Những lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh

Thứ Năm, 03/11/2022 12:06 PM (GMT+7)

Sau khi cất tiếng khóc chào đời, trẻ sơ sinh sẽ thoát khỏi sự bao bọc trong cơ thể người mẹ và phải tự thích nghi với môi trường bên ngoài. Lúc này, chăm sóc trẻtốt sẽ giúp trẻ có khởi đầu khỏe mạnh, nền tảng cho sự phát triển thể chất và tinh thần, giảm bệnh tật và tử vong trẻ sơ sinh.

Những chăm sóc chính trong suốt thời kỳ sơ sinh bao gồm giữ ấm cho trẻ. Cho trẻ luôn được nằm cạnh mẹ; Bú mẹ hoàn toàn và bú theo nhu cầu của trẻ; Chăm sóc rốn, da, mắt; Tiêm phòng lao; Theo dõi phát hiện những bất thường và dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ:

Cho trẻ bú càng sớm càng tốt

Thời kì sơ sinh của trẻ được tính từ khi trẻ bắt đầu sinh ra đến 28 ngày sau sinh. Chăm sóc trẻ sơ sinh tốt sẽ giúp trẻ có khởi đầu khỏe mạnh, làm nền tảng cho sự phát triển thể chất và tinh thần, giảm bệnh tật và tử vong trẻ sơ sinh. Đặt trẻ da kề da với mẹ ngay sau sinh ít nhất 90 phút và cho trẻ bú mẹ sớm trong 1 giờ đầu sau sinh.Trẻ cần được theo dõi tại cơ sở y tế ít nhất 24 giờ đầu sau sinh.

Sau bữa bú đầu tiên, trẻ cần được chăm sóc đặc biệt cẩn thận, bao gồm giữ ấm cho trẻ sơ sinh;cân trọng lượng lúc sinh, đo vòng đầu; tiêm phòng viêm gan B; tiêm vitamin K1 phòng xuất huyết não, màng não; theo dõi màu da, nhịp thở, tình trạng đái, ỉa, tình trạng rốn; phát hiện các dấu hiệu bất thường khác…

chăm sóc trẻ ss 2

Đưa ngay trẻ sơ sinh đến cơ sở y tế khi thấy có dấu hiệu nguy hiểm để được cứu chữa kịp thời.

Đừng vì sợ dịch bệnh mà chậm đưa trẻ đến cơ sở y tế vì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Không tự ý dùng bất cứ loại thuốc nào cho trẻ sơ sinh khi không có hướng dẫn của cán bộ y tế. Người chồng và các thành viên trong gia đình cần hỗ trợ bà mẹ theo dõi và chăm sóc trẻ sơ sinh.

Nếu thấy trẻ có 1 trong các dấu hiệu: không bú, thở khó hay không thở, tím tái, chảy máu ở rốn cần báo ngay cho cán bộ y tế. Kiểm tra tã lót để theo dõi phân su, nước tiểu của trẻ. Nếu sau 1 ngày thấy trẻ vẫn không ỉa hay không đái thì cần báo ngay cho cán bộ y tế. Trẻ cần được theo dõi tại cơ sở y tế ít nhất 24 giờ đầu sau sinh.

Khi sinh tại nhà, nếu thấy trẻ có một trong các dấu hiệu nguy hiểm thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời. Trên đường đưa trẻ đến cơ sở y tế cần ủ ấm cho trẻ, tốt nhất là đặt trẻ tiếp xúc da-kề-da với mẹ (hoặc người nhà – nếu mẹ không thể đi cùng) trên đường vận chuyển.

Trẻ được cán bộ y tế chăm sóc, cân và đo, chăm sóc rốn, mắt; tiêm vitamin K1, tiêm phòng viêm gan B. Theo dõi xem trẻ thở có bình thường không? Da có hồng không? Có chảy máu rốn không? Bàn chân có bị lạnh không? Có bỏ bú không? Có đi đái, đi ỉa không?

Không để trẻ bị lạnh hoặc tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời.

Trong ngày đầu tiên khi trẻ mới sinh ra, trẻ còn yếu ớt. Số trẻ tử vong trong ngày đầu là cao nhất. Vì vậy, gia đình và cán bộ y tế cần chăm sóc trẻ mới sinh ngày đầu đặc biệt cẩn thận. Việc chăm sóc trẻ ngày đầu bao gồm: Giữ ấm, cho trẻ bú mẹ, được cán bộ y tế chăm sóc và theo dõi trẻ tại cơ sở y tế.

Ủ ấm cho trẻ bằng cách lau khô toàn thân ngay sau khi lọt lòng mẹ, sau đó cho trẻ nằm trên ngực mẹ, tiếp xúc da – kề - da với mẹ trong vòng 90 phút đầu sau sinh. Sau khi tiếp xúc da - kề - da,cần mặc ấm cho trẻ, đặt trẻ nằm cạnh mẹ cả ngày và đêm. Mẹ và trẻ nằm trong phòng ấm đủ ánh sáng, tránh gió lùa. Cho trẻ bú mẹ ngay trong vòng 1 giờ đầu sau sinh và chỉ cho bú mẹ, không cho bất cứ thức ăn, nước uống nào khác.

Những lưu ý không được làm với trẻ sơ sinh:

Không để quạt thổi trực tiếp vào trẻ; Không tắm hoặc lau rửa cho trẻ trước 24 giờ đầu sau sinh. Không dùng nước lạnh để tắm hoặc lau rửa cho trẻ. Nếu trời rét, trẻ bị lạnh, trẻ nhẹ cân, trẻ không khỏe thì không cần phải tắm hàng ngày.

Không sưởi bằng than, không nằm gần bếp vì sẽ có hại cho sức khỏe của mẹ và con. Có thể sưởi ấm bằng túi chườm hoặc lò sưởi điện. Không cho trẻ ra ngoài trời nếu thời tiết lạnh dưới 20 độ C. Đặc biệt là không cho trẻ sơ sinh lên nương rẫy. Việc đưa trẻ lên nương rẫy theo mẹ rất nguy hiểm bởi lúc này thể trạng trẻ còn yếu, rất dễ bị tác động bởi môi trường bên ngoài.

chăm sóc trẻ ss 3

Có thể tắm cho trẻ từ ngày thứ 2 sau sinh bằng nước ấm. Không nhất thiết phải tắm hàng ngày, đặc biệt khi thời tiết lạnh. Khi tắm, trẻ có nguy cơ bị mất nhiệt nên phải tắm trong phòng kín gió, nên có lò sưởi điện về mùa lạnh. Cần chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng như áo, mũ, tã, khăn, tất (vớ), xà phòng dùng cho trẻ sơ sinh, chậu sạch, nước ấm (35-37 độ C).

Khi tắm cần gội đầu cho trẻ trước, lau khô tóc, sau đó tắm phần thân của trẻ. Cho phần thân trẻ ngập trong chậu nước ấmđể đảm bảo trẻ không bị nhiễm lạnh trong khi tắm, một tay giữ đầu trẻ bên trên mặt nước, tay còn lại kỳ cọ nhẹ nhàng trên da trẻ. Dùng khăn mềm khi tắm, không chà xát mạnh gây xây xát da trẻ. Lau khô, mặc ấm cho trẻ ngay sau tắm. Thời gian tắm không nên kéo dài quá 10 phút.

Chăm sóc rốn

Bình thường rốn rụng tự nhiên sau sinh 5 đến 10 ngày. Rốn là nơi dễ nhiễm khuẩn, là đường xâm nhập của vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn gây bệnh uốn ván sơ sinh (là một bệnh nặng, tỷ lệ tử vong rất cao). Vì vậy, cần chăm sóc rốn cho tốt để không bị nhiễm khuẩn.

Nếu đẻ tại nhà, phải cắt rốn bằng dụng cụ sạch và vô khuẩn. Sử dụng dụng cụ trong gói đỡ đẻ sạch để cắt rốn và kẹp cuống rốn. Tuyệt đối không cắt rốn bằng các dụng cụ chưa được tiệt khuẩn như dao, kéo, liềm, dao lam, cật nứa... Để rốn hở, không băng kín. Không bôi hoặc đắp bất cứ thứ gì lên rốn.

Giữ cho rốn khô, sạch. Đóng khố (tã thấm) hoặc bỉm (tã giấy) ở phía dưới rốn, quấn tã sạch bên ngoài. Không để nước tiểu hay phân dính vào cuống rốn. Nếu bị dính thì phải rửa bằng nước muối sinh lý hoặc nước đun sôi để nguội rồi thấm khô. Không sờ vào cuống rốn và vùng quanh rốn. Rốn rụng rồi vẫn cần giữ chân rốn khô cho tới khi liền sẹo.

Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khi thấy một trong các dấu hiệu sau ở rốn: Chảy máu rốn; Sưng đỏ vùng xung quanh rốn; Rốn có mùi hôi, chảy nước vàng; Rốn có mủ; Chân rốn, cuống rốn phình to hoặc có u, cục nổi; Quá 10 ngày mà rốn chưa rụng.

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...