Quảng Bình: Thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Tư, 29/11/2023 03:45 PM (GMT+7)

Tỉnh Quảng Bình đã triển khai tích cực dự án về bình đẳng giới và đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong suy nghĩ, hành động của người dân vùng sâu, vùng xa nhằm hướng tới những giá trị tốt đẹp hơn.

Tại Quảng Bình, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức thực hiện điểm Dự án 8 với hoạt động đầu tiên là thành lập tổ truyền thông cộng đồng ở ba thôn, bản tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh.

Tại xã biên giới này, Hội Liên Hiệp phụ nữ xã đã thành lập các tổ truyền thông cộng đồng, câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, “Địa chỉ tin cậy” với nhà tạm lánh cộng đồng, các hoạt động có sự tham gia của cán bộ địa phương, thôn, bản, thầy cô giáo, học sinh và đồng bào. Các tổ truyền thông cộng đồng, câu lạc bộ triển khai nhiều hoạt động phong phú, phù hợp thực tiễn và thu hút được đông đảo đồng bào tham gia, như: truyền thông thay đổi khuôn mẫu giới trong gia đình; hướng dẫn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình; phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết; khơi dậy ước mơ được học tập của trẻ em Bru-Vân Kiều.

photo-1-16272237793912101135678

Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trường Sơn cho biết, các mô hình đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân tại địa bàn. Đặc biệt, thông qua hoạt động của các tổ truyền thông cộng đồng, bà con dân tộc Bru-Vân Kiều đã được tiếp cận nhiều hơn với những kiến thức, như: Luật Bình đẳng giới; khuôn mẫu giới trong việc nhà; phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...

Sau khi thành lập các địa chỉ tin cậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tích cực truyền thông, giới thiệu cho người dân nói chung, phụ nữ nói riêng nắm vững thông tin, kỹ năng cần thiết nhằm giúp đỡ kịp thời những nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Đến nay, toàn tỉnh Quảng Bình đã thành lập 32 tổ truyền thông cộng đồng, 6 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi và 19 địa chỉ tin cậy. Hội Liên hiệp phụ nữ chú trọng công tác truyền về Dự án 8 trên các nhóm zalo, fanpage và trang thông tin điện tử của Hội để cập nhật, chia sẻ thông tin đến cán bộ, hội viên trên địa bàn.

Qua kết quả thực hiện bước đầu có thể thấy, Dự án 8 nhằm thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi với nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích và mang lại quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em các vùng, địa bàn còn nhiều khó khăn.

Có thể nói, đây là dự án mới nên việc triển khai dự án đối với các cấp Hội Phụ nữ, nhất là ở cơ sở còn nhiều khó khăn do còn thiếu và yếu về kiến thức, kỹ năng. Mặt khác, công tác thành lập các tổ truyền thông tại các thôn, bản chỉ mới bước đầu, việc duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động gặp khó do không có nguồn kinh phí. Chính vì vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình đề nghị cần tăng cường công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội cấp xã và cốt cán các thôn, bản ở địa bàn thực hiện dự án; kịp thời hướng dẫn để thực hiện các nội dung trong Dự án 8 như: hỗ trợ sinh kế, tổ vay vốn tiết kiệm phụ nữ thôn, bản hay nội dung hỗ trợ bà mẹ sinh đẻ an toàn. Việc tổ chức các mô hình cần đi đôi với quan tâm hỗ trợ kinh phí hợp lý để duy trì hoạt động qua từng năm và suốt cả giai đoạn.

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...