Nâng cao cơ sở vật chất tại các trạm y tế xã vùng xa xôi, hẻo lánh

Thứ Ba, 03/11/2020 09:27 AM (GMT+7)

Tại nhiều vùng núi, xa xôi của Việt Nam, bà con vẫn phải chịu những thiếu thốn về vật dụng y tế, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.

Tại các vùng xa xôi, hẻo lánh của Việt Nam, nhiều bà con vẫn chưa được chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện. Một phần là do các phương tiện thông tin còn khó tiếp cận, phần nữa do điều kiện cơ sở vật chất chưa được đầy đủ. Chính vì vậy, việc nâng cao điều kiện cơ sở vật chất là vô cùng cần thiết.

Tăng cường nhân lực y tế tuyến xã

Theo số liệu từ niên giám thống kê y tế năm 2015, 100% số xã, phường, thị trấn trong toàn quốc đã có trạm y tế, tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ làm việc chiếm 78,0%; 98,2% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 50,7% xã, phường, thị trấn đạt Chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2001-2010. Như vậy có thể nói hầu hết các Trạm y tế trên toàn quốc đã được bố trí bác sỹ hoặc y sỹ.

nang-cao-chat-luong-co-so-vat-chat-tram-y-te-xa-vung-nui-kho-khan2

Tăng cường danh mục thuốc điều trị cho tuyến xã

Việc cấp phát thuốc điều trị các bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, HIV/AIDS, Lao… tại các Trạm y tế xã cho các trường hợp bệnh ổn định là một trong những chính sách ưu tiên của Bộ Y tế. Chính sách này giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và giảm chi phí đi lại, tăng tính tuân thủ điều trị của người bệnh.

Danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Thông tư số 40/2014/TT-BYT có 374 thuốc sử dụng tại trạm y tế xã, trong đó có 5 thuốc điều trị đái tháo đường, 13 thuốc điều trị tăng huyết áp, 4 thuốc điều trị đau thắt ngực, 5 thuốc chống loạn nhịp, 7 thuốc chữa hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… Theo các chuyên gia, các thuốc này đã đáp ứng được nhu cầu điều trị cơ bản tại trạm y tế xã.

Thực tế, việc cấp thuốc phát thuốc tại các trạm y tế xã theo chỉ định của tuyến trên cho bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, HIV/AIDS, Lao, … đã được các chương trình triển khai thực hiện thời gian qua.

Để nâng cao chất lượng điều trị tại trạm y tế xã, tạo điều kiện cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 30/2018/TT-BYT ngày 30/10/2018 ban hành Danh mục và tỷ lệ điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế đã bổ sung mới 61 thuốc thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, phù hợp với sự phát triển khoa học của công nghiệp dược; bổ sung dạng dùng của 6 thuốc, mở rộng tuyến sử dụng của 69 thuốc, mở rộng điều kiện thanh toán 10 thuốc, tăng tỷ lệ thanh toán 6 thuốc nhằm tạo điều kiện cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế tăng cường tiếp cận thuốc điều trị tại tuyến y tế cơ sở như bệnh viện huyện, trạm y tế xã, phường, giảm bớt thời gian, chi phí đi lại cho người bệnh, đồng thời góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và giảm chi phí tiền túi của người bệnh.

Thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho y tế cơ sở.

Như vậy, bên cạnh việc thực hiện Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26/5/2008 của Bộ Y tế về việc cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ Bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, các cán bộ y tế tuyến trên phải thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn để giúp đỡ tuyến dưới. Bộ Y tế còn triển khai chính sách khuyến khích bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác có thời hạn ở bệnh viện thuộc các vùng miền núi, vùng khó khăn, góp phần nâng cao năng lực của các cơ sở y tế tuyến dưới.

Ngày 24/8/2018, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5168/QĐ-BYT về phê duyệt Đề án: “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh giai đoạn 2018 – 2020” trong đó các nội dung bao gồm lựa chọn một số bệnh viện tuyến Trung ương trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện hạng 1 thuộc Sở Y tế Hà Nội, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh về 26 xã điểm; Xây dựng mô hình mạng lưới trạm y tế xã, phường tiếp nhận cán bộ bệnh viện tuyến Trung ương về khám, chữa bệnh, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật để chẩn hóa phác đồ điều trị.

Chuyển giao công nghệ khám bệnh, chữa bệnh theo phân tuyến và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế xã, phường. Tạo phong trào thực hiện nghĩa vụ luân phiên các bộ từ trung ương, tỉnh, huyện xuống xã.

Phát triển hệ thống phòng khám y học gia đình

Ngày 22/3/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 935/QĐ-BYT phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám Bác sỹ gia đình giai đoạn 2013-2020”. Ngày 22/5/2016, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 16/2016/TT-BYT hướng dẫn thí điểm về bác sỹ gia đình và phòng khám bác sỹ gia đình. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng hướng dẫn các tỉnh, thành phố thí điểm trong hình thành, triển khai hoạt động bác sỹ gia đình trên địa bàn. Số lượng phòng khám bác sỹ gia đình: Theo số liệu thu được từ nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, đến hết tháng 12/2017, đã có 14 tỉnh, thành phố tham gia Đề án, thành lập 340 phòng khám bác sỹ gia đình với nhiều mô hình khác nhau. Trong số 340 phòng khám bác sỹ gia đình đã được thành lập, có 297 phòng khám bác sỹ gia đình công lập và 43 phòng khám bác sỹ gia đình tư nhân, kết quả thu được ban đầu như sau:

Lập hồ sơ quản lý sức khỏe: Trong giai đoạn 2013 – 2017, các phòng khám bác sỹ gia đình đã tổ chức lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho 81.765 người bệnh, trong đó 86,7% người bệnh tại các phòng khám bác sỹ gia đình thuộc khối bệnh viện quận, huyện. Chỉ có 12,8% người bệnh được lập hồ sơ quản lý tại các trạm y tế. Thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh: Theo kết quả điều tra, tính đến hết năm 2017, các phòng khám bác sỹ gia đình tại các tỉnh/thành phố đã thực hiện được 1.166.214 lượt khám bệnh, chữa bệnh; 4.285 lượt khám, chữa bệnh cấp cứu; 13.429 ca thủ thuật; Chuyển tuyến 35.708 ca và khám bệnh tại nhà 6.804 ca.

Triển khai một số Đề án, dự án cho y tế tuyến cơ sở

Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2018 -2020”. Đây là đề án thí điểm áp dụng cho 26 trạm y tế của 8 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người dân của các xã này được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến y tế cơ sở. Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Đề án “Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường giai đoạn 2019 – 2025” (kèm theo Quyết định số 1718 ngày 10/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế), mục tiêu của Đề án là nâng cao chất lượng chuyên môn tại y tế xã, phường tạo tiền đề cho việc tổ chức hệ thống cung ứng dịch vụ y tế theo 3 cấp chuyên môn.

Tổ chức hệ thống trạm y tế xã, phường, thị trấn gắn với y tế học đường và phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Phát triển mạnh hệ thống cấp cứu tại cộng đồng và trước khi vào bệnh viện. Thực hiện khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường. Đảm bảo đến năm 2020: ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; Đến năm 2025: 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; Giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2, vay vốn ngân hàng phát triển châu Á (ADB) trị giá khoảng 70 triệu USD, triển khai trong giai đoạn 2014-2019 với ba hợp phần, gồm tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến xã và năng lực quản lý tại các tuyến, cải thiện chất lượng và tiếp cận dịch vụ y tế tại bệnh viện. Dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2” với mục tiêu hỗ trợ phát triển hệ thống y tế năm tỉnh Tây Nguyên, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.

Đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng thiệt thòi khác. Như vậy, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Khoá XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, Bộ Y tế đã cố gắng đầu tư cho tuyến y tế cơ sở bằng nhiều giải pháp như tăng cường nhân lực y tế tuyến xã; Tăng cường danh mục thuốc điều trị cho tuyến xã; Thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới; Phát triển hệ thống phòng khám y học gia đình; Triển khai một số Đề án, dự án cho y tế tuyến cơ sở và các nguồn lực khác. Với các hình thức đầu tư như trên, có thể nói trong thời gian qua, tuyến y tế cơ sở ngày càng nâng cao được vai trò trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, tỷ lệ khám chữa bệnh được cải thiện đáng kể.

Về việc mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế

Bộ Y tế luôn tập trung vào việc xây dựng chính sách bảo hiểm y tế đặc biệt gói quyền lợi bảo hiểm y tế về thuốc ngày càng đa dạng nhằm đáp ứng ngày càng đầy đủ, chất lượng hơn về nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh, thu hút ngày càng nhiều người tham gia bảo hiểm y tế. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Y tế đã thường xuyên tiến hành rà soát, sửa đổi và bổ sung Danh mục thuốc; Đặc biệt chú trọng việc mở rộng Danh mục thuốc nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trong các năm qua, Danh mục thuốc bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng.

nang-cao-chat-luong-co-so-vat-chat-tram-y-te-xa-vung-nui-kho-khan

Cụ thể, về danh mục thuốc tân dược, so với Thông tư số 40/2014/TT-BYT, Thông tư số 30/2018/TT-BYT ngày 30/10/2018 bổ sung mới 61 thuốc thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, phù hợp với sự phát triển khoa học của công nghiệp dược; Bổ sung dạng dùng của 6 thuốc, mở rộng tuyến sử dụng của 69 thuốc, mở rộng điều kiện thanh toán 10 thuốc, tăng tỷ lệ thanh toán 6 thuốc nhằm tạo điều kiện cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế tăng cường tiếp cận thuốc điều trị tại tuyến y tế cơ sở như bệnh viện huyện, trạm y tế xã, phường, giảm bớt thời gian, chi phí đi lại cho người bệnh, đồng thời góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và giảm chi phí tiền túi của người bệnh. Về danh mục thuốc y học cổ truyền, Thông tư số 05/2015/TT-BYT ban hành danh mục vị thuốc, chế phẩm thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế ban hành ngày 17/11/2015 hiện có 229 chế phẩm (Tăng 102 chế phẩm) và 349 vị thuốc (Tăng 49 vị thuốc) so với Thông tư số 12/2010/TT-BYT ngày 29/4/2010, được áp dụng cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện có khoa y học cổ truyền, kể cả trạm y tế xã có đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định.

Phương Dung

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...