Sử dụng thuốc “tăng cường trí nhớ” tràn lan: Thương con như thế bằng mười hại con

Thứ Bảy, 06/04/2019 11:01 AM (GMT+7)

Theo các bác sỹ chuyên khoa tâm thần, bất cứ thuốc nào, thuốc bổ não hay các loại thuốc bổ khác đều có khả năng gây tai biến cho người sử dụng nếu dùng không đúng cách, đúng liều.

 

thuoc-tang-cuong-tri-nho

Có thuốc “tăng cường trí nhớ”?

Để cải thiện tình hình học tập, nhiều học sinh và phụ huynh đã tìm đến các chất kích thích như cà phê, trà xanh hay các loại thuốc được cho là tăng cường trí nhớ, bổ não. Tuy nhiên, theo các chuyên gia điều này dễ dẫn đến lợi bất cập hại. Cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ là dấu hiệu tự nhiên của cơ thể đòi hỏi được nghỉ ngơi, vì vậy việc dùng chất kích thích giúp tỉnh táo tức thời nhưng lại làm rối loạn nhịp sinh học của cơ thể, khiến cơ thể càng mệt mỏi hơn. Thậm chí, nếu tình trạng kéo dài này khiến não bộ mệt mỏi nên “từ chối” dung nạp kiến thức.

Ngoài các loại thực phẩm bổ dưỡng, nhiều phụ huynh còn tìm đến các loại thuốc được cho là “bổ não”. Tuy nhiên, cho đến nay, trên thế giới vẫn chưa có loại thuốc nào cho tác dụng thần kỳ như vậy. Trước đây, Cervotonic (thực chất kết hợp acid glutamic và vitamin B1), gần đây là Glutaminol, Glutaminol-B6, Pho-L… được cho là “bổ não” nhưng thực ra, thuốc chỉ có tác dụng trong điều trị chứng suy nhược chức năng chứ không thể tạo ra trí thông minh, trí nhớ vượt bậc.

Còn một số loại thuốc như: Citicholin, Piracetam, Glyceryl phosphorylcholin, Ginkgo biloba (hoạt chất lấy từ cây bạch quả) Tacrin, Galantamin… được gọi là thuốc tăng cường hoạt động trí não, nhưng thực ra cũng chỉ để điều trị chứng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi hoặc ở người bị chấn thương sọ não, chứ không có tác dụng tăng cường trí nhớ cho nguời học tập.

Một số biệt dược khác cũng thường được dùng giúp tăng cường trí nhớ như Dexedrine, Ritalin, Aricept, Nootropil và nhiều loại khác. Các thuốc này đều là thuốc chữa bệnh đặc biệt được bác sĩ chỉ định dùng rất thận trọng và hạn chế, chứ không thể tự ý dùng tùy tiện, dùng sai sẽ bị tác hại khôn lường. Riêng 2 loại thuốc Dextroamphetamine (biệt dược Dexedrine) và Methylphenidate (Ritalin) vốn là thuốc kích thích hệ thần kinh được dùng chủ yếu trị bệnh rối loạn tăng động kém tập trung. Thuốc gây nghiện như nghiện ma túy nên cực kỳ nguy hiểm nếu lạm dụng.

Một số loại thực phẩm chức năng chẳng hạn nhân sâm, tuy là vị thuốc bổ quý giúp chống mệt mỏi, làm tăng khả năng tập trung và sự nhạy bén trong hoạt động thể lực và trí óc, nhưng chỉ nên coi nó như một thực phẩm bổ sung. Đối với các bạn trẻ, không nên dùng bất cứ loại thuốc nào, ngoại trừ do sợ thiếu hụt trong chế độ dinh dưỡng, có thể dùng thuốc bổ cung cấp nhiều vitamin và chất khoáng, chẳng hạn, có thể dùng loại đa sinh tố (multivitamins) ngày 1 viên.

Tự dùng thuốc – lợi bất cập hại

Thật dễ dàng để mua một thuốc được cho là bổ não, tăng cường trí nhớ tại các nhà thuốc, thậm chí các thuốc này thuộc nhóm thuốc cần phải kê đơn. Không chỉ tại Việt Nam, rất nhiều quốc gia trên thế giới đều gặp một tình trạng chung: Học sinh, sinh viên sử dụng chất kích thích, các thuốc tăng cường trí nhớ trước mùa thi. Đây cũng là cơ hội để thị trường đen đưa vào các dòng thuốc, thực phẩm chức năng đáp ứng nhu cầu của các gia đình bất kể chất lượng thuốc ra sao. Những kẻ trục lợi sẽ lợi dụng tâm lý lo lắng của phụ huynh và học sinh, họ đăng quảng cáo thông tin thuốc “siêu tốc” cho trí nhớ học sinh trên các diễn đàn học tập, dẫn nhiều đường link và cố gắng dụ dỗ, thuyết phục đến việc mua thuốc một cách dễ dàng. Bố mẹ không nên tự ý cho con dùng thuốc để tránh các biến cố bất lợi có thể xảy ra với con.

Như trên đã phân tích về cách thức tác dụng của thuốc trên hệ thần kinh và tỏ ra hiệu quả trong khả năng cải thiện chức năng thần kinh trung ương. Nhưng các thuốc này chỉ có tác động rõ nét trên trường hợp bệnh lý điển hình và hầu như ít tác dụng trên người bình thường khỏe mạnh. Nếu sử dụng chúng như những thuốc bổ mùa ôn thi, thì lợi bất cập hại và phải lưu ý đến những vấn đề sau:

Các chất DHA, omega-3 cần cho sự hình thành và phát triển não bộ nên rất cần cho trẻ em. Ở người trưởng thành, não bộ không hình thành và phát triển thêm nữa và DHA, omega 3 ít có ý nghĩa với người trưởng thành. Đối với vitamin nhóm B, khi bị thiếu thì sẽ dễ nổi nóng, thần kinh bị suy nhược, thậm chí bị co giật. Ngược lại, nếu dùng một lượng lớn các thuốc bổ sung vitamin B thì hệ thần kinh sẽ bị rối loạn hoặc bị tê liệt.

Các thuốc như vinpocetin, galantamine… có tác dụng phụ nghiêm trọng vì nó tác động vào mạch máu, các thụ cảm thể thần kinh, tác động vào nồng độ các chất trung gian thần kinh. Thuốc modafinil giúp làm giảm cơn buồn ngủ nặng do chứng ngủ rũ và các chứng rối loạn giấc ngủ khác. Học sinh sử dụng modafinil với mục đích chống buồn ngủ để tăng thời gian học thì thuốc có thể gây ra nhiều phản ứng bất lợi cho cơ thể như nhịp tim không đều, chứng ảo giác, suy nghĩ, hành vi bất thường…

Vậy nên phụ huynh và học sinh không nên dùng thuốc kê đơn mà không theo chỉ định của bác sĩ. Không nên tự ý dùng thuốc không có trong chỉ định mà nhà sản xuất đưa ra để tránh các tác dụng không mong muốn xảy ra.

Những “phương thuốc” hiệu quả, an toàn

Để tăng cường sức khỏe học tập, theo các chuyên gia, phương thuốc hiệu quả nhất không ở đâu xa, chính là duy trì những thói quen hàng ngày một cách tích cực. Đầu tiên là vấn đề dinh dưỡng. Nguyên tắc ăn uống hàng đầu là phải ăn đúng cách, đủ dinh dưỡng để đảm bảo đủ sức khỏe chịu đựng được những áp lực trong thời gian tập trung cho thi cử. Đặc biệt, không nên bỏ bữa ăn sáng. Ngoài các bữa chính cũng nên ăn thêm các bữa phụ vào khoảng 9h sáng và 3h chiều để vừa giải lao trí óc vừa nạp thêm năng lượng. Sau mỗi bữa ăn cần nghỉ ngơi khoảng 30 phút rồi mới bắt đầu học để không ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

Giấc ngủ được coi là thần dược đơn giản giúp bổ não. Đi ngủ sớm và dậy sớm để học bài là phương pháp học tập khá hữu hiệu, bởi sau khi nghỉ ngơi, cơ thể lấy lại sức lực, đầu óc tỉnh táo, minh mẫn hơn vì thế sẽ hiểu và nhớ bài hơn. Hơn nữa, khi đi ngủ trước 12h khuya, học sinh sẽ có được kích thích tố tăng trưởng tiết ra mạnh nhất, điều này có lợi cho sự phát triển hài hòa của cơ thể, nhất là chiều cao. Các nhà khoa học đã chứng minh, việc thư giãn sẽ giúp trí nhớ hoạt động tốt hơn. Trí óc phải được nghỉ ngơi, không làm việc căng thẳng liên tục trong nhiều giờ.

Ngoài ra, học sinh phải đề ra một phương pháp học tập khoa học. Thời gian tốt nhất để học mỗi lần là khoảng 40-45 phút. Giữa các giờ học, phải có các hoạt động thể chất. Các bậc phụ huynh không nên đặt áp lực lên con mà phải phát hiện những điểm mạnh, điểm chưa mạnh của con mình để có thể tư vấn định hướng con mình cho phù hợp. Hãy nhẹ nhàng, động viên tinh thần con cái, chăm lo cho bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, khuyên trẻ ngủ đủ giấc để có thể học hành hiệu quả hơn.

Duyen

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...