Phụ nữ TPHCM sinh ít con: Có phải nhiều người trẻ thích làm đẹp hơn làm mẹ?

Thứ Bảy, 13/06/2020 03:01 PM (GMT+7)

Phụ nữ thời nay biết sống cho bản thân mình nhiều hơn và có trách nhiệm với mỗi quyết định của mình, trong đó có quyết định kết hôn và sinh con.

phu-nu-luoi-sinh-con

  Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Chánh Trung - Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình TPHCM để hiểu thêm về những nguyên nhân phụ nữ TPHCM "ngại sinh" và những giải pháp từ cơ quan quản lý để thay đổi tình trạng này. 

TPHCM là địa phương có mức sinh thấp nhất nước, với 1,35 con/bà mẹ độ tuổi sinh sản. Do đâu mà mức sinh con của phụ nữ TPHCM lại thấp đến như vậy? 

- Một số nguyên nhân dẫn đến mức sinh thấp như: Do áp lực của cuộc sống và công việc làm nhiều người có xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con và không muốn sinh con. Bên cạnh đó, tình trạng phá thai, tỷ lệ vô sinh có xu hướng gia tăng cũng là những yếu tố tác động đến việc sinh con.

Nhiều lý do như thế nhưng tựu trung lại, những nguyên nhân tác động nêu trên đều xuất phát từ quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa đã, đang và sẽ diễn ra với tốc độ nhanh tại TPHCM.

Áp lực kinh tế, cuộc sống đè nặng nhiều người trẻ hay vì họ thích tận hưởng cuộc sống độc thân, thích làm đẹp hơn làm mẹ nên ngại kết hôn và sinh con, thưa ông?

- Phụ nữ trẻ, nhất là phụ nữ sống ở đô thị lớn biết sống cho bản thân mình nhiều hơn và có trách nhiệm với mỗi quyết định của mình, trong đó có quyết định kết hôn và sinh con.

Hiện nay chưa có nghiên cứu nào kết luận được đâu là nguyên nhân chính dẫn đến việc phụ nữ sinh ít con. Nhưng từ thực tế cho thấy, áp lực cuộc sống, công việc, kinh tế cũng là gánh nặng khiến phụ nữ "ngại" sinh.

Việc nuôi dạy, chăm sóc con cái hiện nay đòi hỏi rất nhiều chi phí như: ăn uống, học hành, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, … cộng với chi phí nhà ở, sinh hoạt tăng cao, khó tìm việc làm do đốc độ đô thị hoá khiến nhiều gia đình quyết định không sinh nhiều con.

Tỉ lệ vô sinh, hiếm muộn ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung còn cao. Vậy, nên có những chính sách gì hỗ trợ những cặp vợ chồng hiếm muộn và tăng cường giáo dục sức khoẻ sinh sản, vô sinh cho trẻ vị thành niên?

- Việt Nam là một trong các quốc gia tỷ lệ vô sinh cao (khoảng 7,7%), trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%. 

Từ thực trạng này, phải đẩy mạnh xây dựng và triển khai các loại hình phòng, tránh vô sinh từ tuổi vị thành niên tại cộng đồng; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, phát triển mạng lưới hỗ trợ sinh sản. Ngoài ra, cần thí điểm mô hình xã hội hóa dịch vụ dự phòng, sàng lọc vô sinh, ung thư đường sinh sản tại cộng đồng cho nhóm dân số trẻ đáp ứng nhu cầu và khả năng chi trả của người dân.

Việc phụ nữ TPHCM sinh ít con ảnh hưởng thế nào đến chính sách dân số và phát triển Kinh tế - Xã hội về lâu về dài, thưa ông? 

- Việc già hóa Dân số diễn ra rất nhanh, tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như: Lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội, chế độ chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí, …

Đồng thời, sự suy giảm lao động trẻ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Chi phí cho chính sách khuyến khích sinh sẽ gây áp lực lớn cho nguồn ngân sách trong tương lai.

Để khuyến khích người dân sinh con, sắp tới TPHCM mà cụ thể mà Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình đề xuất những giải pháp gì và thực hiện những đề xuất ra sao? 

- Để giải quyết tình trạng mức sinh thấp tại thành phố hiện nay ngành Y tế - Dân số thành phố đang tham mưu trình UBND thành phố Dự thảo Kế hoạch hành động thực hiện “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” tại TPHCM. 

Tiếp đến, chúng tôi cũng sẽ tham mưu để UBND TPHCM có buổi họp lắng nghe ý kiến của các sở, ban ngành, đoàn thể nhằm đưa ra các giải pháp khuyến sinh mang tính đặc thù của thành phố chúng ta. Song song đó, chúng tôi vẫn tăng cường công tác truyền thông để vận động từng người dân thực hiện “Mỗi gia đình sinh đủ hai con” nhằm duy trì mức sinh hợp lý. 

Xin cảm ơn ông!

Vũ Ngọc Chương

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...