Sơn La nỗ lực ngăn chặn tảo hôn trong vùng dân tộc thiểu số

Thứ Bảy, 09/09/2023 06:11 PM (GMT+7)

Tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn tỉnh Sơn La những năm gần đây có giảm, nhưng vẫn còn cao. Để hạn chế tình trạng này, nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên trong việc kết hôn đã được triển khai, tuy nhiên vẫn chưa mang lại nhiều kết quả tích cực.

Theo quy định pháp luật, nam phải từ đủ 20 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi mới đủ điều kiện kết hôn. Thế nhưng, trên địa bàn tỉnh Sơn La, nhất là các xã vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tình trạng kết hôn sớm (tảo hôn) vẫn tồn tại, nhiều nơi có xu hướng gia tăng, để lại những hệ lụy buồn. Tình trạng tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số diễn ra khá phổ biến, nhất là các em trong độ tuổi từ 14 đến 16. Cá biệt, có những trường hợp các em đã lấy chồng từ khi mới chỉ 13 tuổi.

Thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Sơn La, tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn tỉnh những năm gần đây có giảm, nhưng vẫn còn cao. Năm 2022, toàn tỉnh có gần 700 trường hợp tảo hôn, chiếm 10,5% số cặp vợ chồng. Riêng trong Quý I/2023, toàn tỉnh có 335 cặp tảo hôn, chủ yếu vùng đồng bào dân tộc Mông, Thái. Các huyện có nhiều trường hợp tảo hôn gồm: Phù Yên 70 trường hợp; Bắc Yên 67 trường hợp; Mường La 48 trường hợp. Đây là vấn đề xã hội khá nan giải bởi những tập quán lạc hậu của một số cộng đồng vùng dân tộc thiểu số không thể giải quyết trong “một sớm, một chiều”.

757115206PMcan-bo-dan-so-tuyen-truyen-ve-nan-tao-hon-hon-nha

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn như: Một số nơi quan niệm, hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào nhận thức của người dân, bà con cho rằng, cho con kết hôn sớm để gia đình có thêm người lao động. Ngoài ra, trình độ dân trí, hiểu biết về pháp luật và những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của đồng bào còn hạn chế. Cùng với đó, việc can thiệp, ngăn chặn của chính quyền địa phương đối với tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa triệt để, thiếu quyết liệt. Toàn tỉnh Sơn La có trên 83% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, do trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức về pháp luật còn hạn chế nên tình trạng tảo hôn ở vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn diễn ra với nhiều hệ lụy đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Để ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng này, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La đã triển khai thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025” theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện đề án, các địa phương đã vào cuộc triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Trong đó, nhiều huyện, thành phố tập trung vào truyền thông trong đối tượng là các em học sinh Trung học Phổ thông, Trung học Cơ sở để các em sớm nhận biết tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ngoài ra, các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ ở thôn bản cũng sẽ là cầu nối, cánh tay đắc lực để góp phần hạn chế tình trạng tảo hôn.

Vũ Phương Dung

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...