Nguy cơ cao lây truyền virus SARS-CoV-2 từ các bệnh nhân chưa có triệu chứng

Thứ Ba, 19/05/2020 02:33 PM (GMT+7)

Virus SARS-CoV-2 đã được phát hiện trên một số bề mặt trong các phòng khách sạn, nơi hai sinh viên người Trung Quốc đã được cách ly trước khi có chẩn đoán mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Hai sinh viên trên đã về Trung Quốc vào các ngày 19/3 và 30/3. Họ không có một triệu chứng nào khi đó và đã được đưa vào cách ly theo quy định tại một khách sạn trong 14 ngày. Sáng của ngày cách ly thứ hai, các sinh viên trên vẫn không hề có triệu chứng bệnh nhưng đã có xét nghiệm dương tính với virus và đã được nhập viện. Khoảng 3 giờ sau khi có kết quả xét nghiệm trên, các nhà nghiên cứu đã xem xét các phòng khách sạn nơi họ cách ly và phát hiện dấu vết của virus trên núm cửa, công tắc đèn, vòi nước, nhiệt kế, điều khiển TV, vỏ gối, vỏ chăn, khăn trải giường, khăn tắm, núm vặn cửa phòng tắm, bệ ngồi toilet, nút xả bồn cầu. Trong tổng cộng 22 mẫu phẩm đã được thu thập trong hai căn phòng trên, 8 mẫu có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Các nhà nghiên cứu cho biết kết quả trên "chứng tỏ sự lây lan rất lớn trong một thời gian tương đối ngắn của virus SARS-CoV-2 trong môi trường". Họ cũng chú thích thêm rằng một lượng lớn virus đã được phát hiện sau các tiếp xúc thời gian dài trên vỏ gối và vỏ chăn, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các quy trình xử lý phù hợp khi thay hoặc giặt các vật dụng mà bệnh nhân đã sử dụng.Các nhà nghiên cứu kết luận: "Nghiên cứu của chúng tôi chứng tỏ rằng các bệnh nhân chưa có triệu chứng vẫn có nguy cơ lây truyền virus rất cao và có thể dễ dàng tạo ra các môi trường nhiễm virus".

Nghiên cứu trên do các chuyên gia của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) tại Thanh Đảo và tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc phối hợp với Trung tâm nghiên cứu y tế toàn cầu thuộc Đại học Duke Kunshan, và Viện Vi sinh học và dịch tễ học Bắc Kinh tiến hành. Hiện các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang tìm hiểu thời gian virus có thể sống sót trên các bề mặt. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy SARS-CoV-2 có thể sống từ 3 giờ đến 7 ngày, tùy vào loại vật chất.

who

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Johannesburg, Nam Phi ngày 21/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

WHO dự báo trên 200 triệu người ở châu Phi có nguy cơ mắc COVID-19

Theo một nghiên cứu mô hình của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể cướp đi sinh mạng 150.000 người và khiến trên 200 triệu người mắc bệnh ở châu Phi trong vòng 1 năm nếu các nước này không triển khai các biện pháp khẩn cấp.  Nghiên cứu dự báo khoảng 231 triệu người, chiếm 22% dân số 1 tỷ người ở "Lục địa Đen" có thể mắc COVID-19 trong giai đoạn 12 tháng, phần lớn trong số này không có hoặc có rất ít triệu chứng mắc bệnh. Tuy nhiên, ước tính có 4,6 triệu người cần phải nhập viện trong khi 140.000 người mắc COVID-19 nặng và 89.000 bệnh nhân sẽ trong tình trạng nguy kịch. Nghiên cứu cũng cho thấy khoảng 150.000 người (nằm trong khoảng từ 83.000 đến 190.000 người) tử vong do COVID-19. 

Các tác giả của nghiên cứu cảnh báo rằng bất chấp việc nhiều nước châu Phi đã khẩn cấp áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19, hệ thống y tế ở những nước này vẫn có thể nhanh chóng bị quá tải. Nhóm các nhà khoa học trên lưu ý rằng: "Mô hình của chúng tôi chỉ ra quy mô của vấn đề đối với hệ thống y tế trong trường hợp các biện pháp ngăn chặn thất bại".

Nghiên cứu này được công bố trong bối cảnh có những cảnh báo rõ ràng rằng đại dịch COVID-19 đang đặt ra thách thức y tế khẩn cấp ở các nước đang phát triển - nơi có hệ thống y tế yếu kém, song đang phải "vật lộn" với một loạt bệnh mãn tính khác.

Theo các nhà nghiên cứu, các nước châu Phi sẽ phải tập trung nguồn lực vốn dành cho các vấn đề y tế khác như HIV/AIDS, bệnh lao, tiêu chảy, suy dinh dưỡng để giải quyết tình trạng bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện gia tăng, làm trầm trọng thêm tác động của dịch COVID-19 đối với các nước này.

Các nhà nghiên cứu cho rằng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có thể tồn tại ở châu Phi lâu hơn so với các khu vực khác, có thể kéo dài tới vài năm.Tình trạng lây nhiễm dự báo gia tăng nhiều nhất ở những quốc gia nhỏ trong khu vực, với Mauritius được cho là nước có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Trong số các nước lớn của châu lục, Nam Phi, Cameroon và Algeria nằm trong tốp 10 nước có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Các nhà nghiên cứu đưa ra dự báo trên dựa trên sau khi xem xét "nhân tố tập trung" của từng nước như quy mô gia đình, mức độ tập trung dân số, khả năng nới lỏng đi lại, các quy định vệ sinh, yếu tố thời tiết...

Nghiên cứu kêu gọi các nước trong khu vực nhanh chóng nâng công suất hoạt động của hệ thống y tế, nhất là ở những bệnh viện chủ chốt. 

Nghiên cứu trên được đăng trên Tạp chí Y tế Toàn cầu BMJ số ra ngày 15/5.

Vũ Ngọc Chương

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...