Nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe của các phương pháp phá thai

Thứ Tư, 22/11/2023 04:59 PM (GMT+7)

Phá thai là biện pháp sử dụng thủ thuật hoặc thuốc với mục đích chấm dứt thai kỳ ở giai đoạn sớm của chu kỳ mang thai. Phá thai không phải là biện pháp tránh thai mà là chấm dứt thai kỳ với lý do bắt buộc hoặc do hoàn cảnh sống.

Phá thai có nguy hiểm không? 

“Nạo phá thai có ảnh hưởng gì không” là thắc mắc của nhiều chị em khi tìm hiểu về phá thai. Bác sĩ Khánh Quyên cho biết, nạo phá thai là phương pháp có can thiệp trực tiếp vào buồng tử cung, do đó tồn tại nguy cơ tổn thương cổ tử cung, thủng tử cung, tổn thương tạng trong bụng, băng huyết, nhiễm khuẩn,… Một số trường hợp có thể gây dính buồng tử cung, viêm ứ dịch tai vòi, ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sinh con trong tương lai. 

Tuổi vị thành niên nếu nạo phá thai thì mức độ mắc bệnh và biến chứng sau này còn nặng nề hơn rất nhiều. 

3-nao-pha-thai-16328098064991860924291

Biến chứng của phương pháp phá thai nội khoa

- Đau bụng, chảy máu: Bệnh nhân có thể dùng thuốc giảm đau, nếu đau tăng nhiều thì cần đến cơ sở y tế có chuyên môn. Nếu ra máu ướt đẫm 2 băng vệ sinh dày trong vòng 1 giờ kéo dài 2 giờ liên tiếp thì cần phải đến cơ sở y tế ngay, nếu cần thiết thì phải truyền máu.

- Sốt, buồn nôn và nôn: Có thể dùng thuốc hạ sốt và triệu chứng buồn nôn, nôn có thể dùng thuốc chống nôn, nhưng thường tự hết.

- Tiêu chảy: Có thể dùng thuốc chống tiêu chảy và uống bù nước để tránh mất nước quá nhiều.

- Nhiễm trùng: Nếu nghi ngờ cần tái khám ngay, nếu được xác định là nhiễm trùng thì cần dùng kháng sinh và nhập viện hút buồng tử cung nếu cần.

- Rủi ro trong lần mang thai tiếp theo như: chảy máu âm đạo trong thời kỳ đầu mang thai; sẩy thai, sinh non; trẻ sinh ra bị thiếu cân; viêm nhiễm nặng. 

Biến chứng của phương pháp phá thai ngoại khoa

Thông thường các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng là hiếm xảy ra sau phá thai an toàn, nhưng những biến chứng vẫn có thể xảy ra ngay cả khi thủ thuật được thực hiện một cách đúng đắn và chuyên nghiệp. Do vậy, khi phá thai được thực hiện ở những cơ sở hoặc người thực hiện thủ thuật không an toàn, thì những biến chứng thường gặp hơn nhiều.

Biến chứng do kỹ thuật:

- Viêm nhiễm đường sinh dục: Khi thực hiện thủ thuật, mặc dù các dụng cụ đã được tiệt trùng và thực hiện cẩn thận thì quá trình chảy máu vẫn tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Nhẹ thì gây viêm nội mạc tử cung, nặng thì dẫn đến viêm dính tử cung và dẫn đến vô sinh, thậm chí là tử vong.

- Băng huyết: Các thao tác nạo, hút thai nếu không được thực hiện đúng kỹ thuật có thể làm cho cổ tử cung bị rách thủng, vỡ tử cung. Nếu không được xử trí kịp thời và thích hợp có thể gây choáng mất máu, đe dọa đến tính mạng.

- Sót nhau, thai: Một trong các biến chứng thường gặp là sót nhau hoặc sót một phần thai. Tùy mức độ có thể có các phương pháp xử trí khác nhau như ngậm thuốc, hoặc hút buồng tử cung.

- Phản ứng thuốc mê: Trong các ca nạo, hút thai to, người bệnh sẽ bị gây mê và có nguy cơ bị phản ứng thuốc mê, làm ảnh hưởng đến thần kinh, gây sốc hoặc thậm chí đe dọa tới tính mạng. Viêm nhiễm đường sinh dục có thể xảy ra nếu phá thai không an toàn 

Biến chứng về nội tiết và tâm lý

- Hiện tượng kinh nguyệt không đều.

- Giảm cảm giác trong quan hệ tình dục.

- Suy nhược thần kinh.

- Chóng mặt, mệt mỏi, mất ngủ.

- Tắc ống dẫn trứng, dẫn đến việc thai ngoài dạ con, vô sinh.

Các biến chứng khác

- Dính buồng tử cung, viêm vùng chậu: Khi nạo, hút làm lớp cơ thành tử cung bị tổn thương, 2 vách trước và sau của tử cung dính nhau, làm xuất hiện các triệu chứng đau bụng, bế kinh...Đau do tử cung co lại: Tử cung co lại sau khi nạo, hút thường dẫn tới cảm giác đau bụng.

- Lạc nội mạc tử cung: Khi nạo, hút thai, do sự co bóp của tử cung hoặc áp lực của ống hút khiến máu chảy vào trong bụng sẽ có lẫn một ít nội mạc tử cung và nuôi cấy luôn trong khoang bụng, hình thành nên chứng Lạc nội mạc tử cung. Từ đó dẫn đến đau bụng, vô sinh thứ phát, rối loạn kinh nguyệt và đau khi giao hợp.

Nhiều nguyên nhân khiến thai phụ phải bỏ thai như: sức khỏe sinh sản không tốt, thai nhi dị tật, thai ngoài tử cung, có thai ngoài ý muốn,... nhưng để hạn chế những ảnh hưởng đến sức khỏe, nên thực hiện phương pháp phá thai ở cơ sở y tế chuyên khoa uy tín với trang thiết bị y tế hiện đại, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giỏi. Đồng thời nên thăm khám sức khỏe thường xuyên, lên kế hoạch tốt nếu muốn có thai và lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai thích hợp, hiệu quả nếu chưa muốn có thai.

Trần Thanh Mai

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...