Phú Yên triển khai nhiều giải pháp thực hiện tốt công tác dân số trong tình hình mới

Thứ Hai, 10/02/2020 08:49 AM (GMT+7)

Năm 2020, ngành DS-KHHGĐ Phú Yên sẽ triển khai nhiều giải pháp, chủ động duy trì vững chắc mức sinh thay thế, hạn chế tốc độ tăng tỉ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

phu yen cong tac dan so 2020

Khám sàng lọc trẻ để hạn chế dị tật bẩm sinh, nâng cao chất lượng dân số.

Nhiều kết quả khích lệ

Bác sĩ Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Phú Yên cho biết: Thời gian qua, chi cục đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho các nhóm đối tượng liên quan về các nội dung của công tác dân số (CTDS) trong tình hình mới.

Trong đó tập trung tuyên truyền về các nội dung: tham gia sàng lọc trước sinh/sàng lọc sơ sinh (SLTS/SLSS); giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục, KHHGĐ, bạo lực gia đình, bạo lực học đường; hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; khám sức khỏe trước khi kết hôn; thực hiện KHHGĐ, chăm sóc SKSS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục; hệ lụy của việc tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; các bệnh thường gặp ở NCT…

Các đơn vị y tế đã SLSS miễn phí 1.420 mẫu, đạt 100% kế hoạch năm; thực hiện khám, SLTS bằng siêu âm chẩn đoán cho các bà mẹ mang thai từ 11 tuần đến thai lớn cho 7.183 người, đạt hơn 213% kế hoạch năm. Kết quả sau SLTS bằng siêu âm chẩn đoán cho thấy tất cả thai nhi đều bình thường, chưa phát hiện trường hợp nào có các yếu tố nguy cơ cao... Toàn tỉnh đã khám sức khỏe định kỳ cho 11.826/116.252 NCT; tiếp tục duy trì 40 CLB cha mẹ và VTN/TN về chăm sóc SKSS cho VTN/TN tại 38 xã trên toàn tỉnh.

Chị Ngô Thị Hồng Nguyên (xã Hòa An, huyện Phú Hòa), chia sẻ: “Thời gian qua, được các cán bộ DS-KHHGĐ của huyện, xã thường xuyên tuyên truyền, tư vấn về sinh đẻ có kế hoạch, tôi nhận thức được việc sinh đủ 2 con để nuôi dạy cho tốt”.

Còn chị Trần Ngọc Như Thảo (thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân) nói: “Đồng Xuân là một trong những địa phương triển khai đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Chúng tôi rất chú trọng đến vấn đề này và thường xuyên tư vấn SKSS cho con em mình”.

Theo ông Lê Văn Bi, Trưởng Phòng Truyền thông (Chi cục DS-KHHGĐ), nhìn chung người dân hiện nay đã dần nhận thức được những lợi ích khi thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ. Kết quả là trong thời gian qua tỉnh đã đạt được mức sinh thay thế. Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã dần chấp nhận quy mô gia đình từ 1-2 con. Các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội đã quan tâm đến việc giáo dục giới tính sớm cho VTN/TN.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã tự nguyện tham gia các đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Xã hội đã dần thấy được hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, sự già hóa dân số và các thách thức trong chăm sóc sức khỏe NCT...

Mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con

Cũng theo ông Lê Văn Bi, năm 2020, ngành DS-KHHGĐ sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng đẩy mạnh truyền thông về Nghị quyết 21-NQ/TW để cán bộ và nhân dân hiểu rõ nội dung chính sách dân số trong giai đoạn mới. Trong đó, chương trình KHHGĐ sẽ tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt; cung cấp đầy đủ, kịp thời các phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ an toàn, hiệu quả, thuận tiện với chất lượng ngày càng tốt.

Còn bác sĩ Lê Văn Cư, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Đồng Xuân, cho hay: Hưởng ứng kế hoạch hoạt động của ngành DS-KHHGĐ tỉnh, năm 2020, Đồng Xuân phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, giảm tối đa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống với đối tượng là VTN/TN người đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện tốt chính sách dân số trong tình hình mới.

“Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh sẽ phối hợp các địa phương tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân tại cộng đồng, phối hợp các trường THCS, THPT tổ chức tư vấn, tuyên truyền về chăm sóc SKSS cho VTN/TN; tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ tại các xã thuộc vùng khó khăn, vùng biển, đảo và ven biển, vùng có mức sinh cao, địa bàn trọng điểm. Hỗ trợ tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển phương tiện tránh thai miễn phí, mua thuốc thiết yếu. Đồng thời duy trì hoạt động các CLB cha mẹ và VTN/TN, chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống...”, bác sĩ Vũ Ngọc Dững cho biết thêm.

Năm 2020, ngành DS-KHHGĐ phấn đấu mức giảm tỉ lệ sinh: 0,2‰; mức giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên: 0,2%; tỉ số giới tính khi sinh ở mức <112 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái sinh ra còn sống; tỉ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 55% trẻ sinh ra (trong đó, trẻ sơ sinh được sàng lọc theo chỉ tiêu miễn phí Trung ương cấp mẫu đạt 100%); tăng thêm tỉ lệ NCT được khám sức khỏe định kỳ...

Bác sĩ Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng DS-KHHGĐ tỉnh Phú Yên.

Kim Chi/ Báo Phú Yên

Trần Thanh Tùng

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...