Nâng cao chất lượng dân số - Nâng cao tầm vóc Việt

Thứ Sáu, 07/02/2020 02:50 PM (GMT+7)

Nam thanh niên Việt Nam chỉ cao 164,4cm, còn với nữ là 153,6cm. Chúng ta đang thuộc top “thấp bé nhẹ cân” nhất thế giới? Kỳ vọng nào cho tầm vóc Việt? Những câu hỏi đó đang cần lời giải để nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm một thế hệ khỏe mạnh ngay từ khi chào đời.

chieu-cao-trung-binh-nguoi-viet

Từ 3 tuổi trở lên, khoảng cách chiều cao của trẻ em Việt Nam cách biệt dần với trẻ em thế giới - Ảnh: Linh Trang

Nấc thang đầu tiên đánh giá chất lượng dân số, căn cứ để phát triển tầm vóc Việt, chính là việc bảo đảm một thế hệ khỏe mạnh ngay từ khi chào đời. Để trẻ khỏe mạnh khi chào đời, người mẹ cần có sự chuẩn bị trước khi mang thai thật tốt; trong khi mang thai được khám, tư vấn, chẩn đoán sàng lọc các mặt bệnh.

Tại Việt Nam, tính toán của các nhà khoa học cho thấy hiện nay số trẻ bị dị tật bẩm sinh chiếm từ 1,5-2%, (tương đương khoảng 22.000-30.000 trẻ em).

Coi mục tiêu nâng tầm vóc Việt là nền tảng nâng cao chất lượng dân số (thể chất, trí tuệ, tinh thần), các nhà nghiên cứu, quản lý về dân số, y tế cho rằng để hạn chế tối đa dị tật bẩm sinh từ trong bụng mẹ và các bệnh có thể được phát hiện và điều trị ngay sau sinh, đòi hỏi cần nhiều giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành.

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030, với mục tiêu nâng chiều cao trung bình nam thanh niên 18 tuổi lên 167cm vào năm 2020 (tăng 2,6cm so với năm 2009), với nữ thanh niên mục tiêu tương ứng là 157cm (tăng 3,4cm); đến năm 2030 mục tiêu là nam thanh niên cao trung bình 168,5cm, nữ 157,5cm.

Hiện nay Viện Dinh dưỡng Quốc gia và các đơn vị liên quan đang tiến hành tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc, sẽ được công bố năm 2020. Đây sẽ là câu trả lời khách quan, chính xác cho hiệu quả của đề án trên giai đoạn 1. Riêng ngành Dân số, để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, ngành đã đề ra phương án dự phòng 3 cấp: Cấp 1 là tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân - để thanh niên nam nữ sắp kết hôn nhận biết và phòng tránh các rủi ro liên quan đến sức khỏe sinh sản, hạn chế thấp nhất các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của con cái. Cấp 2 là sàng lọc trước sinh, tức là kiểm tra nhằm phát hiện sớm các tật, bệnh của thai nhi để đưa ra các cảnh báo cũng như biện pháp xử lý kịp thời, thỏa đáng. Cấp 3 là sàng lọc sau sinh, tức là kiểm tra tình trạng tật, bệnh của em bé ngay khi chào đời. Nếu thực hiện đầy đủ 3 cấp dự phòng nói trên, chất lượng dân số đầu đời của Việt Nam sẽ nhanh chóng nâng cao và thực tế cũng đã kiểm chứng phương án dự phòng 3 cấp đã mang lại hiệu quả.

Theo Phú Yên Online

Trần Thu Minh

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...