Sẽ rất lãng phí nếu không phát huy hết vai trò của người cao tuổi

Thứ Tư, 02/09/2020 01:07 PM (GMT+7)

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, chúng ta phải chuyển hướng trọng tâm từ việc đơn thuần giúp tiếp cận với tuổi già sang giúp tiếp cận với một tuổi già vui vẻ, hạnh phúc và tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của xã hội và đất nước.

nguoi-cao-tuoi

Hiện nay, nhiều người cho rằng, người cao tuổi chỉ là những người quanh quẩn ở nhà trông cháu hoặc chỉ biết đọc sách, đọc báo qua ngày. Tuy nhiên, điều này không đúng. Người cao tuổi có thể tham gia vào các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, nhất là những người cao tuổi có trí tuệ nếu họ được tạo điều kiện công bằng như những người khác.

Theo các chuyên gia, thực tế hiện nay cho thấy, nhiều công ty, doanh nghiệp hoặc các khu công nghiệp thường bỏ rất nhiều tiền để mời chuyên gia nước ngoài về làm cố vấn, trong khi, nguồn lực trí tuệ của người cao tuổi Việt Nam lại không được tận dụng. Đây là một điều rất đáng tiếc.

Nếu không phát huy hết vai trò của người cao tuổi sẽ là sự lãng phí rất lớn cho sự phát triển bền vững kinh tế xã hội. Ảnh minh họa

Minh chứng về điều này, GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội cho biết, nước ta hiện nay có khoảng 11,5 triệu người cao tuổi (chiếm khoảng 12% dân số), nếu một lựcn lượng lớn như thế này chỉ có nghỉ ngơi và sống hưởng thụ thì cũng là một vấn đề lớn của nền kinh tế.

Hơn nữa, trong số người cao tuổi có gần 7 triệu người nằm trong nhóm tuổi 60-69. Nhiều người còn sức khỏe và có trình độ nghề nghiệp khá cao (5,3% trong nhóm này có trình độ trung cấp nghề, mức chung của cả nước là chỉ có 4%, trình độ đại học là 7,6%).

"Nhiều người cao tuổi có kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, sản xuất phòng chống thiên tai, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, nếu không phát huy những giá trị này thì sẽ là sự lãng phí rất lớn cho sự phát triển bền vững kinh tế xã hội", GS Nguyễn Đình Cử cho biết. 

Mặt khác, tỷ lệ người cao tuổi có lương hưu hoặc trợ cấp xã hội còn rất thấp. Vì vậy nhiều người cũng muốn làm việc nâng cao thu nhập, rèn luyện sức khỏe và để thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Để phát huy vai trò của NCT, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến việc chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò của người cao tuổi. Điều này đã được thể hiện rõ trong Luật người cao tuổi được Quốc hội ban hành năm 2009.

Điều đó đã mang lại nhiều ý nghĩa tích cực, giúp các cấp ủy Đảng, chính quyền, các nhà quản lý và hoạch định chính sách nhận thức được vai trò quan trọng của việc phát huy sức mạnh của người cao tuổi. Từ đó, đưa ra các chính sách, giải pháp để thực hiện việc chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi.

Bên cạnh đó, góp phần giải quyết đồng bộ các chính sách tăng trưởng, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện thu nhập cho người cao tuổi. Việc thúc đẩy người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế, đặc biệt những người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao là góp phần nâng cao đời sống và duy trì hoạt động của người cao tuổi.

Đặc biệt với các ngành mà đào tạo thông qua thực hành là chủ yếu thì việc người cao tuổi truyền đạt kinh nghiệm, kỹ năng cho thế hệ trẻ sẽ tiết kiệm được một nguồn lực lớn cho đào tạo.

 Theo GS Nguyễn Đình Cử, hiện nay, đối với các Tiến sĩ, Phó Giáo sư, Giáo sư, Nhà nước đã có chính sách kéo dài thời hạn làm việc của họ đến 65 - 67 hoặc 70 tuổi. Nhà nước cũng cho phép các nhà khoa học thành lập các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu (thuộc Liên hiệp Khoa học Việt Nam). Tuy nhiên, cần đa dạng hóa hơn nữa các chính sách, các cơ chế để tạo điều kiện cho những người tri thức là người cao tuổi tiếp tục được làm việc và cống hiến.

Do đó, để người cao tuổi có cơ hội đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội, theo các chuyên gia, cần phải tạo điều kiện cho các cơ hội việc làm, tuổi nghỉ hưu linh hoạt và bình đẳng giữa nam - nữ và phát triển kỹ năng cho người cao tuổi như một phương tiện để đảm bảo thu nhập và lợi ích cho tuổi già.

Theo bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, già hóa là một tất yếu của sự phát triển. Chúng ta phải chuyển hướng trọng tâm từ việc đơn thuần giúp tiếp cận với tuổi già sang giúp tiếp cận với một tuổi già vui vẻ và hạnh phúc và tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của xã hội và đất nước.

"Chúng ta đang tiến tới một tương lai tươi đẹp hơn mà chúng ta hằng mong ước, "không bỏ ai lại phía sau" sẽ mang lại cơ hội để người cao tuổi đóng góp cho xã hội. Chúng ta hãy tăng cường những quyền con người này và đảm bảo có sự tham gia đầy đủ của người cao tuổi để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn cho mọi lứa tuổi", Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh.

Thanh Tùng

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...