Nhà gái thách cưới, đàn ông Trung Quốc rơi vào nợ nần

Chủ Nhật, 13/09/2020 08:09 AM (GMT+7)

Miễn con trai lấy được vợ, nhiều gia đình ở nông thôn Trung Quốc sẵn sàng vay số tiền lớn, vượt quá khả năng chi trả. Hậu quả, họ lâm vào cảnh nghèo túng sau đó.

thach-cuoi

Một bộ hoa tai. Một bộ dây chuyền vàng. Một căn nhà. Một chiếc ôtô

Nhà trai ở tỉnh Quảng Đông cũng phải chấp nhận trả cho nhà gái 10.000 tờ 5 NDT, 1.000 tờ 100 NDT và 1 tờ 50 NDT, tổng số tiền 150.050 NDT (tương đương 21.500 USD).

Tiền thách cưới là một phần trong truyền thống hôn nhân tại Trung Quốc. Sính lễ được coi là quan trọng, thể hiện vị thế của cả hai bên gia đình và có thể được liệt kê một cách rất cụ thể.

Khoản tiền thách cưới đang ngày càng trở nên đắt đỏ, đặc biệt tại khu vực nông thôn, khi tỷ lệ chênh lệch giới cao khiến hàng triệu đàn ông không thể lấy được vợ. Ảnh: China Today.Thậm chí, sính lễ ở nông thôn thường gấp hàng chục lần thu nhập của người đàn ông đi hỏi vợ. Gia đình cô gái không chỉ yêu cầu tiền mặt mà còn đòi hỏi trang sức, nhà, xe và nhiều lễ vật khác.

Cũng từ đấy, tục lệ thách cưới khiến nhiều gia đình Trung Quốc lâm vào cảnh nghèo túng, nợ nần kéo dài.

Cha mẹ không muốn mất mặt

Truyền thống thách cưới với số tiền "trên trời" lâu nay đã bị phản đối tại Trung Quốc, song tại các tỉnh như Cam Túc, Sơn Đông, Hà Nam, Hồ Nam... người dân vẫn làm theo lệ cũ. 10 năm trước, số tiền nhà trai phải đưa cho nhà gái chỉ khoảng vài chục nghìn NDT. Con số này hiện dao động từ 100.000-300.000 NDT.

Thứ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc Hàn Tuấn từng lên án hành vi thách cưới với giá cắt cổ. Ông cảnh báo rằng ở nhiều nơi, các gia đình nông dân đang lao vào cuộc cạnh tranh quyết liệt để giành lấy cô dâu.

Những món quà cưới đắt đỏ và số tiền phải trả cho lễ lạt là chi phí lớn nhất mà người dân ở khu vực hẻo lánh phải đối mặt, chỉ sau tiền sinh hoạt.

Sính lễ ở Trung Quốc thường cao gấp nhiều lần thu nhập của chú rể. Ảnh: CGTN.Bà Huang Qin (46 tuổi) cho biết chi phí trung bình cho một đám cưới ở quê nhà vùng Hải Nam của bà hiện đã lên tới 300.000 NDT (43.000 USD).

Số tiền này sẽ được dùng để xây dựng một căn nhà cho cặp vợ chồng, mua xe hơi, trang sức và váy cưới cho cô dâu cùng với một "món quà ra mắt" cho bố mẹ vợ.

"Nó đắt đến nỗi nhiều người phải mượn tiền từ họ hàng, thậm chí là vay tín dụng đen để có đủ tiền. Phụ huynh sẽ làm mọi cách để có được số tiền vì dân làng sẽ đánh giá và họ không thể để bị mất mặt", bà Huang chia sẻ.

Có 2 người con, một trai một gái, bà Huang một bên bắt đầu tiết kiệm tiền lập gia đình cho cậu con trai 16 tuổi ngay từ bây giờ. Bên còn lại, bà chứng kiến hàng chục người cố gắng giới thiệu những người đàn ông độc thân từ làng của họ với con gái mình.

Tranh giành cô dâuTheo He Yafu, nhà nhân khẩu học tại tỉnh Quảng Đông, nguyên nhân cốt lõi của vấn đề này xuất phát từ việc mất cân bằng giới tính. Hậu quả của chính sách một con từng tồn lại lâu năm khiến đàn ông khó tìm được vợ.

Chuyên gia này cho biết chênh lệch giới tính ở khu vực nông thôn tệ hơn thành phố, vì người nông dân thường thích sinh con trai. Con trai có nghĩa vụ phải chăm sóc cha mẹ già.

Để con trai lấy được vợ, các gia đình dù gia cảnh nghèo khó sẵn sàng vay nợ.Mặt khác, nhiều cô gái nông thôn muốn lấy chồng ở những vùng phát triển hơn để thay đổi cuộc đời.

"Có ít phụ nữ hơn nghĩa là một cô gái có thể kết hôn, dù điều kiện gia đình như thế nào. Nhưng đối với con trai, nếu điều kiện kinh tế của gia đình không tốt, anh ta có thể sẽ không kết hôn", ông He nói.

Những người đàn ông không lấy được vợ thường được gọi là "quang côn", có nghĩa là cành cây trơ trụi, không hoa lá, mang hàm ý chê bai việc không thể làm rộng thêm cây gia phả.

Cố gắng xóa bỏ chuyện thách cưới quá cao

Không chỉ đám cưới, đám tang với nhiều nghi lễ tốn kém, không cần thiết từng khiến nhiều người dân ở khu vực Liangshan Yi, tỉnh Tứ Xuyên rơi vào cảnh nghèo đói. Các thế hệ ở đây sẵn sàng ôm món nợ suốt cuộc đời chỉ để vay tiền tổ chức ma chay hiếu hỷ.

"Đáp ứng chuyện thách cưới của gia đình cô dâu với những món đồ đắt đỏ hay chi một khoản tiền lớn để tổ chức tang lễ cho người già đã là phong tục lạc hậu và thói quen xấu trong nhiều năm", Peng Qinghua, Chánh văn phòng tỉnh Tứ Xuyên, phát biểu trong cuộc họp về xóa đói giảm nghèo hôm 9/9.

Trung bình, để chuẩn bị tiệc đãi khách, một gia đình ở nông thôn Trung Quốc sẽ giết thịt vài con bò, thậm chí có những đám lên đến gần 100 con. Một con bò trung bình có giá tầm 10.000 NDT (gần 1.500 USD).

Để ngăn chặn sự lãng phí, chính quyền đã ra quy định mới vào năm 2015, trong đó cấm tặng quà đính hôn có giá trị cao quá mức cho nhà gái và cấm giết mổ thịt bò vào đám ma.

Nhằm thúc đẩy chuyện tiết kiệm, chính quyền tặng các thiết bị điện như máy giặt làm phần quà khen thưởng cho những dân làng không phung phí tiền của vào các dịp như vậy.

Một ngôi làng ở trong Liangshan Yi từng ngập tràn mảnh vụn pháo hoa và xương bò vương vãi. Theo truyền thống, dân làng sẽ đốt rất nhiều pháo hoa trước khi chiêu đãi người thân và bạn bè những món ăn làm từ thịt bò mới xẻ.

“Ngôi làng có hơn 1.700 người và giờ dân làng không còn lo chuyện nợ nần vì đám ma, đám cưới nữa. Chi phí cho những dịp như vậy giảm xuống còn 20.000 NDT. Làng chúng tôi cũng sạch sẽ hơn nhiều khi không còn xương bò, xác pháo hoa nằm rải rác khắp đường”, Jilu Nuguye, một cư dân tại làng, kể về sự thay đổi.

Tuy nhiên, theo giới nghiên cứu, việc thay đổi tục lệ cưới hỏi, đặc biệt ở vùng nông thôn, nơi truyền thống đã ăn sâu bám rễ, sẽ là thách thức lớn. Nguyên nhân nằm ở chỗ các món quà cưới thường được tặng dần, không phải cùng một lúc nên chuyện ngăn chặn triệt để khiến nhiều người nghi hoặc.

Ngô Thị Hồng Duyên

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...