Thai ngoài ý muốn, nạo phá thai, vô sinh,... và những hậu quả của thiếu phương tiện tránh thai

Thứ Tư, 08/05/2019 11:37 AM (GMT+7)

Việc thiếu hụt nguồn phương tiện tránh thai (PTTT) sẽ gây ra rất nhiều những hậu quả nghiêm trọng như: Tăng tình trạng có thai ngoài ý muốn, nạo phá thai, vô sinh thứ phát và tử vong bà mẹ, trẻ em liên quan đến việc mang thai.

phuong-tien-tranh-thai

Tại Hội thảo An ninh phương tiện tránh thai do Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức ngày 7/5, ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số của Tổng cục cho biết, trong chương trình DS-KHHGĐ của mỗi nước, dịch vụ KHHGĐ luôn được coi là một giải pháp cơ bản, trong đó, đảm bảo an ninh phương tiện tránh thai là một yếu tố rất quan trọng.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, trong vài năm trở lại đây, nguồn PTTT nước ta bị thiếu hụt, đặc biệt là không nhập được thuốc tiêm, cấy tránh thai. Các PTTT chủ yếu vẫn là dụng cụ tử cung, bao cao su, viên uống tránh thai.

Trong khi đó, thực tế hiện nay cho thấy, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) ở nước ta tiếp tục tăng trong những năm tới. Điều này dẫn đến nhu cầu sử dụng các PTTT nhất là các PTTT hiện đại ngày càng cao và đa dạng.

Hơn nữa, thực trạng tuổi dậy thì có xu hướng sớm hơn trước kia, đồng thời tuổi quan hệ tình dục lần đầu ngày càng giảm dẫn đến nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai cũng có chiều hướng gia tăng.

Theo Điều tra Quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần 2 năm 2008 (SAVY2), tuổi quan hệ tình dục lần đầu của nữ bình quân là 18 tuổi, giảm 1,4 tuổi so với năm 2003 (SAVY1). Tuổi kết hôn lần đầu khoảng 22,9 tuổi (Tổng Điều tra dân số 2009).

Mặt khác, một tỷ lệ không nhỏ vị thành niên, chưa kết hôn và đã có quan hệ tình dục. Hầu hết nhóm này không muốn sinh con nhưng do rào cản văn hóa, do thiếu kiến thức về SKSS dẫn đến không tiếp cận được biện pháp tránh thai.

Do đó, việc thiếu hụt nguồn PTTT sẽ gây ra rất nhiều những hậu quả nghiêm trọng như: Tăng tình trạng có thai ngoài ý muốn, nạo phá thai, vô sinh thứ phát và tử vong bà mẹ, trẻ em liên quan đến việc mang thai.

Theo nghiên cứu của UNFPA, nếu thiếu 1 triệu USD (tương đương khoảng 23 tỷ đồng) trong việc hỗ trợ PTTT sẽ dẫn đến hậu quả làm tăng thêm 360.000 ca có thai ngoài ý muốn; 150.000 ca nạo phá thai; 800 ca tử vong mẹ và 11.000 ca tử vong trẻ sơ sinh.

Đề cập đến nhu cầu PTTT chưa được đáp ứng, ông Nguyễn Đình Chung, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê xã hội và môi trường (Tổng cục Thống kê) cho biết, cứ 100 phụ nữ từ 15-49 tuổi đã kết hôn thì có 6 người không được đáp ứng nhu cầu KHHGĐ. Trong đó, miền núi trung du phía Bắc và Tây Nguyên là 2 vùng có nhu cầu về PTTT chưa được đáp ứng cao nhất trên khắp cả nước.

Bên cạnh đó, nhu cầu chưa được đáp ứng cao nhất ở nhóm tuổi từ 15-24, chủ yếu do đóng góp nhu cầu chưa được đáp ứng về khoảng cách sinh. Trong khi nhóm 25-49 tuổi chịu tác động chủ yếu do giới hạn số con.

Do đó, trách nhiệm của Nhà nước và toàn xã hội là không được để thiếu PTTT nhằm phòng tránh có thai ngoài ý muốn, giảm tỷ lệ nạo phá thai và ngăn ngừa tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh liên quan đến việc mang thai.

Theo ông Mai Trung Sơn, đảm bảo an ninh PTTT không chỉ phòng tránh thai ngoài ý muốn mà còn góp phần giảm nạo phá thai, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em và phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, HIV…

An ninh PTTT đảm bảo cho mọi khách hàng, không phân biệt tuổi, giới tính, tình trạng hôn nhân, vị thế xã hội, điều kiện kinh tế và điều kiện sống đều có thể tiếp cận, lựa chọn, sử dụng PTTT đảm bảo chất lượng khi họ có nhu cầu.

Duyen

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...