Nình Bình nỗ lực khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Thứ Năm, 13/07/2023 04:09 PM (GMT+7)

Theo số liệu báo cáo dân số hàng năm, tỷ số giới tính khi sinh năm 2022 của tỉnh Ninh Bình là 116,2 bé trai/100 bé gái. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn đang ở mức khá cao so với ngưỡng tự nhiên và không ổn định.

Sự mất cân bằng giới tính khi sinh có thể làm gia tăng các nguy cơ, tệ nạn xã hội như: phá thai để lựa chọn giới tính mong muốn; bạo lực gia đình khi không đạt được mong muốn có con trai; nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS; thiếu hụt nguồn lao động ở một số ngành nghề đặc thù cần nữ giới… 

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt phụ nữ ở tất cả các nhóm tuổi trong tương lai. Điều này sẽ tác động tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân, nam giới trẻ tuổi sẽ bị dư thừa so với nữ giới do tỷ lệ nữ giới đang giảm dần trong cùng một thế hệ và kết quả là họ có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời. Trì hoãn hôn nhân trong nam giới hoặc gia tăng tỷ lệ sống độc thân là những khả năng có thể xảy ra trong tương lai do tình trạng thiếu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn. 

Do nhu cầu phải đẻ cho được con trai dẫn tới sự chênh lệch lớn về phân bố dân cư giữa các vùng, khiến có nơi thiếu lao động, có nơi lại thừa lao động. Tình trạng thiếu nữ giới để kết hôn sẽ dẫn đến xu hướng nam giới kết hôn muộn hoặc không kết hôn, đặc biệt đối với những trường hợp không có điều kiện về kinh tế, trình độ học vấn thấp. Cùng với đó, tỷ lệ người già không nơi nương tựa cần sự quan tâm chăm sóc của cộng đồng trong tương lai cũng sẽ tăng lên. Nguy cơ về vấn nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em gái gia tăng… 

Những năm gần đây, tỉnh Ninh Bình đã triển khai Chiến lược Dân số đến năm 2030 và các chương trình, kế hoạch, đề án về dân số đến năm 2030 để thực hiện Chiến lược dân số, trong đó tập trung vào các hoạt động nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc SKSS, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân… và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chất lượng dân số ngày càng được cải thiện, năm 2022 tuổi thọ bình quân đạt 74,3 tuổi; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt trên 80% và sàng lọc trước sinh đạt gần 80%... Đối với vấn đề kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách kịp thời, hiệu quả. 

tung-buoc-khac-phuc-tinh-trang-mat-can-bang-gioi-tinh-khi-51dba

Cán bộ dân số phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) rà soát những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản trên địa bàn.

Tại Hội nghị lần thứ 6, khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/ TW về Công tác Dân số trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ: "Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng" và đặt mục tiêu "đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên", "Đến năm 2030, tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống". Nghị quyết được cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thông qua Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. 

Đối với tỉnh Ninh Bình, tại Kế hoạch số 197/ KH-UBND ngày 03/12/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai Đề án "Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021- 2025", đã đề ra mục tiêu kiểm soát tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh: Kiểm soát tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh hằng năm để đưa tỷ số này về mức dưới 111 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2025, dần đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên (107 trẻ trai/100 trẻ gái) vào năm 2030. 

Để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên tại tỉnh Ninh Bình, Chi cục đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo công tác Dân số các cấp trong việc tham mưu, đề xuất các giải pháp cụ thể phù hợp với từng ngành, lĩnh vực trong phối hợp tuyên truyền nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tăng cường sự tham gia của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc triển khai nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Lồng ghép, tích hợp nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh vào các hoạt động hàng năm của các cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin kịp thời nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp, sự ủng hộ và tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc phòng ngừa và giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. 

Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về mất cân bằng giới tính khi sinh. Xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Xây dựng cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin giữa các cơ quan có chức năng điều tra, thanh tra, kiểm tra có liên quan. Thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, buôn bán và lưu hành các tài liệu phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi, các cơ sở dịch vụ y tế liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi. Đồng thời xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, thông báo công khai, rộng rãi các đơn vị, cá nhân vi phạm và kết quả xử lý... 

Trần Thanh Mai

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...