Sơn La thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dân số

Thứ Năm, 30/03/2023 11:16 AM (GMT+7)

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), công tác dân số trên địa bàn tỉnh ta đã có sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến thay đổi hành vi dân số.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 75-KH/TU ngày 23/11/2017; Kế hoạch số 79-KH/TU ngày 17/12/2017 chỉ đạo thực hiện. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai nội dung Nghị quyết số 21-NQ/TW và các kết luận của Tỉnh ủy về công tác dân số.

Đặc biệt, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết  số 03/2021/NQ-HĐND ngày 11/8/2021, quy định số lượng, mức chi bồi dưỡng đối với cộng tác viên dân số thôn, xóm, tổ, bản, tiểu khu trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 42/2022/NQ-HĐND ngày 31/8/2022 quy định một số chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách dân số - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh... UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác dân số, như Kế hoạch thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 và thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn II (2021-2025).

chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Ảnh: Báo Sơn La.

chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Ảnh: Báo Sơn La.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã đưa công tác dân số vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương. Chú trọng truyền thông giáo dục  nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi dân số cho nhân dân. Đa dạng các hình thức tuyên truyền, như: Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền trực tiếp; lồng ghép trong các cuộc sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, của các bản, tiểu khu, tổ dân phố; tư vấn trực tiếp của cán bộ chuyên trách dân số xã, phường, thị trấn và cộng tác viên dân số các tổ, bản, tiểu khu; truyền thông kỹ thuật số trên internet và mạng xã hội với các nội dung tuyên truyền về Luật Hôn nhân gia đình, Pháp lệnh Dân số, Luật bình đẳng giới, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác dân số và phát triển.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Những năm qua, ngành Y tế tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương, các ngành duy trì hoạt động nền nếp của mô hình can thiệp giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống tại 9 xã, 1.042 bản đặc biệt khó khăn và 11 điểm trường phổ thông dân tộc nội trú. Hàng năm, các mô hình đã tổ chức hàng nghìn buổi sinh hoạt nhóm, nói chuyện chuyên đề, với sự tham gia của người cao tuổi, người có uy tín, trưởng bản, trưởng dòng họ, vị thành niên, thanh niên... 

Cùng với đó, hàng năm, ngành Y tế đã tổ chức các đợt chiến dịch tuyên truyền vận động lồng ghép với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ tại 90-100 xã khó khăn, xã có mức sinh cao thuộc 11 huyện trong tỉnh. Tại mỗi chiến dịch, hàng nghìn người trong độ tuổi sinh đẻ được tuyên truyền về dân số - KHHGĐ; được hướng dẫn lựa chọn các biện pháp tránh thai phù hợp và được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Tỉnh còn chỉ đạo thành lập các đoàn liên ngành thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác dân số - KHHGĐ tại các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn. Với các nội dung chủ yếu việc thực hiện quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh. Công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện công tác dân số - KHHGĐ. Chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản -  KHHGĐ. Kiểm tra các cửa hàng sách, nhà sách tư nhân để phát hiện, ngăn chặn, hủy bỏ các xuất bản phẩm có nội dung phổ biến phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi. Kiểm tra việc thi hành các chính sách khuyến khích và xử lý vi phạm trong công tác dân số - KHHGĐ...

Thông qua sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tỉnh Sơn La, chất lượng dân số tỉnh từng bước được cải thiện. Tuổi thọ bình quân tăng từ 70,7 tuổi năm 2017 lên 71 tuổi năm 2022. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 1,4% giảm còn 1,23%. Không còn trường hợp kết hôn cận huyết thống. Tỷ lệ tảo hôn giảm còn 10,8%. Tỷ lệ phụ nữ mang thai sàng lọc trước sinh là 22,9%, tăng 12,9% so với năm 2017; tỷ số giới tính khi sinh là 118 bé trai/100 bé gái.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp trong toàn tỉnh tăng cường lãnh đạo công tác dân số, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, từng dân tộc. Chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung KHHGĐ sang giải quyết toàn diện về quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số gắn với phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ số giới tính khi sinh giảm còn 113,4 bé trai/100 bé gái; tỷ lệ tảo hôn giảm còn 17%; không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống; tuổi thọ bình quân đạt 72,7 tuổi; chỉ số phát triển con người (HDI) bằng mức trung bình chung của cả nước.

Vũ Phương Bảo Khanh

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...