Quan tâm hơn đến đào tạo cho đội ngũ cộng tác viên dân số

Thứ Năm, 31/10/2019 09:45 AM (GMT+7)

Người đứng đầu ngành dân số cho hay đối với lực lượng cộng tác viên dân số, cần phát huy tinh thần tình nguyện tại cộng đồng. Hệ thống cộng tác viên dân số cũng cần được tập huấn, cung cấp các kiến thức trên tinh thần Nghị quyết 21.

dan-so-lam-dong

Cán bộ Trạm Y tế xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng khám bệnh cho bà con dân tộc thiểu số. Ảnh: N.N

 Ngày 29/10, đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Sở Y tế Lâm Đồng về nội dung giám sát triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020.Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho thấy, nhiều năm qua không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Dự án phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (lao, phong, sốt rét, sốt xuất huyết) và các bệnh không lây nhiễm phổ biến (tăng huyết áp, ung thư, tâm thần, đái tháo đường…) được thực hiện đồng bộ, đầy đủ.

Trong đó, Lâm Đồng triển khai các hoạt động phòng, chống tăng huyết áp. Tổ chức khám sàng lọc tăng huyết áp cho nhóm 25 - 60 tuổi, hiện đang quản lý, điều trị cho 26.500 bệnh nhân tăng huyết áp theo phác đồ của Bộ Y tế.

Thông qua việc khám sàng lọc điều tra đái tháo đường tại 14 xã trên địa bàn tỉnh cho 3.000 người, đã phát hiện 103 người đái tháo đường và 920 người tiền đái tháo đường.

Tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên này cũng duy trì 100% số xã đã được triển khai bệnh tâm thần phân liệt lồng ghép vào mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến xã (uống thuốc hằng ngày); tổ chức khám phát hiện và đưa vào quản lý tại cộng đồng 100% số bệnh nhân tâm thần; tính đến tháng 9/2019, 4.000 bệnh nhân tâm thần được quản lý và điều trị (đạt 94%)…

Về dự án Dân số và phát triển, báo cáo cho thấy hoạt động dân số - kế hoạch hóa gia đình cơ bản đạt được các chỉ tiêu theo kế hoạch. Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên xấp xỉ 10-12%; tỷ số giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2020 là 110,0 trẻ nam/100 trẻ nữ…

Hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản được triển khai thường xuyên, liên tục; tổng số phụ nữ đẻ được quản lý thai; Hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em được triển khai có hiệu quả…

Rất nhiều khó khăn

Đại diện Sở Y tế Lâm Đồng cũng báo cáo với đoàn công tác những hạn chế trong triển khai Chương trình mục tiêu Y tế - dân số từ năm 2016-2019. Trong đó, một số bệnh dịch lưu hành tại địa phương diễn biến không ổn định: sốt xuất huyết, sốt rét…, đặc biệt tại một bộ phận người dân khai thác lâm khoáng sản.

Cùng đó, trong khi tỷ lệ phát hiện sớm bệnh lý tăng huyết áp khoảng 40- 50% thì tỷ lệ quản lý lại thấp, chỉ khoảng 20-30%. Ngoài ra, tỷ lệ tiêm chủng của tỉnh này đạt trên 95%, nhưng theo đại diện Sở Y tế Lâm Đồng, hiện có hiện tượng người dân chưa tin tưởng vào tiêm chủng miễn phí (do có sự chuyển đổi vaccine 5 trong 1), số lượng người dân đi tiêm vaccine dịch vụ tăng lên. Sở Y tế tỉnh này đã gửi văn bản yêu cầu các đơn vị tiêm vaccine dịch vụ báo cáo đầy đủ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm vaccine để tổng hợp, hoàn thiện báo cáo chính xác.

Lâm Đồng hiện chưa đạt chỉ tiêu sàng lọc bà mẹ trước sinh và sàng lọc sơ sinh. Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh chưa thực hiện được xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) do chưa có trang thiết bị điện di hemoglobin; chưa thực hiện được xét nghiệm chẩn đoán bệnh ưa chảy máu (Hemophilia) nên chưa quản lý được người bệnh này.

Thiếu nhân lực và kinh phí được nhiều đại diện của các đơn vị chuyên môn thuộc Sở Y tế Lâm Đồng chia sẻ tại cuộc làm việc.

Đơn cử, ông Đinh Đức Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Lâm Đồng cho hay, hiện các Trung tâm Dân số - KHHGĐ tuyến huyện, thành phố, thị xã đã sáp nhập về Trung tâm Y tế huyện tuy nhiên chưa có hướng dẫn chức năng nhiệm vụ hoạt động, chưa thành lập Phòng Dân số như đại đa số các tỉnh, thành khác đã thực hiện.

"Sáp nhập rồi, công tác giao ban chuyên môn, cập nhật số liệu thống kê chuyên ngành rất khó" – ông Thọ nói.

Về định mức biên chế, lãnh đạo Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh này cho hay đang thiếu trầm trọng ở cấp Chi cục (chưa đủ 15 người như định mức biên chế), không đủ nhân lực để đảm bảo khối lượng công việc nhiều.

BS Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng cho hay, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 4.000 bệnh nhân tâm thần được quản lý (94%), tuy nhiên ngân sách Trung ương chỉ cấp 480 triệu đồng.

"Tính ra một bệnh nhân tâm thần chỉ được xấp xỉ 300 đồng/ngày. Mức chi này không thể đảm bảo, chỉ mua thuốc điều trị triệu chứng cho bệnh nhân, không thể đảm bảo việc nâng cao chất lượng điều trị cho các đối tượng này" – BS Minh nói.

Hay với bệnh nhân lao, dù mỗi năm tỉnh này có thêm hơn 10 bệnh nhân lao kháng thuốc nhưng vì bệnh viện tỉnh không điều trị được nên phải gửi về TP HCM điều trị. Tuy nhiên, vì không có xe chuyên chở loại bệnh lây nhiễm nguy hiểm này, cũng như không có kinh phí để cho bệnh nhân di chuyển được kiểm soát nên bệnh nhân phải đi xe công cộng.

"Tôi gọi đây là những "quả bom nổ chậm" bởi mức độ lây lan dù chỉ 10 bệnh nhân/năm thôi cũng nguy hiểm cho cộng đồng" – BS Minh chia sẻ.

Quan tâm hơn đến đào tạo cho đội ngũ cộng tác viên dân số 

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ Nguyễn Doãn Tú đánh giá cao sự vào cuộc của tỉnh Lâm Đồng và nỗ lực của ngành y tế, dân số tỉnh trong việc thực hiện 8 dự án trong Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số.

Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú đề nghị thư ký đoàn công tác của Bộ Y tế tổng hợp ý kiến của Lâm Đồng, kiến nghị với Bộ Y tế về việc có hướng dẫn thống nhất chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Y tế đa chức năng, trong đó có Phòng Dân số. Trước khi Bộ Nội vụ có hướng dẫn cụ thể, Chi cục Dân số cần tiếp tục giữ nguyên và kiện toàn bộ máy tổ chức theo hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ.

Người đứng đầu ngành dân số cũng cho hay đối với lực lượng cộng tác viên dân số, cần phát huy tinh thần tình nguyện tại cộng đồng. Hệ thống cộng tác viên dân số cũng cần được tập huấn, cung cấp các kiến thức trên tinh thần Nghị quyết 21. 

Cũng bởi đây là lực lượng sát người dân nhất, cộng tác viên dân số cũng cần được đào tạo liên tục về các nội dung nâng cao chất lượng dân số, tư vấn tiền hôn nhân, tuyên truyền vận động người dân không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống để gìn giữ chất lượng giống nòi, đặc biệt là với các dân tộc có dân số dưới 10.000 người; các nội dung về già hoá dân số (tỷ lệ người trên 60 tuổi ở Lâm Đồng hiện ở mức gần 11%), mất cân bằng giới tính khi sinh...

"Còn rất nhiều công việc phải làm, bởi dân số hiện nay bao gồm rất nhiều lĩnh vực, không chỉ tập trung vào giảm sinh như trước kia nữa" - ông Nguyễn Doãn Tú khẳng định. 

Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú cũng chia sẻ với các đại biểu tại buổi làm việc về các mô hình chăm sóc người cao tuổi ở nước ngoài mà Việt Nam, Lâm Đồng có thể nghiên cứu học tập để thích ứng với già hoá dân số, sự gia tăng các bệnh lý mãn tính không lây nhiễm...

Duyen

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...