đồng bằng sông Cửu Long. Lý do khu vực này tỷ lệ bao phủ cao chủ yếu có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (NSNN). Đặc biệt, các tỉnh nghèo, tỉnh miền núi vùng sâu, vùng xa đã có tỷ lệ bao phủ BHYT trên 90%. Cá biệt, có nơi đến 98%, 99%, bởi vì ở đó chủ yếu là người nghèo, người dân tộc thiểu số, NSNN mua BHYT cho họ thì tỷ lệ bao phủ rất cao. Ví dụ như Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái là các tỉnh gần đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 100%.

Bên cạnh đó, theo ông Lợi, việc phát triển chính sách BHYT và công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng chưa đồng đều giữa các vùng miền. Một số vùng, miền điều kiện kinh tế xã hội khó khăn như miền núi, vùng sâu, vùng xa, thì việc chăm sóc sức khỏe vẫn chưa đạt yêu cầu. Người dân được tham gia BHYT, nhưng dịch vụ y tế cho vùng sâu, vùng xa vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến có sự chênh lệch về hưởng lợi của dịch vụ BHYT đối với người dân ở các vùng miền.

Tập trung đầu tư cho y tế cơ sở

Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, Nghị quyết 68 có một vấn đề được nhấn mạnh, đó là tập trung xã hội hoá, phát triển y tế cơ sở. Y tế cơ sở vô cùng quan trọng, bao gồm TYT xã, phường, thị trấn; trung tâm y tế huyện và bệnh viện đa khoa và y tế tư nhân. Ba trụ cột này tạo thành y tế cơ sở, đóng vai trò quan trọng và quyết định trong việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Nghị quyết 68 cũng đã nêu rất rõ là dành nguồn lực đầu tư, về cả cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực cho y tế xã, phường, thị trấn và đặc biệt đối với miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo...

Ông Phan Văn Toàn - Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 68, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm và có Quyết định số 2348/2016/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã xây dựng chương trình hành động thực hiện đề án. Đồng thời, ban hành hướng dẫn thực hiện mô hình điểm tại 26 TYT xã, phường, thị trấn để nhân rộng trong toàn quốc, làm cơ sở để các địa phương đầu tư để các TYT xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình để bảo đảm y tế ở cấp cơ sở.

Ngoài nguồn hỗ trợ từ Nhà nước, nhiều địa phương đã ưu tiên sử dụng ngân sách địa phương, nguồn xổ số kiến thiết để đầu tư xây dựng, nâng cấp các TYT xã như: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Long An, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Hà Nội… Bên cạnh đó, phần lớn các địa phương đã dành một phần vốn và đưa TYT xã là đối tượng được đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, như vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư. Một số địa phương như Yên Bái, Thái Nguyên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Vĩnh Long đã vận động và được tổ chức phi chính phủ hỗ trợ, đầu tư khoảng 940 TYT xã….

Theo ông Toàn, từ kết quả thực hiện, chất lượng khám chữa bệnh tại TYT xã đang ngày càng được nâng lên. Qua 2 năm đầu tư vừa qua, có thể thấy những tiến bộ, phát triển của y tế cơ sở, nhận được sự hài lòng của người dân tham gia điều trị tại đây. Theo cơ chế hiện nay, tuyến trung ương và tuyến tỉnh hầu như đã tự chủ và Nhà nước không phải đầu tư nhiều. Còn ở cấp cơ sở, nguồn thu BHYT và các nguồn thu khác rất khó để bảo đảm công tác tự chủ, vì vậy, Chính phủ và Bộ Y tế tập trung đầu tư cho y tế cấp cơ sở. Đồng thời, học tập mô hình trên thế giới, kết hợp theo nguyên lý bác sĩ gia đình để chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay tại địa điểm gần nơi cư trú, tiến tới mỗi cá nhân sẽ có một hồ sơ khám sức khỏe riêng ở TYT xã.

Phát triển y tế cơ sở, theo ông Lợi, ở miền núi hiện nay cần duy trì mô hình cô đỡ thôn bản, đây là một mô hình rất tốt. Ngoài ra, bác sĩ gia đình cũng là mô hình tốt trên thế giới. Bên cạnh đó, TYT xã, phường, thị trấn cần phải chữa trị tốt những bệnh không lây nhiễm. Cuối cùng là gói dịch vụ y tế cơ bản. “Chúng ta đã xây dựng gói y tế cơ bản, nhưng mới xây dựng cho tuyến xã. Theo tôi, bây giờ Chính phủ phải xây dựng cho tuyến tỉnh và trung ương để tạo ra sự bình đẳng” - ông Lợi nêu quan điểm.

Theo Thời báo tài chính

Đào Lan Anh

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...