Tăng cường tiếp cận bình đẳng của người dân tới thông tin và dịch vụ SKSS, sức khỏe tình dục có chất lượng

Thứ Ba, 02/01/2024 04:03 PM (GMT+7)

Ngày 27/12/2023, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Góp ý dự thảo báo cáo kết quả cập nhật các chỉ số và các phương pháp thu thập số liệu về Kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ đang còn hoạt động tình dục ở độ tuổi 15 – 49”.

Tham dự Hội thảo có TS. Phạm Vũ Hoàng – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Dân số; đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA); nhóm chuyên gia của Tổng cục Thống kê và Cục Dân số; ông Đinh Thái Hà - Giám đốc Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng, Cục Dân số, đại diện các phòng/đơn vị thuộc Cục Dân số, cùng đại diện Chi cục Dân số - KHHGĐ các tỉnh, thành phố Hà Nội, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Ninh, KonTum, Đắc Lắk, Quảng Ngãi, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh.

TS. Phạm Vũ Hoàng - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Dân số phát biểu khai mạc Hội thảo.

TS. Phạm Vũ Hoàng - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Dân số phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Vũ Hoàng - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Dân số cho biết Hội thảo diễn ra trong dịp kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam 26/12, không chỉ có ý nghĩa, vai trò quan trọng trong công tác chuyên môn mà còn góp phần hưởng ứng, nêu cao vai trò của công tác dân số trong tình hình mới đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Chung (Tổng cục Thống kê), đại diện nhóm tác giả đã trình bày các kết quả nghiên cứu, qua đó khẳng định đây là công trình giúp Cục Dân số cập nhật các chỉ số và các phương pháp thu thập số liệu về KHHGĐ để đảm bảo các chỉ số và thông tin của người trẻ tuổi chưa có gia đình được thu thập và báo cáo trong hệ thống thông tin dân số KHHGĐ. Hoạt động này sẽ cung cấp thông tin cho lập kế hoạch và giám sát các chương trình KHHGĐ tại các tuyến.

Ông Nguyễn Đình Chung cho biết thêm, qua làm việc với cộng tác viên dân số, nhóm tác giả nhận định, hiện nay có khoảng 8% cộng tác viên trên cả nước được tuyển bổ sung mới, do vậy cần có tài liệu biên soạn phù hợp để tập huấn về công tác Dân số nói chung, phương pháp thu thập số liệu nói riêng cho họ. Tại thôn bản còn thiếu khoảng 20 nghìn cộng tác viên dân số để đáp ứng nhu cầu rà soát, thống kê trên khắp cả nước.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Dương Văn Đạt - đại diện UNFPA cho rằng, cần hiểu về “hoạt động tình dục” đó là trong 12 tháng mà có quan hệ tình dục ở cả nam và nữ thì được công nhận là hoạt động tình dục. Phụ nữ ở độ tuổi từ 15-49 chưa kết hôn nhưng có hoạt động tình dục thì phải sử dụng các biện pháp tránh thai để kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi tiếp cận đối tượng này liệu họ có dễ dàng chia sẻ về việc họ đã có quan hệ tình dục khi chưa lấy chồng hay không.

Qua phân tích của các đại biểu, một trong những khó khăn lớn trong việc thu thập thông tin là việc đối tượng khảo sát từ chối cung cấp thông tin với những câu hỏi được cho là vấn đề thầm kín, riêng tư. Bên cạnh đó là vấn đề tính chính xác của câu trả lời được cung cấp. Một số đại biểu đề xuất nên sử dụng thu thập số liệu bằng hình thức online bởi hình thức này hiện rất phổ biến, khai thác được lượng lớn thông tin đáng tin cậy hơn vì đối tượng khảo sát không cần xuất hiện trực tiếp.

dai bieu2
Các đại biểu phát biểu tại Hội thảo.

Các đại biểu phát biểu tại Hội thảo.

Các đại biểu đều thống nhất, các chính sách của Chính phủ cần có sự quan tâm về đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng cho cán bộ cơ sở vì họ còn thiếu kinh nghiệm làm việc với người trẻ tuổi, cần phải có thử nghiệm và lựa chọn phương pháp nào, kênh nào là phù hợp nhất. Với vấn đề nhạy cảm thì có những biện pháp gì để thu thập thông tin hiệu quả nhất, đạt độ tin cậy. Các đại biểu cũng đưa ra khuyến nghị với nhóm chuyên gia nghiên cứu, cần lồng ghép các chuẩn mực, tiêu chuẩn và nguyên tắc về quyền con người được ghi nhận trong hệ thống pháp luật Việt Nam để phân tích, đánh giá và giải quyết các vấn đề liên quan tới KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Trong bối cảnh hiện nay, việc đảm bảo tiếp cận bình đẳng của người dân, đặc biệt là nhóm phụ nữ ở độ tuổi 15-49, tới thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục có chất lượng là vô cùng quan trọng, góp phần đảm bảo công bằng giới và nâng cao chất lượng dân số của đất nước.

Trước đó, ngày 23/6/2022, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1621/QĐ-BYT về việc phê duyệt Dự án “Tăng cường tiếp cận công bằng tới thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục toàn diện cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương”. Đây là dự án hợp tác giữa Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên hợp quốc. Mục tiêu chung của dự án là Hỗ trợ Bộ Y tế cải thiện sự tiếp cận bình đẳng của người dân tới thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục có chất lượng, đặc biệt ưu tiên cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương và trong bối cảnh có thảm họa nhân đạo, thông qua việc xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách và chương trình dựa trên bằng chứng, đảm bảo công bằng giới và quyền con người.

Thanh Huyền

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...