Thách thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong giai đoạn già hóa dân số

Thứ Ba, 21/03/2023 09:19 AM (GMT+7)

Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) nhận định, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Theo UNFPA, những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%.

TS Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, trong thời gian qua, do làm tốt công tác giảm sinh nên số lượng và tỷ lệ trẻ em trong cơ cấu dân số của Việt Nam ngày càng giảm. Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế - xã hội và việc chăm sóc sức khỏe tốt hơn nên tỷ lệ và số lượng người cao tuổi tăng lên.

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với tỷ lệ người trên 65 tuổi đạt 7%. Đến khi tỷ lệ người cao tuổi trở lên đạt 14%, chúng ta sẽ bước vào giai đoạn dân số già.

Điều đáng lo ngại là, nếu như các nước trên thế giới phải trải qua nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ mới chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già, (như Pháp: 115 năm, Thụy Điển: 85 năm, Hoa Kỳ: 70 năm…) thì Việt Nam được dự báo giai đoạn dân số già sẽ đến trong vòng 16 - 18 năm nữa. Như vậy, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Cơ cấu dân số chuyển dịch theo hướng tăng dân số trong độ tuổi lao động góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, già hóa dân số cũng sẽ đặt ra thách thức khi tốc độ già hóa nhanh trong bối cảnh nước ta vẫn là một quốc gia có mức thu nhập trung bình. Nhất là trong ngành y tế, việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là hệ thống y tế mới chỉ thay đổi với một tốc độ khá chậm trong việc thích ứng với tỷ lệ dân số cao tuổi dự kiến: chỉ một vài tỉnh và thành phố có Khoa Lão; việc giáo dục, đào tạo lão khoa tại các trường y còn hạn chế; chăm sóc tại cộng đồng còn chưa phát triển và việc chăm sóc tại nhà mới đang manh nha.

Trong khi đó, người cao tuổi là một đối tượng đặc biệt, với nhiều đặc điểm tâm sinh lý và bệnh lý khác biệt so với người trẻ, việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi đòi hỏi cán bộ y tế phải được đào tạo chuyên sâu, đặc biệt về lĩnh vực này.

Hiện nay, Việt Nam chưa có hệ thống nhân lực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Hiện nay, Việt Nam chưa có hệ thống nhân lực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

PGS.TS Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, người cao tuổi trong xã hội vẫn là một nguồn lực rất quan trọng và không thể thiếu. Họ là những người có trình độ, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và bề dày kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Sức khỏe là điều kiện tiên quyết để người cao tuổi có cuộc sống tích cực, truyền đạt những kinh nghiệm sống quý báu và là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho con cháu.

"Thế nhưng, trung bình mỗi người cao tuổi có thể mắc trên 3 bệnh lý như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, Parkinson, Sa sút trí tuệ, đột quỵ... Điều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi" - PGS.TS Nguyễn Trung Anh chia sẻ.

Tuy nhiên, việc duy trì chăm sóc, điều trị đều đặn cho người già rất khó khăn, trong khi truyền thông chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại cộng đồng còn hạn chế. Chưa hết, khi dịch được kiểm soát, bệnh nhân cao tuổi lại nhập viện ồ ạt với tình trạng bệnh lý nghiêm trọng gây áp lực lớn lên hệ thống y tế…

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chủ trương, chính sách đã đi vào cuộc sống nhằm giúp người cao tuổi "sống vui, sống khỏe, sống có ích".

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030. Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025 có tới 70% số người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi; tỷ lệ này cần đạt mức 85% vào năm 2030.

Vũ Phương Bảo Khanh

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...